Sông Tây Nguyên “hấp hối”

 CÔNG HOAN - YẾN VIỄN
Sông Tây Nguyên “hấp hối”
Bài 1: Sông biến thành... lạch!

LTS: Mảnh đất Tây Nguyên có nhiều dòng sông hùng vĩ gắn liền với đời sống tinh thần và vật chất người dân nơi đây qua hàng trăm năm lịch sử như sông Sê San, sông Sê-rê-pốc và sông Ba. Trong những năm qua, việc xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện, khu công nghiệp trên những dòng sông này đã làm chúng bị ô nhiễm và khô cạn nặng nề.

Trong khi đó, những cánh rừng phòng hộ bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc cũng đã làm cạn khô nguồn nước của những dòng sông Tây Nguyên. Nếu không có biện pháp bảo vệ và khai thác hợp lý, sẽ có những dòng sông Tây Nguyên “qua đời” trong nay mai.


Bao đời qua, sông Sê-rê-pốc, sông Sê San và sông Ba là nguồn sống văn hóa, tinh thần và vật chất của con người Tây Nguyên. Nhưng giờ đây, chúng đang chết dần, chết mòn vì chính sự can thiệp thô bạo của con người.

  • Sạt lở

Dòng sông Sê-rê-pốc được hình thành từ sông Krông Ana - sông mẹ (bắt nguồn từ đỉnh núi Cư Yang Sin, Đắc Lắc) và sông Krông Nô - sông cha (bắt nguồn từ đỉnh núi Nam Nung, Đắc Nông). Không chỉ Sê-rê-pốc, cả dòng sông cha và dòng sông mẹ cũng đang sạt lở vì nạn khai thác cát. Ông Chu Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Buôn Chóa (huyện Krông Nô, Đắc Nông), cho biết: “10 năm qua, dòng sông Krông Nô bị khai thác cát nghiêm trọng. Bờ sông sạt lở, ruộng nương người dân bên bờ sông bị “nuốt”.

Tính đến đầu năm 2011, hơn 150ha đất của người dân dọc bờ sông bị sạt lở”. Mỗi ngày từ 3 giờ sáng đến 17 giờ, khoảng 50 tàu hút cát từ thôn Quỳnh Ngọc (xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đắc Lắc) ngang nhiên qua bờ sông lấy cát. “Xã đã báo cáo huyện và nhiều lần thực hiện các biện pháp hạn chế việc khai thác cát gần bờ sông nhưng gặp rất nhiều khó khăn do sông Krông Nô hiện đang là ranh giới hành chính của xã Buôn Chóa (huyện Krông Nô) và huyện Krông Ana” - ông Khoa bức xúc.

Bờ sông Krông Nô sạt lở do khai thác cát trái phép.

Bờ sông Krông Nô sạt lở do khai thác cát trái phép.

Rời xã Buôn Chóa trên con phà qua sông Krông Nô, chúng tôi cập bến khai thác cát thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na (huyện Krông Ana). Hàng chục chiếc xe ben thi nhau vào bến chở cát làm con đường đất hơn 2km của thôn bụi bay mù mịt. Ngay gần bến, các hợp tác xã khai thác cát còn cho người đào thêm một đoạn mương dài hơn 100m để các tàu hút cát trú ngụ và khai thác. Còn những đoạn bờ sông gần đó cũng đang sạt lở, đất màu trồng rau của người dân đang bị trôi dần. Xuôi theo tỉnh lộ 2 Đắc Lắc, chúng tôi tìm về một “điểm đen” khai thác cát trên dòng sông Krông Ana. Ngay dưới chân cầu Giang Sơn (nằm trên quốc lộ 27, nơi ngăn cách giữa huyện Cư Kuin và huyện Krông Bông) có khoảng 20 chiếc tàu hút cát thản nhiên khai thác cát làm bờ sông sạt lở.

  • Ô nhiễm

Từ đầu năm 2010 đến nay, nước sông Sê-rê-pốc đã 3 lần bị ô nhiễm nặng, làm cho cá lăng, cá chép, cá trôi, cá mè… chết trắng trôi dạt trên một quãng sông dài hơn 14km thuộc các xã Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột), Ea Nhol (huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc) và Tâm Thắng, Ea Pô (huyện Cư Jút, Đắc Nông). Có mặt vào chiều 8-5-2011, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều người dân xã Hòa Phú, Ea Nhôl, Tâm Thắng, Ea Pô đổ xô đi vớt cá chết dạt trắng hai bên bờ sông Sê-rê-pốc. Theo họ, nguyên nhân cá chết là do các nhà máy trong KCN Tâm Thắng xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông, “đầu độc” dòng sông.

