Sự cần thiết của xe đạp công cộng

TPHCM đang trong tình trạng quá tải mặt đường và vỉa hè (hiện chỉ có 26 triệu m2 mặt đường, không đủ diện tích chạy xe cho 5,5 triệu xe máy cần đến 60 triệu m2), việc làm thêm một làn đường cho xe đạp và bãi giữ xe đạp là bất khả thi...

Ngày 3-5, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu vùng và đô thị tổ chức tọa đàm “Hệ thống xe đạp công cộng: Sự cần thiết và tiềm năng phát triển tại TPHCM”.

Tại tọa đàm, hầu hết các ý kiến cho rằng việc triển khai mô hình xe đạp công cộng (XĐCC) tại TPHCM là cấp bách và cần thiết. Việc phát triển xe đạp thành một loại hình giao thông công cộng sẽ dễ thực hiện hơn việc cấm xe máy.

Theo PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân, Trưởng khoa Đô thị học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM), trước áp lực giao thông ngày một lớn ở các đô thị của Việt Nam, đặc biệt là ở TPHCM, thì phát triển phương tiện XĐCC đang được xem là giải pháp hiệu quả và văn minh để kết nối với các tuyến xe buýt, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Tuy nhiên, ứng dụng XĐCC trong đời sống chưa được đánh giá cao, hầu hết các ý kiến cho rằng dịch vụ này không thể đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân hiện nay bởi mọi người đang sở hữu xe máy và không dễ dàng chuyển đổi đổi sang xe đạp.

Bên cạnh đó, xe đạp còn thiếu hấp dẫn đối với người sử dụng bởi điều kiện về hạ tầng giao thông không đảm bảo, thời tiết nắng nóng, đó là chưa kể đến tâm lý đi xe đạp thì nghèo, ít tiền... Những yếu tố này đã và đang là những thách thức đối với việc phát triển hệ thống XĐCC.

Các chuyên gia cho rằng, nếu muốn phát triển loại hình XĐCC thì phải có những biện pháp mang tính chất đột phá. Thành phố cần tập trung phát triển trước ở các khu vực có điều kiện phù hợp để tạo ấn tượng tốt, cái nhìn mới của người dân về XĐCC.

Sau đó, khi hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh thì triển khai rộng rãi hơn. Nếu muốn XĐCC hấp dẫn người dân thì bắt buộc phải làm đường riêng cho xe đạp, hoặc tối thiểu là ưu tiên cho xe đạp, kết hợp với việc giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường - vốn phát sinh nhiều mối nguy hiểm khi lưu thông bằng xe đạp hoặc đi bộ.

Theo Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM), thành phố đang trong tình trạng quá tải mặt đường và vỉa hè (hiện chỉ có 26 triệu m2 mặt đường, không đủ diện tích chạy xe cho 5,5 triệu xe máy cần đến 60 triệu m2), việc làm thêm một làn đường cho xe đạp và bãi giữ xe đạp là bất khả thi.

Trước mắt, thành phố chỉ nên làm thí điểm cho một vài khu vực đã có hệ thống giao thông công cộng bao quanh hoạt động tốt, như khu vực quận 1, quận 2 và tại các trục đường như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Tôn Đức Thắng, dọc Công viên 23-9…

Nếu làm tốt, sẽ khuyến khích được người dân sử dụng giao thông công cộng và hệ thống xe đạp nối kết để giảm sử dụng xe máy, rất thích hợp với khách du lịch ở trung tâm thành phố. 

Cuối năm 2017, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã giao Sở GTVT phối hợp với Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) hoàn thiện đề án thí điểm mô hình xe đạp công cộng ở khu vực trung tâm thành phố.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho thấy, người dân thành phố đang rất thiếu thông tin về các loại hình giao thông công cộng và XĐCC. Có đến 39% số người được khảo sát không biết XĐCC là gì, và đa số không biết gì về các dự án XĐCC ở TPHCM đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, tỷ lệ người ủng hộ phát triển loại hình này rất lớn, đến 89% người được hỏi, vì nhận ra lợi ích của XĐCC cho môi trường sống và sức khỏe con người. 

Tin cùng chuyên mục