Sự cố tàu vỏ thép NĐ-67: “Vá” máy, trả tàu hay khởi kiện?

Ngày 27-5, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định đã truyền đạt ý kiến của ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về việc yêu cầu các đơn vị đóng tàu khẩn trương khắc phục hư hỏng của "tàu thép 67".
Nhiều tàu vỏ thép theo NĐ-67 của ngư dân Bình Định bị rỉ sét, phải nằm bờ chờ sửa chữa
Nhiều tàu vỏ thép theo NĐ-67 của ngư dân Bình Định bị rỉ sét, phải nằm bờ chờ sửa chữa

Sau khi tiến hành kiểm tra tàu vỏ thép BĐ 99245 TS của ngư dân Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định) vào sáng 25-5, các chuyên gia Hàn Quốc đã đưa ra kết luận ban đầu là tàu bị hỏng trục chính, lốc máy. Thế nhưng, đến bây giờ vẫn chưa thể tìm được nguyên nhân chính nên chưa thể quy trách nhiệm cho ai?

Sự cố tàu vỏ thép NĐ-67: “Vá” máy, trả tàu hay khởi kiện? ảnh 1 Chuyên gia hàn Quốc đã tiến hành mổ máy giám định nguyên nhân tàu BĐ 99245 TS của ngư dân Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định) vào sáng 25-5
Cần thay máy, không cần "vá" máy

Trước đó, ngày 26-5 ông Bùi Thanh Hải - Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Đông Hải - nhà phân phối chính thức của hãng máy Doosan tại Việt Nam và ông Chulhee Jeong -  trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách sau bán hàng khu vực châu Á, đại diện Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã có cuộc họp với ngư dân để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình sử dụng máy.

Sự cố tàu vỏ thép NĐ-67: “Vá” máy, trả tàu hay khởi kiện? ảnh 2 Đại diện Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã có cuộc họp với ngư dân để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình sử dụng máy
Cũng theo ông Bùi Thanh Hải, sau khi nhờ các chuyên gia của hãng máy Doosan vào cuộc kiểm tra, thẩm định nguyên nhân hỏng máy tàu vỏ thép của ông Sơn thì đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Thế nên vẫn chưa có kết luận lỗi thuộc về bên nào?
“Dù lỗi của ai thì chúng tôi vẫn bảo hành miễn phí cho tàu của ông Sơn. Vì trong 200 máy nhập về Việt Nam để cung cấp cho dự án tàu cá đánh bắt xa bờ của Chính phủ thì đây là trường hợp đầu tiên bị lỗi…”, ông Hải cho biết.
Ông Hải: "Tàu ngư dân Sơn có chạy roda không? Thay dầu bao nhiêu lần? Nước ngọt làm mát máy không chảy ra thân tàu sao lại được đưa lên sàn tàu?"
Bên cạnh đó, phía hãng máy Doosan xác nhận sẽ chuyển phụ tùng để sửa chữa máy và dự kiến giữa tháng 6-2017 sẽ hoàn thành để ngư dân Sơn vươn khơi đánh bắt.

Đến đây, chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS Trần Đình Sơn đặt câu hỏi: Trong thời gian nằm bờ, tổn thất kinh phí, lãi suất ngân hàng ai đứng ra chịu?

Ông Sơn: Trong thời gian chờ sửa máy, tàu nằm bờ, tổn thất kinh phí, lãi suất ngân hàng ai đứng ra chịu?

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Sơn cho hay, sau khi tháo dàn máy con tàu ra để kiểm tra, các chuyên gia Hàn Quốc đã đưa ra kết luận ban đầu là con tàu của ông bị hỏng trục chính của máy, hỏng lốc.

Sự cố tàu vỏ thép NĐ-67: “Vá” máy, trả tàu hay khởi kiện? ảnh 3 Ngư dân Trần Đình Sơn  – chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS chất vấn, đặt yêu cầu trong cuộc họp với đại diện Công ty TNHH MTV  Nam Triệu, hãng tàu Doosan
Không đồng ý với giải pháp thay mới phụ tùng do hãng Doosan đưa ra ông Sơn yêu cầu thay máy mới hoàn toàn, để ông có thể yên tâm ra biển đánh bắt. "Chứ cứ chưa ra tới biển đã hư máy lại quay về, trong khi chi phí một chuyến vươn khơi là rất lớn, tổn thất đó chủ tàu phải đứng ra gánh hết".

Tuy nhiên, đại diện Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho rằng đó là những yêu cầu trái với thông lệ quốc tế nên không đồng tình với ông Sơn. Cuộc họp trở nên gián đoạn vì không tìm được tiếng nói chung từ các bên.