Ông Y Doan Niê (Chủ tịch UBND xã Hòa Phú) chia sẻ: “Chắc chắn sông Sê-rê-pốc ô nhiễm là do các nhà máy tại KCN Tâm Thắng xả thải xuống sông nhưng đơn vị nào xả thải thì không rõ. Năm 2009, khi cá chết hàng loạt trên sông Sê-rê-pốc, xã đã đề nghị cấp trên thanh tra các nhà máy của KCN này rồi nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm”.

Sông Ba (tỉnh Gia Lai) cũng đang chịu cảnh ô nhiễm trầm trọng. Cả một đoạn sông Ba dài khoảng 500m chảy qua làng Tờ Mật (xã Đông, huyện Kbang) đỏ lòm, đặc quánh bùn thiếc. Đất những ruộng lúa xung quanh khu vực trên đã chuyển từ màu nâu sang màu đỏ. Nhà ông Đinh Ách (ở làng Tờ Mật, xã Đông) sống nhờ vào 5 sào lúa nhưng 2 năm qua không thu hoạch được bao nhiêu vì nước thải quặng thiếc từ nhà máy tuyển quặng Kbang của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tràn lên ruộng. “Không làm thì không biết lấy cái gì để ăn, chứ cái đất đỏ này làm cây lúa mọc không nổi đâu. Nói với xã rồi nhưng chẳng có ai xuống hỏi thăm hay đền bù gì cả” - ông Đinh Ách tâm sự. Dọc theo con suối này lên đập chứa nước thải quặng của nhà máy, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những ruộng lúa đỏ au màu của quặng thiếc.

Khi chúng tôi đến thị xã An Khê (Gia Lai), dòng sông Ba cũng đang bốc mùi hôi thối nồng nặc. Dưới chân cầu sông Ba, dòng sông chỉ còn là những vũng nước đen đặc đầy rác thải. Thực tế, các nhà máy dọc bờ sông Ba đã xả nước thải ra sông từ nhiều năm trước. Trước đây, nước sông còn nhiều nên phần nào pha loãng chất thải và xác động vật chết từ thượng nguồn cũng được dòng nước đưa ra biển. Mấy tháng trở lại đây, Thủy điện An Khê - Kanak bắt đầu tích nước nên nhiều đoạn của sông Ba chỉ còn trơ lại đá. Dòng sông cạn kiệt, nước thải từ các nhà máy đổ ra sông không được xử lý, cá chết hàng loạt nổi trên sông càng làm nước sông bị ô nhiễm nặng.

  • Chết dần, chết mòn...

Dọc theo quốc lộ 24 từ Kon Tum đi Quảng Ngãi, chúng tôi tìm đến sông Đắc Pne, thượng nguồn sông Đắc Bla (một trong 3 chi lưu lớn của sông Sê San). Vừa rời khỏi TP Kon Tum không xa, đến thị trấn Đắc Rve (huyện Kon Rẫy) đã thấy sông Đắc Pne cạn khô. Đứng nhìn từ xa, chỉ thấy con sông với cát trắng xóa và một lạch nước nhỏ chảy qua. “Ngày xưa, sông Đắc Pne chảy rất mạnh, đi trên đường vẫn có thể nghe được tiếng nước rì rào. Bây giờ, hễ đến mùa khô nó lại trơ đáy ra” - anh Hoàng Thanh Ngọc (ở thị trấn Đắc Rve) cho biết. Đi dọc đoạn sông Đắc Pne chảy qua thị trấn này, đâu đâu cũng có cảnh tượng như thế. Phía hạ lưu chân cầu Đắc Rve (bắc qua sông Đắc Pne) cỏ mọc đầy sông, còn những đứa trẻ đang nô đùa cùng đàn bò gặm cỏ ngay giữa dòng sông trước kia.

