Sống cùng di sản

Sau lưng đồi có mấy cây sồi hơn ba chục năm tuổi, tán bắt đầu xòe rộng, nguy cơ bão bùng gãy đổ vào nhà tôi. Nghĩ cây thuộc đất nhà mình nên  tự chặt bỏ. Ai ngờ bị mấy ông quản lý tài nguyên môi trường của vùng làm khó: “Đừng tưởng chúng tôi không biết từng gốc cây từng góc vườn, nhá. Mỗi năm chính quyền thuê trực thăng bay tầm thấp chụp ảnh tư liệu ghi lại cả đấy”.
Khoảnh vườn nhỏ có gốc cây lâu năm của gia đình chị Kim Anh
Khoảnh vườn nhỏ có gốc cây lâu năm của gia đình chị Kim Anh
Mà có xin phép cũng không cho chặt. Họ tiếp tục nghiêm mặt. Thôi, coi như cầm chắc lệnh phạt. Quy giá gỗ từng cây để áp tiền phạt, rẻ cũng 800 EUR/cây. Chính quyền cứ đếm gốc thu tiền. Sống trong vùng quy hoạch công viên cây xanh, rừng tự nhiên hay rừng tự trồng ở châu Âu, cây cối phải thuận tự nhiên.

Tình cờ, cũng dịp này chị Kim Anh ở thị trấn Langholm gần thành phố Carlisle giáp biên giới Anh - Scotland, gửi cho tôi xem mảnh vườn của chị. Nhà một nơi, vườn một nẻo. Con đường rộng 2m chạy giữa nhà và vườn. Chỉ thấy một cái cây vút lên, choán gần hết tầm nhìn mảnh vườn xinh xinh ấy. Nơi này vốn thị trấn cổ, các nhà ven sông đều không có vườn. Bãi cỏ cạnh sông vì thế được chính quyền địa phương sáng kiến cho dân thuê lại. Dĩ nhiên không phải để tranh thủ xây các chung cư tầng cao giá trị, tầm nhìn riverside, mà để các nhà quây rào lại, chăm chút thành mảnh vườn riêng. Chị Kim Anh kể: “Họ cắt cho mỗi nhà một khoảnh, mỗi năm phải trả phí thuê đất. Muốn trồng gì thì trồng, quây rào kín, hở được hết. Nhưng cái cây to ấy không được chặt”. Và cũng vì các ngôi nhà ở đây đều hơn 150 năm tuổi nên muốn sửa chữa đều phải xin phép. Nhà tôi thèm nắng quá trót chặt cây, còn nhà một người cùng thị trấn của gia đình chị Kim Anh lại thèm yên tĩnh. “Cửa sổ nhà ấy sát mặt đường, xe cộ đi lại ồn lắm. Xin chính quyền cho lắp cửa kính 2 lớp mà không được đấy. Vì họ bảo phải giữ nguyên trạng thái nhà cổ cửa kính 1 lớp”.

Cổ hơn nữa là nhà một người Việt thành đạt tại Đan Mạch tôi mới quen. Nhà Quỳnh nằm trong danh sách di sản quốc gia. Tuổi nhà khoảng bốn thế kỷ, cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay những ngôi nhà cổ còn bảo toàn nguyên vẹn như vậy ở đây. Cô chụp cho xem rất nhiều ảnh ngôi nhà rực màu vàng cam dưới nắng nhẹ đầu hè. Quý hơn nữa, Quỳnh tìm thấy tư liệu (gồm cả tranh ảnh và sách) về ngôi nhà đang ở được lưu ở Bảo tàng thành phố Horsholm. Thỉnh thoảng, cô lại thấy một vài đoàn khách đứng trước cửa, ngắm nghía, chỉ trỏ vào nhà mình. Hôm nào Quỳnh ở nhà và có thời gian, cô mở cửa cho khách vào xem. Nhiều người vẫn gọi nhà Quỳnh theo tên cũ là Doktorbolig, nghĩa là nhà của bác sĩ. Đây từng là nhà của bác sĩ Aage Moller, sinh năm 1880. Ông qua đời khi mới 40 tuổi. Sau khi phẫu thuật cho một bệnh nhân bạch hầu, ông cũng lây bệnh này và mất. Đôi khi nhìn những bác sĩ, những gia đình, những đứa trẻ nhỏ nhắn, xinh xắn... đã từng sống trong ngôi nhà này, cảm thấy như trôi vào một khoảng lặng vô cùng. Cảm giác ấy bao gồm cả giật mình, tiếc nuối, bàng hoàng, rưng rưng... 

Dĩ nhiên, gia đình Quỳnh hiện tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo tồn nhà cổ. Đổi lại, chính quyền ưu đãi giảm thuế đất. Dưới tầng hầm, những viên gạch, viên đá mấy trăm năm còn giữ nguyên nét đẹp. Một vài tảng đá to trước cửa nhà trong bức hình cả trăm năm trước, giờ vẫn sáng bóng ngoài kia. Có người khuyên Quỳnh chụp ảnh sinh hoạt gia đình hiện tại, lưu lại, biết đâu hậu thế chẳng có lúc ngắm nghía trầm trồ “Một người Việt từng sống ở đây”.

Còn nhà tôi đây, lỡ chặt cây rồi, giờ xin cơ hội sửa chữa có được không? Mấy ông quản lý tài nguyên môi trường gật gù: “Có cách đấy. Trồng cây mới vào mỗi gốc đã chặt. Phải là loại cây lâu năm và phải trồng đúng quy trình gây rừng. Chờ đấy, chúng tôi sẽ cử chuyên gia đến hướng dẫn cách trồng”.

Tin cùng chuyên mục