“Sốt giá ảo” tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản

Hiện thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự minh bạch, lành mạnh và bền vững do đang vướng  nhiều “điểm nghẽn”.
Giá đất khu vực quận 9 tăng đột biến thời gian qua
Giá đất khu vực quận 9 tăng đột biến thời gian qua
Nhìn toàn cục, thị trường bất động sản vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như tình trạng lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội đổ vào thị trường bất động sản rất lớn, có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn và vào phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng.
5 điểm nghẽn
Thị trường bất động sản có sự gia tăng của nhiều nhà đầu tư thứ cấp và hiện tượng “sốt giá ảo” trong phân khúc đất nền ở các quận ven và một số huyện ở TPHCM như: quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ... Hiện thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự minh bạch, lành mạnh và bền vững do đang vướng 5 “điểm nghẽn”: tiền sử dụng đất đang là gánh nặng; là ẩn số, tạo ra cơ chế xin - cho; khâu giải phóng mặt bằng dẫn đến tình trạng nhiều dự án bồi thường dở dang, không thể triển khai được, chôn vốn của doanh nghiệp trong thời gian dài, chưa có lối ra; chuyển nhượng dự án bất động sản; chính sách tín dụng chưa phù hợp, chưa tạo được nhiều nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường bất động sản; thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình tính tiền sử dụng đất, hoặc phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Trước đây, khâu thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật các công trình nhà ở cao tầng, từ 21 tầng trở lên đều phải thông qua Cục Quản lý các hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định. Nay vừa được quy định lại trong Nghị định 42/2017/NĐ-CP ngày 5-4-2017 của Chính phủ nhưng chỉ có sự thay đổi rất nhỏ: Nhà từ 25 tầng và có chiều cao từ 75m trở lên đều phải thông qua Cục Quản lý các hoạt động xây dựng thẩm định thiết kế. Có tỉnh có thể không đủ điều kiện hoặc năng lực thẩm định thiết kế nhà trên 20 tầng và có thể cần sự hỗ trợ thẩm định của Bộ Xây dựng, nhưng có tỉnh thành như Hà Nội và TPHCM hoàn toàn có năng lực để thẩm định thiết kế nhà đến khoảng 30 tầng hoặc tương đương chiều cao 100m.
Nhiều bất cập cần tháo gỡ
Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, rất mong chờ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh được Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2017. Việc này nhằm tạo hành lang pháp lý minh bạch, thông thoáng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và của thị trường bất động sản; thể hiện đầy đủ quan điểm về Nhà nước kiến tạo sự phát triển; Chính phủ liêm chính, đồng hành với doanh nghiệp; thúc đẩy rất mạnh phong trào khởi nghiệp và sự phát triển lành mạnh của khu vực kinh tế tư nhân, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Tình hình cơn sốt giá đất nền không chỉ diễn ra tại các quận ven và huyện ngoại thành TPHCM mà còn diễn ra tại Đà Nẵng, Nha Trang... Riêng tại TPHCM đang diễn ra “cơn sốt giá ảo” trong phân khúc đất nền ở các quận ven và một số huyện như đã đề cập bên trên. Đối tượng là đất nền do hoạt động tách thửa, phân lô theo Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 15-10-2014; hoặc đất thổ vườn trong khu dân cư nông thôn ở các quận ven và huyện ngoại thành; thậm chí có cả trường hợp một số khu đất nông nghiệp cũng bị phân lô bán giấy tay trái pháp luật. Trong vòng 1 năm qua, giá đất nền đã tăng trên dưới 30%, cá biệt có khu vực giá tăng đến trên dưới 70%. Giới đầu nậu và cò đất bất chính là nguyên nhân trực tiếp và là bên thủ lợi nhiều nhất trong cơn “sốt giá ảo” đất nền thời gian qua. Cơn “sốt giá ảo” đất nền này rất nguy hiểm, đã và đang tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản. Nó không chỉ làm méo mó thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro mà còn đe dọa sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản, cần phải có các giải pháp hạ nhiệt kịp thời, hiệu quả. Không để xảy ra vỡ “bong bóng” gây thiệt hại dây chuyền trên thị trường bất động sản và để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khi có chủ trương lớn như những dự án “khủng” hay chia tách quận, cấp TP cần thông tin chính thức và rõ ràng để tránh giới “cò” lợi dụng thông tin mập mờ đẩy giá đất lên.
UBND TPHCM cần sớm ban hành quyết định thay thế Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 15-10-2014 của UBND TP quy định về diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa, tạo điều kiện cho các hộ gia đình đông người có nhu cầu tách thửa ra riêng, nhưng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để tránh trường hợp bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thực hiện tách thửa, phân lô bán nền tràn lan.

Tin cùng chuyên mục