Sống xanh thời hiện đại - Bài 1: Lan tỏa lối sống xanh

Ngày trước, ông bà ta sống xanh, còn hiện nay, khi môi trường sống tự nhiên ngày càng biến đổi và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người, giải pháp sống xanh bắt đầu được nhiều người thực hiện và lan tỏa. 

Sản phẩm của chị Diệu Anh (TP Hà Nội), người sáng lập “Papa’s Dreamer - Xà bông của ba” với loại giấy gói hạt giống thân thiện với môi trường
Sản phẩm của chị Diệu Anh (TP Hà Nội), người sáng lập “Papa’s Dreamer - Xà bông của ba” với loại giấy gói hạt giống thân thiện với môi trường
LTS: “Sống xanh” là lối sống thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên; là lối sống mà con người giảm thiểu tối đa phá vỡ cân bằng sinh thái, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu sử dụng cạn kiệt tài nguyên. Ngày trước, ông bà ta sống xanh, còn hiện nay, khi môi trường sống tự nhiên ngày càng biến đổi và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người, giải pháp sống xanh bắt đầu được nhiều người thực hiện và lan tỏa. Nhưng liệu đây có phải là một giải pháp, một xu hướng lâu dài để giữ lấy môi trường tự nhiên hay chỉ là một trào lưu “sớm nở tối tàn”?

Nằm lọt thỏm trong dãy nhà trọ nhỏ ở đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TPHCM, căn phòng của vợ chồng chị Cao Thị Việt Âu đặc biệt hơn hẳn bởi lúc nào cũng ngào ngạt hương thơm. Chỉ vào những chai, hũ nước xếp đầy góc nhà và trên kệ, chị Việt Âu khoe: “Nước enzym bồ hòn tôi ngâm đó. Loại này để rửa chén, loại này lau nhà, còn cái hũ đằng kia để giặt đồ, bao sạch, bao đảm bảo sức khỏe”.

1. Hơn 2 năm nay, khó mà kiếm được các loại đồ gia dụng có hóa chất trong gia đình chị Việt Âu. Để đảm bảo sức khỏe cho mọi người và nhất là thuận với môi trường tự nhiên, chị đã tìm hiểu cách làm enzym từ việc ủ quả bồ hòn với đường và vỏ một số loại quả như cam, chanh, thơm, sả… “So với mua nước tẩy rửa công nghiệp thì công đoạn làm enzym cực hơn nhiều, nhưng tôi nghĩ, nếu mình sắp xếp được thì nên tìm đến những sản phẩm tự nhiên. Môi trường ngày nay đã đủ thảm lắm rồi, tôi không muốn bị đầu độc thêm nữa. Hơn nữa, dùng những sản phẩm này còn giúp tiết kiệm nước. Rửa chén hay giặt đồ chỉ cần xả một lần là sạch”, chị Việt Âu tâm sự.

Một buổi học dùng những phế liệu làm mô hình học tập 
của sinh viên Đại học Bách Khoa TPHCM

Ban đầu, người quen của chị cũng lời ra tiếng vào, nào nói chị rảnh, cẩn thận quá mức, thậm chí cho chị là “bà già lẩm cẩm”, hay sống thụt lùi văn minh, rằng người ta mất bao nhiêu công sức để nghiên cứu các sản phẩm nhằm giải phóng sức lao động của người nội trợ thì mình lại “mua việc” vào người. Chị bỏ ngoài tai hết, bởi chị có đủ tình yêu với thiên nhiên, với môi trường nên chị nhủ, mình làm được.

Có một giai đoạn, mỗi dòng trạng thái trên Facebook cá nhân, Việt Âu đều chăm chỉ nói về enzym, về bồ hòn, về những công dụng của nó với sức khỏe con người và với môi trường sống. Thấy chị nói nhiều, bạn bè cũng tò mò nên xin để dùng thử. Chính cách tuyên truyền nhẹ nhàng, “mưa dầm thấm lâu” như vậy mà đến nay, hầu hết bạn bè của chị đều làm các chất tẩy rửa từ thiên nhiên. “Tôi vui nhất là đã “dụ dỗ” được nhiều chị em phụ nữ lựa chọn các sản phẩm thiên nhiên thay vì dùng hóa chất. Đừng nghĩ phải làm điều gì đó lớn lao mới là bảo vệ môi trường, mà môi trường sẽ thay đổi tích cực hơn từ những hành động nhỏ của mỗi con người”.