Bến đò ông Tương (xã Nghĩa An, huyện Kbang) cạn nước, người dân dễ dàng qua sông

Bến đò ông Tương (xã Nghĩa An, huyện Kbang) cạn nước, người dân dễ dàng qua sông

Còn nơi cuối dòng sông Ba chảy qua huyện Krông Pa, Ia Pa và thị xã Ayunpa cũng đã cạn khô khi những nhà máy thủy điện trên dòng sông này tích nước. Khoảng 30km dòng sông từ Krông Pa lên Ayunpa, đâu đâu cũng bắt gặp những đàn bò gặm cỏ giữa dòng sông. Cỏ mọc đầy, sông khô cạn như một con lạch. Có nhiều đoạn chúng tôi không nhận ra đâu là dòng sông nữa dù đã có bản đồ và được người dân chỉ dẫn. Lão nông Ksor Thin (ở xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) đã chuyển từ nghề đánh cá sang chăn bò từ nhiều năm qua nhớ lại: “Trước đây, dòng sông này nhiều cá lắm, mỗi ngày quăng lưới cũng được vài ba chục ký. Bây giờ, không hiểu sao dòng sông lại cạn như thế này…”.

Có lẽ những hình ảnh oai hùng của dòng sông Tây Nguyên giờ chỉ còn trên sách vở khi chúng đang chết vì thủy điện. Theo quy định, những nhà máy thủy điện dù đang trong giai đoạn tích nước cũng phải xả một lượng nước được cam kết trước đó để duy trì dòng chảy hạ lưu. Nhưng thực tế, các nhà máy đã thực hiện cam kết như thế nào, có trời mới biết! 

 CÔNG HOAN - YẾN VIỄN

 Bài 2: Thủy điện “đánh cắp” nước sông

Sẽ bất công khi nói nhà máy thủy điện là nguyên nhân gây ra lũ lụt hay làm cạn khô các dòng sông. Nhưng trên thượng nguồn sông Sê San và sông Ba có hai nhà máy thủy điện đang “đánh cắp” nước sông khi nắn dòng đổ nước về nơi khác, đó là thủy điện Thượng Kon Tum và An Khê - Kanak. Còn thủy điện Sê-rê-pốc 4A đang xây dựng ở Đắc Lắc cũng sẽ làm khô cạn khoảng 20km sông Sê-rê-pốc chảy qua Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn.

  • Sê San chờ chết!

Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum có công suất 220MW do Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư, được khởi công vào ngày 27-9-2009, nằm trên thượng nguồn sông Đắc Snghé. Sông Đắc Snghé chảy từ độ cao 1.780m, băng qua dãy núi Đắc Khích và Đắc Chun rồi đổ về sông Đắc Bla. Lưu vực sông Đắc Snghé nằm trọn trong cao nguyên Kon Tum với hệ sinh thái phong phú, đa dạng và những cánh rừng đầu nguồn có độ che phủ cao nhất nước ở các xã Đắc Tăng, Măng Bút (huyện Kon Plông), một phần thuộc các huyện Kon Rẫy, Tu Mơ Rông.

Xây dựng kênh dẫn dòng Nhà máy thủy điện An Khê và nước sông Ba sẽ được đưa về sông Kôn (Bình Định).

Xây dựng kênh dẫn dòng Nhà máy thủy điện An Khê và nước sông Ba sẽ được đưa về sông Kôn (Bình Định).

Vì vậy, khu vực này có vai trò bảo vệ và điều tiết nguồn nước cho vùng hạ lưu và cả hệ thống sông Sê San. Nhưng thay vì nhận nước từ sông Đắc Snghé và đổ về hạ lưu, Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum lại đổ nước về sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) với tần suất 11,89m³/s. Và như thế, sông Đắc Snghé sẽ thường xuyên khô cạn và không còn nước cung cấp cho sông Đắc Bla, một trong 3 chi lưu lớn của sông Sê San.

