Sự cố bục nước đường hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2: Nghi ngờ chất lượng thi công

  Sau sự cố xảy ra tại thủy điện Sông Bung 2 (xã Zuôih, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) làm 2 người mất tích, cuốn trôi 3 ngôi nhà và nhiều tài sản khác... người dân đang rất hoang mang khi hiện nay trên thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn có hàng chục đập thủy điện khác. Bên cạnh đó, dư luận cho rằng, sự cố bục nước đường hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 vừa qua không phải là “tại trời” mà là do nguyên nhân chủ quan và nghi ngờ chất lượng thi công công trình. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Việt Hải (ảnh), Tổng giám đốc Công ty Phát điện 2, chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Bung 2.  
Sự cố bục nước đường hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2: Nghi ngờ chất lượng thi công
Sự cố bục nước đường hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2: Nghi ngờ chất lượng thi công ảnh 1

Sau sự cố xảy ra tại thủy điện Sông Bung 2 (xã Zuôih, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) làm 2 người mất tích, cuốn trôi 3 ngôi nhà và nhiều tài sản khác... người dân đang rất hoang mang khi hiện nay trên thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn có hàng chục đập thủy điện khác. Bên cạnh đó, dư luận cho rằng, sự cố bục nước đường hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 vừa qua không phải là “tại trời” mà là do nguyên nhân chủ quan và nghi ngờ chất lượng thi công công trình. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Việt Hải (ảnh), Tổng giám đốc Công ty Phát điện 2, chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Bung 2.  

° Phóng viên: Có thông tin cho rằng, trước khi xảy ra sự cố, khe phay của cửa van không được làm sạch, còn nhiều đất cát dẫn đến cửa phay (van) đóng không kín và nước bị xì qua rất mạnh.

° Ông Ngô Việt Hải: Trong quá trình vận hành 2012 đến nay, đất đá vào khe van là đương nhiên có. Đến khi tích nước, Ban Quản lý (BQL) dự án đã thuê đội bơm hút chuyên nghiệp hút cát, đất trong 1 tháng (từ 25-7 đến 25-8) để dọn vệ sinh khu vực cửa van, đường hầm trước khi đổ bê tông nút kín đường hầm. Các công đoạn đều làm đúng quy trình đóng cửa hầm. Khi thuê thợ lặn chuyên nghiệp xuống để kiểm tra cửa van, các thợ lặn phát hiện dị vật và bê tông (có thể trong quá trình thi công rơi vãi) nhưng các thợ lặn không đục phá được bê tông dưới nước. BQL dự án giao cho Tổng Công ty Thủy lợi 4, nhà thầu thi công làm nhiệm vụ đóng cửa van, bơm hút nước, dọn cát đường hầm, đổ bê tông nút kín hầm... thuê một đội thợ lặn và đục phá bê tông dưới nước chuyên nghiệp đục phá bê tông dưới 7m nước trước khi thả cửa van xuống để tích nước.

Sau khi đục xong bê tông, thả cửa van xuống, nước có rò rỉ qua cửa với lưu lượng 0,2m3/giây (tương đương 720m³/giờ). Lưu lượng rò rỉ này là trong ngưỡng cho phép. Nhà thầu thi công xử lý bằng cách đắp đê quay về phía hạ lưu rồi bơm nước rò rỉ ra để đổ bê tông vào. Khi đang bơm tiêu thoát nước và đắp đê quay thì bị sự cố.

° Có thông tin cho rằng, BQL và các nhà thầu thi công đổ 200 tấn xi măng hòng bịt kín chỗ xì nước?

° Thông tin hoàn toàn không chính xác vì không ai có thể đổ bê tông khi nước đang chảy.

° Khi nghiệm thu trước khi đóng cửa van để tích nước, các bên tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công và các bên liên quan có ký biên bản đồng ý để tích nước không?

° Về nguyên tắc tích nước thì phải đầy đủ thủ tục. Sở Công thương tỉnh Quảng Nam đi kiểm tra toàn bộ hồ sơ thiết kế rồi mới ký văn bản thống nhất cho tích nước. Xong hết mọi thủ tục, hội đồng nghiệm thu gồm các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đều ký vào biên bản nghiệm thu. Sau khi ký biên bản nghiệm thu, BQL dự án có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị cho tích nước. Tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT kiểm tra đánh giá toàn bộ và có văn bản báo cáo cụ thể. Sau đó UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý cho tích nước.

Đập thủy điện Sông Bung 2. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

° Xin ông khẳng định lại một lần nữa, sự cố vừa qua tại thủy điện Sông Bung 2 là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan?

° Hiện nay các cơ quan điều tra đang tiến hành các thủ tục theo trình tự pháp luật để đánh giá nguyên nhân sự cố. Vì vậy, cho đến nay không ai dám kết luận nguyên nhân sự cố cũng như do nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Theo quy định hiện nay, Bộ Công thương sẽ chủ trì việc kiểm tra, đánh giá, xác định nguyên nhân sự cố cũng như phê duyệt phương án xử lý.

Hiện đã phát hiện được vị trí cánh cửa phay nhưng chưa thể trục vớt lên để nghiên cứu, điều tra xác định nguyên nhân do cánh cửa phay này rất nặng (rộng 6m, cao 15m, nặng 125 tấn), đang bị lấp trong bùn đất và nổi lên trên một phần nhỏ. Còn khe phay thì chưa tiếp cận được vì đang mùa lũ, nước chảy xiết.

° Xin cảm ơn ông!

 Tìm thấy thi thể một nạn nhân trên sông Bung

Khoảng 13 giờ 30 ngày 16-9, người dân đi đánh cá trên sông Bung đoạn cầu Sông Bung 4 (thôn P’rum A, xã Zuôih, huyện Nam Giang) phát hiện thi thể nổi trên sông, chen trong những lớp gỗ, củi nổi trên mặt sông liền báo với lực lượng chức năng.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an huyện Nam Giang và BQL dự án thủy điện Sông Bung 2, nhà thầu thuộc Tổng Công ty Thủy lợi 4 có mặt tại hiện trường để đưa thi thể nạn nhân lên bờ. Do mặt sông bị chèn kín bởi gỗ và củi, lực lượng chức năng rất khó khăn khi tiếp cận hiện trường.

Nơi tìm thấy thi thể nạn nhân nằm cách đập thủy điện Sông Bung 2 xa 31km về phía hạ lưu.

Theo Đại úy Bling Tô Na Van, Công an huyện Nam Giang, người trực tiếp đưa thi thể nạn nhân lên bờ cho biết, thi thể nạn nhân trong giai đoạn phân hủy, nhiều bộ phận trên cơ thể bị mất. Sau khi đưa lên bờ, lực lượng chức năng cho gia đình nhận dạng và xác định thi thể này là anh Đặng Văn Tuyên (37 tuổi, quê Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn đưa thi thể nạn nhân về Trung tâm huyện Nam Giang phục vụ khám nghiệm pháp y và lấy mẫu phân tích ADN để xác định chính xác.

Nguyên Khôi thực hiện

Tin cùng chuyên mục