UBND tỉnh Bình Định ủng hộ Ngư dân khởi kiện 

Ngày 27-5, văn phòng UBND tỉnh Bình Định đã truyền đạt ý kiến của ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về việc yêu cầu các đơn vị đóng tàu khẩn trương khắc phục hư hỏng của "tàu thép 67".

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải có nghĩa vụ sửa chữa các tàu cá do đơn vị đóng bị hư hỏng theo hợp đồng đã thỏa thuận với các chủ tàu và việc triển khai thực hiện phải hoàn thành trong tháng 6-2017.

Cùng với đó, các đơn vị đóng tàu không được tự ý thay tôn thép vỏ tàu từ loại Nhật Bản, Hàn Quốc sang loại của Trung Quốc mà không được sự chấp thuận của chủ tàu.

Xem xét, hoàn trả chi phí thiết kế cho chủ tàu. Đồng thời hỗ trợ cho chủ tàu cá bị thiệt hại do nằm bờ, không thể ra khơi hoạt động do lỗi của cơ sở đóng tàu.

Sự cố tàu vỏ thép NĐ-67: “Vá” máy, trả tàu hay khởi kiện? ảnh 4 Nhiều tàu vỏ thép theo NĐ-67 của ngư dân Bình Định bị rỉ sét, phải nằm bờ chờ sửa chữa
Ông Trần Châu giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thuê đơn vị tư vấn độc lập để xác định giá trị, chất lượng các con tàu được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Báo cáo kết quả để UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo; cùng với đó, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ báo cáo UBND tỉnh để tỉnh kiến nghị với Chính phủ về những vướng mắc trong quá trình thực hiện tại địa phương.
"Trong trường hợp các đơn vị đóng tàu không thực hiện nghĩa vụ, UBND TP. Quy Nhơn, huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các chủ tàu cá về thủ tục pháp lý để tiến hành khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân", theo ông Trần Châu.
Sẽ trả tàu chứ không thể khởi kiện?

Trưa ngày 27-5, trao đổi với chúng tôi, ngư dân Lê Văn Thải, 40 tuổi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định), chủ tàu vỏ thép NĐ-67 BĐ-99016-TS bị hỏng máy, cho biết: "Chúng tôi yêu cầu phía công ty thay lại máy mới hoàn toàn, chứ không thể hư đâu sửa đó. Cả dàn máy hàng tỷ đồng, mà cứ ra biển thì hỏng máy, ra lại hỏng thì tốn kém biết bao nhiêu. Hiện tôi dính nợ quá hạn, phải trả thêm 7% lãi suất quá hạn cho ngân hàng; tàu nằm bờ suốt 4-5 tháng mỗi tháng hết 1,2 triệu tiền neo đậu phải trả cho cảng; bạn thuyền thì đợi lâu quá nên đã xin chủ tàu khác đi hết, hiện tìm đâu ra bạn thuyền để ra khơi.

“Nếu ra biển mà tàu hư hỏng tiếp thì tôi sẽ trả tàu chứ không khởi kiện. Kiện cáo, điều tra nguyên nhân rất mất thời gian. Tôi phải ra khơi đánh bắt, chứ lấy thời gian đâu mà kiện tụng. Một ngày nằm bờ là chịu không nổi. Mùa cá đến, thời tiết thuận lợi cứ nằm bờ hoài sao được…”, ông Thải cho hay.

Trong hai ngày 25 và 26-5, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực tế tàu vỏ thép mới đóng đã gặp sự cố.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Oai cho biết: Để xác định trách nhiệm thuộc về bên nào cần phải có thời gian để kiểm tra nguyên nhân, Bộ NN&PTNT sẽ cử các đoàn xuống kiểm tra các bên liên quan, sau đó mới tính toán đến từng nguyên nhân để truy cứu trách nhiệm thuộc về bên nào…

“Hiện tại phải yêu cầu nhà máy nhanh chóng khắc phục các lỗi trên tàu cho dân để dân có một con tàu đảm bảo hoạt động. Trước mắt là như thế cái đã. Còn trách nhiệm cụ thể sau này sẽ tính toán sau. Cần phải có thời gian chứ bây giờ chưa thể nói ngay được” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay.

Ông Nguyễn Ngọc Oai nhấn mạnh: Nghị định 67 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã triển khai được 379 tàu vỏ sắt tuy nhiên chỉ có 15 tàu vỏ sắt hiện nay đang có trục trặc về máy và vỏ, chiếm 2% tổng số tàu vỏ thép của chúng ta. Dù thế nào chúng tôi sẽ giải quyết thấu đáo, để cho ngư dân yên tâm ra khơi đánh bắt, xem xét công ty chịu trách nhiệm đóng tàu để xảy ra sự cố trên…

Tin cùng chuyên mục