Theo ông Nguyễn Thanh Cao (Chủ tịch Hội Liên hiệp KH-KT tỉnh Kon Tum), việc chuyển nước từ Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum sang sông Trà Khúc sẽ tác động tiêu cực đến tính đa dạng sinh học và sinh kế vùng hạ lưu sông (khoảng 20km từ đập thủy điện đến đoạn hợp lưu với sông Đắc Bla). Trên đoạn sông này không có suối lớn mà chỉ có các con suối nhỏ nên thường cạn kiệt vào mùa khô và không đủ cấp nước cho sông Đắc Snghé. Khi hình thành hồ chứa, đoạn sông này sẽ không được cấp nước và nguy cơ trở thành “sông chết”. Với sông Đắc Bla, việc xả nước của thủy điện này sang sông Trà Khúc sẽ làm suy giảm dòng chảy của sông, nhất là vào mùa khô. Những thủy điện bậc thang đang vận hành trên sông Sê San như: Ialy, Sê San 3, Sê San 3A và Sê San 4, việc chuyển nước xuống sông Trà Khúc sẽ làm giảm lưu lượng nước vào các hồ chứa và theo ước tính sẽ làm giảm khoảng 321 triệu kWh của các nhà máy trên.

Trong khi đó, tỉnh Gia Lai lại đang cho doanh nghiệp tư nhân xây dựng thủy điện Sê San 4A (ở xã Ia O, huyện Ia Grai) với công suất 63MW ngay tại hồ điều hòa nước sông Sê San, phía hạ lưu thủy điện Sê San 4. Khi thủy điện này đi vào hoạt động, hồ điều hòa này sẽ mất tác dụng điều chỉnh dòng chảy hạ lưu sông Sê San ở phía nước ta và cả nước bạn Campuchia. Ông Đinh Văn Nhẫn (Giám đốc Công ty Thủy điện Sê San 4) cho biết: “Khi xây dựng thủy điện Sê San 4, Ủy hội sông Mekong đã yêu cầu Việt Nam phải xây dựng hồ điều hòa với dung tích 25 triệu m³ nước để đảm bảo điều tiết xả nước xuống hạ lưu khi nhà máy phát công suất thấp hoặc không phát điện. Bây giờ, không hiểu sao tỉnh lại cho xây dựng thủy điện Sê San 4A ngay tại hồ điều hòa?”. Và như thế, một khi thủy điện Sê San 4A tích nước, hạ lưu sông Sê San sẽ tiếp tục khô cạn.

  • Sông Ba khắc khoải…

Nhà máy thủy điện An Khê - Kanak được xây dựng trên sông Ba, nằm ở địa bàn huyện Kbang và thị xã An Khê (Gia Lai). Thủy điện này có 2 bậc, bậc 1 nằm ở phía thượng nguồn sông Ba là thủy điện Kanak (huyện Kbang) với hồ chứa nước dung tích 285 triệu m³ nhưng công suất chỉ hơn 10 MW, còn bậc 2 nằm ở phía hạ lưu là thủy điện An Khê (thị xã An Khê) với dung tích hồ chứa chỉ có 5,6 triệu m³ nhưng công suất lên tới 160 MW. Sở dĩ công suất của Nhà máy thủy điện An Khê lớn gấp 16 lần Nhà máy thủy điện Kanak vì các nhà thiết kế đã cho đục hầm đèo, lắp đường ống dẫn nước từ hồ chứa ở phường An Phước (thị xã An Khê) đổ về sông Kôn (Bình Định) - nơi đặt các tổ máy phát điện của nhà máy. Độ dốc của đường ống quá lớn nên công suất của nhà máy theo đó cũng tăng lên. Do phải chảy về Bình Định chứ không chảy về Phú Yên nên từ đầu năm đến nay hạ lưu sông Ba cạn khô.

Trước đây, cả tỉnh Gia Lai và Phú Yên đều phản ứng quyết liệt trước bản thiết kế cải tạo dòng chảy của công trình thủy điện này nhưng không hiểu sao chủ đầu tư (EVN) vẫn thuyết phục các cơ quan thẩm quyền cao hơn phê duyệt xây dựng bằng những lý lẽ riêng của họ. Theo đó, ngoài việc mỗi năm cung cấp cho quốc gia 685 triệu kWh điện, thủy điện An Khê - Kanak còn tưới cho vùng lưu vực sông Kôn khoảng 4.703ha cây trồng?