2. Là người tiên phong trong việc đem xà bông thiên nhiên tới người tiêu dùng rộng khắp đất nước, Diệu Anh (TP Hà Nội), người sáng lập “Papa’s Dreamer - Xà bông của ba” đã có những chia sẻ về hành trình đặc biệt của mình. “Câu chuyện đến với xà bông thiên nhiên của mình thực ra rất bất ngờ. Mình có làn da nhạy cảm bẩm sinh, từ nhỏ nếu dùng xà bông có nhiều hóa chất là toàn thân mẩn đỏ ngay. Ba mình thương con gái. Lúc này lại là giai đoạn đã về hưu, vậy là ông mở lại những cuốn sổ ghi chép từ nhiều năm trước khi còn làm kỹ sư hóa chất và cho ra đời những mẻ xà bông đầu tiên - lúc mà Việt Nam chỉ dùng xà phòng đen Liên Xô viện trợ. Mẻ xà bông thiên nhiên đầu tiên của ông ra đời là năm 1989, nhưng khi ấy, mọi người chê xà bông của ông ít bọt. Cho tới giờ, cứ đều đều mỗi ngày làm 10 bánh, ông vẫn tỉ mẩn cẩn trọng như ngày nào để cho ra những sản phẩm tốt nhất, vì ông nghĩ đây sẽ là thứ cứu cánh cho những cô gái giống mình. Cái tên “Papa’s Dreamer” cũng từ đây mà ra, ý nghĩa là giấc mơ của ba đó”, Diệu Anh tâm sự.

Diệu Anh chia sẻ bí quyết: “Mỗi sản phẩm xà bông đều được làm trực tiếp từ dầu olive và dầu dừa của Việt Nam, làm bằng phương pháp Cold Process, là một phương pháp cơ bản để làm xà bông từ xa xưa: thêm bột nghệ, bột trà xanh hay yến mạch và phải mất trung bình khoảng 2 tháng cho một mẻ xà bông để tới tay khách hàng”.

Không chỉ có xà bông thiên nhiên, những sản phẩm độc đáo khác của Diệu Anh cũng đang được nhiều khách hàng, đặc biệt là các bạn trẻ đón nhận và yêu thích như: bàn chải tre với chất liệu lông bàn chải đến từ cán tre, đã được chứng nhận an toàn; bột đánh răng than tre; và đặc biệt là giấy bọc xà bông hạt giống. Thay vì sử dụng những loại ni lông bọc xà bông, Diệu Anh lựa chọn sử dụng loại giấy nến thân thiện với môi trường, bên trên mặt giấy phết hồ gạo và dán các hạt giống cây. Rất nhiều khách hàng tỏ ra thích thú và bất ngờ vì ý tưởng độc đáo này.

Là một khách hàng của Papa’s Dreamer, chị Hồ Thúy Ngọc (Hà Nội) chia sẻ: “Cả nhà mình dùng xà bông thay dầu gội, thay sữa rửa mặt luôn. Gần đây xà bông còn có thêm giấy bọc hạt giống nên mỗi lần mình mua bánh mới, bé nhà mình thích lắm, cứ lăng xăng đem giấy ra trồng, mấy bữa trước còn ra mấy mầm rau dền, cả nhà háo hức lắm luôn”.

3. Nhiều bà nội trợ rất thích ngôi nhà xanh của chị Yến Vân, hướng dẫn viên du lịch sống ở hẻm 41, đường Cao Đạt, quận 5, TPHCM, khen chị biết cách tự trang trí nhà cửa. Được khen, chị thích lắm nên cứ bạn bè, người quen ai muốn tìm hiểu lối sống xanh, chị đều rủ về nhà chơi. Nhà chị Vân chỉ có diện tích hơn 50m2 nhưng được bày biện gọn gàng. Chị khoe: “Đồ dùng trong nhà cứ chọn cái gì không phải làm bằng nhựa thì dùng, được món nào đỡ món đấy, giá thành chỉ cao hơn so với đồ nhựa vài chục ngàn đồng, nhưng dùng được lâu hơn và cũng đẹp hơn nữa. Phương châm của nhà tôi là vật gì ít dùng hoặc không dùng thì đem bán hoặc cho và không bao giờ mua những món chỉ dùng một lần. Thực phẩm khô và đồ ăn vặt thì mua tại Tạp hóa Lá Xanh, nước rửa chén ngâm enzym ở đây cũng có. Đây là cửa hàng tâm đắc nhất của tôi vì khi đến mua hàng mình phải đem theo đồ đựng mới mua hàng được. Hàng ngày, ngoài dùng đồ “xanh”, cả nhà còn sử dụng điện nước tiết kiệm hơn trước đây”.

