Sống ảo có ý thức

Số lượng thư điện tử của một doanh nghiệp 100 người, mỗi năm cho ra hơn 13 tấn khí thải CO2, tương đương 13 chuyến máy bay Paris-New York.
“Em tham gia vào nhiều mạng xã hội, từ Facebook, Instagram đến Snapchat. Gần như em sống một phần đời mình trong thế giới Internet. Nếu phải đi học, em truy cập Internet 5 giờ/ngày; còn không, phải 7 giờ/ngày”, đây là chia sẻ của Leila, nữ sinh 14 tuổi ở thủ đô Paris, Pháp.
Internet thực sự đã tạo nên một cuộc cách mạng chưa từng có trong đời sống hàng ngày, giúp con người xích lại gần nhau, kích thích sự phát triển về mọi mặt. Tuy nhiên, cái giá về năng lượng là vô cùng lớn cho sự tồn tại của một thế giới vẫn quen gọi là ảo. Nhiều người nói đến “cơn sóng thần Internet” với các hậu quả môi trường khủng khiếp, trước hết với việc lượng điện tăng vọt, mà đa số điện năng đến từ các năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm, tàn phá môi trường, làm gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. 

Ước tính có đến hơn 10 tỷ thư điện tử/giờ được gửi đi trên thế giới. Riêng số thư nói trên tương đương với năng lượng của 4.000 chuyến máy bay khứ hồi Paris-New York (lượng thư điện tử của một doanh nghiệp 100 người, mỗi năm cho ra hơn 13 tấn khí thải CO2, tương đương 13 chuyến máy bay Paris-New York). Hơn 7 tỷ cư dân trên địa cầu và trong tương lai là hơn 9 tỷ sẽ không thể sống thiếu Internet. Trong hiện tại, tổng lượng điện do tiêu thụ Internet ước tính đến 9% lượng điện tiêu thụ toàn cầu và sẽ tiếp tục tăng vọt do Internet tăng trưởng nhanh chóng. Nếu coi Internet là một quốc gia thì quốc gia này về tiêu thụ điện đứng hàng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.

Các trung tâm dữ liệu (data center) vốn được coi là các cơ sở “ngốn” năng lượng số một. Trên thế giới có khoảng 10.000 trung tâm dữ liệu. Một trung tâm dữ liệu khoảng 10.000m², tiêu thụ năng lượng tương đương với một thành phố 150.000 dân. Hiện con người ngày càng phụ thuộc vào các cơ sở hạ tầng này, bởi việc trao đổi thư điện tử, kết nối điện thoại qua Internet… đều phải thông qua các trung tâm dữ liệu.

Nhưng để hiểu về các tiêu tốn năng lượng của thế giới Internet thì điều này không đủ. Nhà nghiên cứu Fredéric Bordage, lãnh đạo nhóm GreenIT của Pháp, nhấn mạnh, nếu chỉ tập trung vào tiêu thụ năng lượng điện tại các trung tâm dữ liệu thì đã bỏ qua 2/3 nguyên nhân còn lại, đó là mạng lưới truyền tải dữ liệu và người dùng Internet. Cứ mỗi máy chủ đặt tại trung tâm dữ liệu, có khoảng 200 máy trạm cuối, về phía người sử dụng, có nghĩa là 200 điện thoại di động hoặc 200 máy tính. “Tác động ô nhiễm môi trường, về khai thác tài nguyên thiên nhiên (đặc biệt liên quan đến các kim loại hiếm, được sử dụng nhiều để chế tạo điện thoại di động, máy tính), về khí thải gây hiệu ứng nhà kính như vậy là khác hẳn”, ông Bordage nhấn mạnh.

Theo chuyên gia Francoise Berthoud, có rất nhiều “điều nho nhỏ” mà người sử dụng Internet có thể góp phần vào việc tiết kiệm năng lượng. Ví dụ như trực tiếp truy cập trên Internet địa chỉ cần tìm thay vì thông qua trung gian Google - điều làm lãng phí thêm nhiều năng lượng do các công đoạn xử lý thông tin thừa, hay cần cắt giảm dữ liệu lưu trữ trên đám mây điện toán... 

Tóm lại, người sử dụng Internet không nên ỷ vào các tiến bộ kỳ diệu trong công nghệ sản xuất phương tiện kỹ thuật số mà quên đi ý thức và hành vi tiết kiệm năng lượng hàng ngày, tuy nhỏ bé, nhưng tác động hết sức lớn đến môi trường.

Tin cùng chuyên mục