Khi thủy điện An Khê - Kanak bắt đầu chặn dòng vào tháng 1-2011 cũng là lúc Nhà máy nước An Khê, nơi cung cấp nước sạch cho 70.000 hộ dân trong vùng, thiếu nước trầm trọng. Đến đầu tháng 3-2011, nhà máy nước phải dừng hoạt động vì nguồn nước bổ sung từ sông Ba không còn nữa. Đúng lúc sông Ba cạn kiệt, tại thị xã An Khê và huyện Kbang lại xảy ra dịch ở gia súc, gia cầm. Hàng ngàn con heo, gà, vịt chết dịch đã được người dân vô tư đem vứt xuống sông Ba làm dòng sông cạn kiệt này gánh thêm mùi hôi thối. Còn đoạn sông Ba chảy từ thị xã An Khê đến huyện Kông Chro khoảng 28km, giờ trở thành dòng sông chết vì toàn bộ nước đã được tích lại, chuẩn bị theo đường ống đổ về Bình Định để phát điện.

  • Sê-rê-pốc sẽ cạn khô

Còn tại nơi cuối dòng sông Sê-rê-pốc chảy qua VQG Yok Đôn, Công ty CP Điện Buôn Đôn (Đắc Lắc) đang xây dựng Nhà máy thủy điện Sê-rê-pốc 4A. Nhà máy có công suất 64MW sẽ lấy nước xả trực tiếp từ kênh xả của Nhà máy thủy điện Sê-rê-pốc 4. Sau đó, nước sẽ theo kênh dẫn dài khoảng 13km, được đào băng qua 3 xã Ea Wer, Ea Huar và Krông Na (thuộc vùng đệm của VQG Yok Đôn) tới gần hồ Cư Minh (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), nơi sẽ đặt nhà máy phát điện.

Từ đó, nước được xả xuống suối Cầu 19 (buôn Ea Ma, xã Krông Na) chảy xuống sông Sê-rê-pốc, cách nơi nhận nước khoảng 20km đường sông. Lượng nước từ Nhà máy thủy điện Sê-rê-pốc 4 xả trực tiếp xuống sông Sê-rê-pốc chỉ còn lại 8,23m³/s, trong khi dòng chảy tự nhiên của sông là 220m³/s (tức chỉ bằng 1/26 so với dòng chảy tự nhiên). Điều này khiến cả một đoạn sông Sê-rê-pốc dài khoảng 20km vào mùa khô sẽ cạn nước, có thể lội bộ qua một cách dễ dàng và… tạo điều kiện thuận lợi cho lâm tặc qua sông chặt trộm gỗ và săn bắt thú rừng vì đoạn sông này chủ yếu nằm trong lãnh thổ của vườn.

Trước đây, Cục Kiểm lâm cũng đã có công văn đề nghị tỉnh Đắc Lắc không nên xây dựng Nhà máy thủy điện Sê-rê-pốc 4A theo phương án kênh dòng, điều chỉnh vị trí, quy mô và phạm vi nhà máy trên dòng Sê-rê-pốc. Đồng thời, tỉnh cần chỉ đạo Công ty CP thủy điện Buôn Đôn lập báo cáo tác động môi trường. Nhưng sau đó, tỉnh vẫn “âm thầm” để công ty này xây dựng thủy điện Sê-rê-pốc 4A mà không điều chỉnh gì cả. Dòng sông Sê-rê-pốc (rộng khoảng 70m) với nước chảy xiết đang là rào cản tự nhiên, góp phần bảo vệ VQG. Khi đoạn sông này cạn kiệt, rào cản tự nhiên của rừng không còn và như vậy việc bảo vệ VQG Yok Đôn sẽ càng khó khăn gấp bội. Nhiều người lo lắng, xung quanh VQG Yok Đôn đang có hàng chục xưởng cưa bủa vây, khi Nhà máy thủy điện Sê-rê-pốc 4A đi vào hoạt động thì không biết kiểm lâm có giữ được rừng hay không?

Việc nắn dòng chảy các con sông của Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum, An Khê - Kanak và Sê-rê-pốc 4A sẽ làm khô cạn những dòng sông Tây Nguyên và ảnh hưởng đến đời sống tinh thần cũng như vật chất của hàng triệu cư dân trong vùng. Nếu không có những điều chỉnh kịp thời, hạ lưu các dòng sông này sẽ “chết khát” và những hiểm họa môi trường sẽ ập đến lúc nào không biết.

CÔNG HOAN


Bài 3: Chảy đi sông ơi...!