Chị Vân còn khoe khu vườn nhỏ ở ban công nhà, chị gọi đây là “khu vườn trên mây”. Chị tận dụng những thùng xốp, thau chậu cũ trồng những loại cây tốt cho sức khỏe như sả, gừng, rau má, cỏ mực, trinh nữ hoàng cung. Chị kể: “Mấy cây này trồng dễ lắm, mẹ tôi nhổ từ dưới quê đem lên bỏ vô chậu lấp đất lại là sống thôi, 3, 4 ngày không tưới cũng chả sao. Nhưng đến lúc cảm ho thì mấy cây này có ích lắm, nhất là cây cỏ mực, nhìn xấu xấu vậy thôi chứ trị được nhiều bệnh, cầm máu là tốt nhất. Tôi muốn sống xanh theo cách ông bà ta ngày xưa, chỉ khác là sản phẩm sống xanh bây giờ tiện lợi hơn và đẹp hơn thôi”.

4. Tại một buổi học tại Khoa Kỹ thuật Xây dựng (Đại học Bách khoa TPHCM), các sinh viên năm 2 đã tận dụng các loại rác thải trong cuộc sống hàng ngày, nhất là vỏ chai nhựa để tạo thành những mô hình phục vụ cho việc học. 

Trở về sau 2 năm du học tại Mỹ, thầy giáo Nguyễn Duy Cường (26 tuổi) bắt đầu thực hiện dự án TRASHalive 2019. “Tôi nghĩ với những môn học của ngành kiến trúc, việc tận dụng rác thải để làm mô hình phục vụ việc học có thể giúp sinh viên tiết kiệm được khoảng 65% chi phí mua vật liệu trong suốt 4 năm học”, thầy Cường chia sẻ. Sau khi thuyết phục được hội đồng sư phạm nhà trường áp dụng hình thức dạy và học mới mẻ này, buổi triển lãm các sản phẩm được làm từ phế liệu (tại Nhà điều hành Làng Đại học Quốc gia TPHCM) được nhiều sinh viên hứng thú.

“Đây là lần đầu tiên tôi học và làm mô hình phục vụ cho việc học, từ phế liệu. Sản phẩm làm ra đạt yêu cầu và tiết kiệm được tiền mua vật liệu. Tôi nghĩ đây cũng là cách vừa tái chế được rác thải, vừa bảo vệ môi trường trong khả năng mà sinh viên có thể thực hiện được”, Tấn Hoàng (sinh viên năm 2, Đại học Bách khoa) cho hay. TRASHalive 2019 là dự án được tài trợ bởi Chương trình “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á” do Hoa Kỳ thực hiện. Không chỉ thực hiện ở Việt Nam, dự án còn được triển khai liên kết cùng Campuchia và tiếp cận hơn 40.000 người xem trên mạng xã hội trong năm 2019. 

“Dự án được tài trợ đến hết tháng 11-2019, dù không áp lực về tài chính nhưng tôi vẫn phải tìm cách để duy trì hoạt động được lâu dài. Sắp tới dự án sẽ hướng đến nhiều đối tượng hơn trong cộng đồng chứ không riêng gì với sinh viên hay học sinh. Có sự chung tay của càng nhiều người mới hy vọng mang lại một sự chuyển đổi rõ rệt và tích cực hơn với việc tái chế hay bảo vệ môi trường”, thầy Nguyễn Duy Cường chia sẻ. 

Rõ ràng, những ý tưởng tưởng chừng rất nhỏ nhưng nếu cộng đồng cùng chung tay, mỗi người một hành động, chắc chắn hiệu quả mang lại không hề nhỏ.

Nhiều người nghĩ rằng, sống xanh là phải sử dụng các sản phẩm organic xa xỉ và chỉ dành cho người có điều kiện. Không hẳn vậy, sống xanh có thể được thể hiện qua những thói quen hàng ngày. Trong sinh hoạt hàng ngày, thay đổi thói quen như hạn chế túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần; không dùng sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã; tắt bớt điện; hạn chế nước… đã có thể giúp cho cuộc sống mình “xanh” hơn. Hay trong ăn uống, dùng sản phẩm được sản xuất theo phương thức tự nhiên, hữu cơ; tự trồng rau xanh tận dụng không gian trong gia đình hay ủ phân bón từ thức ăn thừa, đã là sống xanh rồi đó… Không cần ôm đồm làm nhiều việc, mà chỉ cần làm tốt một khía cạnh đã đủ tạo dựng một lối sống xanh.

Tin cùng chuyên mục