Sốt ruột với 2 công trình trên đường Huỳnh Tấn Phát

Trên tuyến đường Huỳnh Tấn Phát từ quận 7 đến huyện Nhà Bè (TPHCM) có 2 công trình đang thi công. Đường dây nóng Báo SGGP liên tục nhận được phản ánh của nhiều người dân về việc thi công quá chậm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và đã phản ánh trong bài “Gian nan đường về Cần Giờ” ra ngày 21-11-2018. Báo tiếp tục ghi nhận ý kiến các đơn vị có liên quan.
Công trình ở đường Huỳnh Tấn Phát thi công quá chậm làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân
Công trình ở đường Huỳnh Tấn Phát thi công quá chậm làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

Phải ngưng thi công khi triều cường 

2 công trình đang thi công trên tuyến đường Huỳnh Tấn Phát là dự án tuyến ống cấp nước cấp 1 và dự án thoát nước, nâng cấp mặt đường. Dự án tuyến ống cấp nước cấp 1 do Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) làm chủ đầu tư, thi công cuốn chiếu, xong một đoạn là phải tái lập ngay mới được phép thi công tiếp theo. Dự án thoát nước và nâng cấp mặt đường do Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 làm chủ đầu tư, xây dựng mới hệ thống cống dọc D800 - D2000 bố trí dưới lòng đường, cống ngang D600 với chiều dài thi công hơn 6,3km đảm bảo thoát nước đến cửa xả; cải tạo tuyến cống cũ trên vỉa hè để thuận lợi cho việc thu nước thải từ nhà dân hai bên.

Theo các đơn vị thi công, do tuyến đường có nhiều đơn vị thi công cùng lúc, đồng thời ảnh hưởng triều cường, nên việc thi công phải chậm so với dự kiến. Hiện nay, mặt đường rất thấp, thường bị ảnh hưởng triều cường, mưa là có thể ngập, khiến việc thi công bị ảnh hưởng. Ngoài ra, đây là  tuyến đường chính dẫn vào Khu chế xuất Tân Thuận có nhiều xe tải trọng lớn lưu thông, nên một số đoạn đường sau khi vừa tái lập đã nhanh chóng bị hỏng, xuống cấp. Công trình thường sử dụng điện để hàn, nên trong những ngày triều cường buộc phải ngưng thi công nhằm đảm bảo an toàn. Để đảm bảo độ bền công trình đạt tiêu chuẩn, trung bình mỗi ngày chỉ thi công lắp đặt được 2 - 3 đốt ống cấp nước, với chiều dài mỗi đốt 9m.

Thời gian được cho phép thi công hàng ngày từ 22 giờ đến 5 giờ, khoảng thời gian này rất ngắn, trong khi đó việc gia cố thành vách phui đào và bơm nước để tránh sạt lở đã chiếm mất khoảng 3 tiếng, chỉ còn khoảng 4 tiếng để thi công lắp đặt tuyến ống và tái lập hoàn trả lại mặt đường đảm bảo an toàn giao thông. Các công trình phải phối hợp thi công từng đoạn, công trình cấp nước phải đặt ống nằm dưới cùng, nên thi công hoàn thành mới bàn giao lại mặt đường cho đơn vị thi công thoát nước tiếp tục thi công. 

Do tiến độ chậm, hàng tháng, các đơn vị thi công cùng với chủ đầu tư họp với Ban Giám sát cộng đồng quận 7 để lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân, từ đó tìm ra biện pháp khắc phục, hạn chế các ảnh hưởng đến người dân và phương tiện giao thông. Để đảm bảo an toàn giao thông, các đơn vị thi công thường tăng cường người điều tiết giao thông, kiểm tra việc tái lập mặt đường xuất hiện ổ gà, nứt đường có nguy cơ gây tai nạn.

Nhiều đơn vị thi công cùng lúc

Đường Huỳnh Tấn Phát là tuyến đường huyết mạch nối quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ, có rất nhiều công trình ngầm, nằm dày đặc, nên khi làm thoát nước buộc phải di dời toàn bộ công trình ngầm. Thi công tuyến cống phải đào đường phui mới, nên một số công trình hạ ngầm trước đó phải xới lên làm mới lại để phù hợp với thi công.

Cuối tháng 10-2018, Ban Quản lý dự án Tây TPHCM mới khởi công di dời hệ thống cáp ngầm viễn thông. Để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống, việc đi lại và việc kinh doanh của người dân địa phương, các đơn vị di dời cấp ngầm cũng phải thi công cuốn chiếu từng giai đoạn, xử lý giao cắt giữa các công trình hạ tầng cũng rất khó khăn, nhưng vẫn phải đảm bảo vừa thi công được, vừa đảm bảo các công trình ngầm khác vẫn được vận hành an toàn và liên tục.

Đầu tháng 12-2018, các đơn vị cáp ngầm mới hoàn thành thi công cống, cáp, chuyển mạng, bàn giao mặt bằng cho Khu Quản lý giao thông đô thị Số 4 triển khai thi công hệ thống thoát nước. Ngoài ra, còn có Công ty Điện lực Tân Thuận, Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè cũng thi công di dời công trình hiện có trên đường; công trình của Sawaco phải thay đổi hướng tuyến so với phương án duyệt ban đầu, phải xin lại giấy phép đào đường với Sở GTVT, nên kéo dài thời gian thi công.

Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 4, việc chờ phối hợp với đơn vị thi công thoát nước trên cùng đoạn đường được cấp phép mất nhiều thời gian và phụ thuộc tiến độ lẫn nhau, chưa kể phần thay đổi phát sinh. Tuy nhiên, tiến độ triển khai thi công cấp nước, di dời hạ tầng triển khai chậm. Thời điểm hiện tại, các đơn vị thi công đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các hạng mục thảm bê tông nhựa mặt đường, vỉa hè. Nếu các đơn vị thi công cấp nước và viễn thông bàn giao theo đúng tiến độ như đã cam kết với UBND quận 7, sẽ có thể hoàn thành thảm bê tông nhựa mặt đường trước Tết Dương lịch năm 2019.

Tin cùng chuyên mục