Sông cạn, núi mòn (do mất rừng) là hình ảnh in đậm vào mắt chúng tôi trong hành trình xuôi theo những dòng sông Tây Nguyên. Đại ngàn Tây Nguyên đang “kẹt” giữa 3 vấn đề lớn nhưng chưa có biện pháp giải quyết: Phá rừng, sông chết và thủy điện.

  • Vì đâu sông chết?

Rừng góp phần giữ ổn định nguồn nước, giảm thiểu nguy cơ hạn hán cũng như lũ lụt. Rừng còn giúp cân bằng dòng chảy cố định cho các hệ sinh thái và các trung tâm đô thị. Còn nếu phá rừng sẽ làm biến đổi mạnh nguồn nước theo chiều hướng gia tăng lũ lụt trong mùa mưa và cạn kiệt trong mùa khô. Năm 2009, Tây Nguyên chứng kiến trận lũ lịch sử trên sông Sê San. Một phần của phố núi Kon Tum thơ mộng bên dòng Đắc Bla bỗng chốc tan hoang bởi dòng nước lũ. Năm 2011, khi mùa khô mới chớm vào cao điểm, cũng tại nơi đây đã có hàng trăm hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt do hạn hán. Mất rừng, đất không có sự che chở của cây nên bị bào mòn, rửa trôi mạnh khiến hàm lượng chất rắn trong nước gia tăng mạnh. Ở Tây Nguyên, mỗi năm nước mưa đưa xuống dòng chảy sông, suối 167 triệu tấn đất, trong đó hơn 3 triệu tấn hữu cơ và 0,2 triệu tấn đạm cùng hàng trăm ngàn tấn lân và kali, đây là một trong những nguồn gây ô nhiễm cho nước mặt và nước ngầm.

Dưới chân đập thủy điện Kanak, dòng sông Ba trơ đáy

Dưới chân đập thủy điện Kanak, dòng sông Ba trơ đáy

Kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực năm 1994, các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều hội thảo, hội nghị khoa học đều liên tục cảnh báo tình trạng ô nhiễm các dòng sông Tây Nguyên. Tuy nhiên mức độ ô nhiễm vẫn gia tăng. Ngoài “lâm tặc”, khai thác khoáng sản trái phép, bàn tay con người còn gây ra những thay đổi rõ nhất cho các dòng sông trong xây dựng các công trình thủy điện.

Theo PGS-TS Bảo Huy (Trưởng bộ môn Quản lý tài nguyên rừng và môi trường Đại học Tây Nguyên), việc xây dựng các công trình thủy điện thiếu quy hoạch, thậm chí “bùng nổ” thủy điện vừa và nhỏ trên đầu nguồn các lưu vực sông đã tàn phá mặt đệm, lớp phủ rừng. Xây dựng nhiều hồ đập thủy điện trên các dòng sông Tây Nguyên nhưng không tính đủ tác động môi trường đã dẫn đến biến dạng bất lợi về dòng chảy và thủy chế: mùa khô cần nước thì thủy điện tích nước gây hạn nặng, mùa mưa thủy điện xả lũ gây gia tăng lũ lụt cho hạ lưu. “Khi xây dựng các công trình thủy điện, chúng ta thiếu quy hoạch về lưu vực, dẫn đến các lưu vực ven sông bị tàn phá và không giữ được bề mặt thảm thực vật rừng. Một khi các thảm thực vật rừng ven sông mất đi sẽ không điều hòa được nguồn nước trên sông và hậu quả là lũ lụt, hạn hán…”, PGS-TS Bảo Huy cảnh báo.

Trong khi đó, nhiều thủy điện như An Khê - Kanak và Thượng Kon Tum lại chuyển nước từ sông này sang sông khác để tiện cho việc phát điện nhưng không tính đến thiệt hại cho các vùng hạ lưu. Không ít doanh nghiệp được cấp phép khai thác sử dụng đất và tài nguyên nước trong các lưu vực sông, cũng như không ít cơ quan quản lý vô tình hay cố ý không nhận ra rằng, chẳng phải doanh nghiệp mà cộng đồng dân cư sống trong lưu vực mới chính là chủ nhân thực sự và lâu đời của dòng sông đó.

  • Phải hài hòa lợi ích

Ở Tây Nguyên hiện có 2/4 thành phố, 3/5 thị xã cùng nhiều thị trấn, thị tứ, khu dân cư tập trung nằm ở ven các sông chính như: Sông Sê San, sông Ba, sông Sê-rê-pốc và các phụ lưu lớn của thượng nguồn sông Đồng Nai. Vì thế, nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân nói chung, người dân ở các đô thị nói riêng phụ thuộc rất lớn vào lượng nước và chất lượng nước của các dòng sông, con suối này. Thực tế nhiều năm qua, tài nguyên nước đã trở thành lợi thế của Tây Nguyên để khu vực này đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên dồi dào đó cũng không phải vô tận và hiện đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Dù từng được đánh giá có lượng nước dồi dào, chất lượng nước tốt nhưng nguồn nước của Tây Nguyên cũng đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm.

Ông Nguyễn Thanh Cao, Chủ tịch Hội Liên hiệp KH-KT Kon Tum, cho rằng: “Lâu nay, khi lập đánh giá tác động môi trường của các nhà máy thủy điện xây dựng trên những dòng sông Tây Nguyên, chúng ta thường né làm chi tiết và không có ai giám sát. Đây là một trong những lỗ hổng cần khắc phục để nhà máy thủy điện không để lại tiếng xấu. Trong khi đó, giữa chủ đầu tư và địa phương chưa có những cam kết ràng buộc theo pháp luật nên khi xảy những sự cố thì không biết đổ lỗi cho ai. Vì thế, hậu quả dân lãnh đủ và Nhà nước phải tốn kinh phí để khắc phục”. Cũng theo ông Cao, trách nhiệm lãnh đạo của địa phương nơi xây dựng những nhà máy thủy điện và những khu công nghiệp trên sông rất quan trọng. Vì thế, để tránh việc “chạy trốn” trách nhiệm, địa phương cần phải bắt chủ đầu làm cam kết “duy trì dòng chảy hạ lưu con sông nơi xây dựng công trình thủy điện”.

Còn ông Tạ Đặng Hoàn, Giám đốc Đài Khí tượng - Thủy văn Tây Nguyên, cho biết lượng mưa ở Tây Nguyên trong thời gian qua không giảm nhiều so với trước đây, tuy nhiên vì bề mặt đất không giữ được nước nên mùa mưa xảy ra lũ lụt nhiều và mùa khô lại hạn hán. “Các dòng sông có vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên. Vì thế, khi xây dựng các công trình thủy điện phải hài hòa lợi ích kinh tế với lợi ích dân sinh để tránh những tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống người dân. Thủy điện vừa và nhỏ chỉ có hồ chứa nhỏ nên không thể cắt lũ hay chống hạn, do vậy các tỉnh Tây Nguyên cần hạn chế xây dựng loại thủy điện này”, ông Hoàn đề xuất.

Khi những dòng sông khô cạn sẽ kéo theo những nền văn hóa ven sông cũng dần mai một và biến mất. TS Nguyễn Thị Kim Vân, Trưởng phòng nghiệp vụ Sở VH-TT-DL Gia Lai, chia sẻ: “Đời sống người Tây Nguyên gắn liền với nguồn nước. Khi nguồn nước bị ô nhiễm và cạn kiệt, người dân buộc phải tìm cách thích nghi mới và dẫn đến truyền thống của họ dần biến mất. Như vậy, việc cạn kiệt nguồn nước sẽ giết chết những nền văn hóa truyền thống ven sông bao đời nay của người dân Tây Nguyên. Cứu những dòng sông Tây Nguyên chính là chúng ta đang cứu những truyền thống văn hóa, những làng nghề đánh cá và cuộc sống của hàng triệu cư dân địa phương”.

Để cứu những dòng sông Tây Nguyên, PGS-TS Bảo Huy đề xuất: “Về lâu dài, chúng ta phải quy hoạch lưu vực ven sông khi xây dựng các công trình trên sông để tránh những tác động về môi trường và ảnh hưởng tới đời sống người dân ở khu vực hạ lưu. Nơi nào còn rừng phải bảo vệ nghiêm ngặt, nơi nào đã mất phải trồng lại. Khi phát triển kinh tế phải cân nhắc đến các giá trị môi trường và cuộc sống thì mới phát triển bền vững”.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục