Sự lệch lạc về quan niệm sống

“Người ta kiếm tiền bất chấp và giới trẻ thần tượng cũng bất chấp”, lời than thở bất lực của chị Trần Thị Yến (ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) khi nhìn đám con, cháu trong nhà, đứa dán mắt vào chiếc điện thoại đang phát clip của kênh YouTube High 8TV, đứa đang xem lại clip của Khá Bảnh làm mưa làm gió trên mạng xã hội thời gian vừa qua.
Tham gia các hoạt động xã hội giúp các bạn trẻ trưởng thành hơn rất nhiều
Tham gia các hoạt động xã hội giúp các bạn trẻ trưởng thành hơn rất nhiều

Cho đến hôm nay, dù Khá Bảnh (tên thật là Ngô Bá Khá, quê tỉnh Bắc Ninh) đã bị bắt vì nhiều hành vi vi phạm pháp luật, fanpage Khá Bảnh cũng biến mất khỏi Facebook, kênh YouTube cũng bị khóa, nhưng những clip được lưu truyền trên các trang mạng khác vẫn còn đó. Lượng người xem vẫn tăng chóng mặt và độ nóng chưa hề hạ nhiệt.  

Nhiều người thắc mắc, từ bao giờ, những tay anh chị ngang dọc giang hồ lại trở thành thần tượng của nhiều người, nhất là lứa tuổi mới lớn như vậy? Phải chăng sự yêu, ghét của thế hệ trẻ hiện nay không còn được đánh giá dựa trên tiêu chí tài, đức mà thay vào đó được hình thành từ sự tò mò, từ hội chứng đám đông bất chấp những điều phi nghĩa? Nghe nhiều quen tai, xem nhiều quen mắt, đến một lúc nào đó, những điều “chướng tai gai mắt” lại trở nên rất bình thường rồi ngấm vào ý thức của người xem khi nào không hay. 

Đơn cử như kênh YouTube High 8TV với các đoạn phim có nội dung xoay quanh các mâu thuẫn nhỏ nhặt nhưng thường gặp ở các đôi yêu nhau. Vì đánh trúng tâm lý của tuổi mới lớn nên kênh có hơn 1 triệu người theo dõi. Những tưởng giới trẻ sẽ học được kỹ năng từ các clip này, ít nhất là cách cư xử trong tình yêu, thế nhưng, thực tế không ít nội dung của kênh này làm người lớn thất vọng. Ví dụ, với thông điệp “Đừng đánh giá người khác qua bề ngoài của họ” được người xưa đúc kết để khuyên răn người đời, đừng nhìn vào vẻ ngoài giản dị, mộc mạc hoặc thậm chí là chưa được tươm tất mà đánh giá người ta nghèo hèn. Vậy nhưng nội dung đoạn phim thì khác hẳn. Đại thể một cô gái ăn mặc thiếu vải, hở trước hở sau, cư xử thiếu ý tứ, nói năng ngông cuồng nhưng khi được bạn trai góp ý thì hai bên nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã, chửi thề, thậm chí là chỉ mặt, bạt tai nhau. Sau những ngôn từ không thể chấp nhận được thì cô gái chỉ mặt chàng trai và hét lên: “Đừng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài của họ”, kết thúc câu chuyện là màn chia tay trong sự “ngẩng cao đầu” với bộ đồ không thể lố lăng hơn của cô gái. Hay một clip khác với thông điệp “Hãy trân trọng những gì mình đang có” với nội dung chàng trai chia tay người yêu chỉ vì ngực cô gái lép, sau đó ngầm quảng cáo cho một trung tâm nâng ngực….

Đó chỉ là một số số hàng chục clip hút khách đang xuất hiện trên kênh YouTube hiện nay và nó cứ vô tư tồn tại, vô tư cung cấp những kiến thức sai lệch và kỹ năng ngược cho giới trẻ. Ai sẽ định hướng cho người trẻ, gia đình hay nhà trường? Dĩ nhiên trách nhiệm thuộc về cả hai nhưng nếu nhà trường sâu sát hơn, hiểu học trò và có định hướng thì có lẽ sẽ không xuất hiện hình ảnh học trò trong bộ đồ đồng phục chào đón Khá Bảnh như thần tượng khi người này xuất hiện ở tỉnh Yên Bái. Ở góc độ gia đình, nếu còn hình ảnh hàng trăm người, già có, trẻ ở tỉnh Hưng Yên có hào hứng đón chào D.M.T - một tay anh chị giang hồ - tới động viên nữ sinh của địa phương mình bị bắt nạt ngay trong lớp học  thì sao định hướng được con, em mình.

Cuồng thần tượng đã trở thành trào lưu trong một bộ phận giới trẻ ở nước ta, điều đáng lo ngại là thần tượng ngày càng lệch chuẩn theo chiều hướng tiêu cực. Chuyện thần tượng lệch chuẩn có thể là từ sự thiếu hụt về đời sống tinh thần và sự a dua chạy theo tâm lý đám đông của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Hiện tượng này phản ánh một thực tế, đó là sự lệch lạc về quan niệm giá trị sống của một bộ phận giới trẻ. Không ít bạn trẻ có suy nghĩ muốn được nổi tiếng bằng mọi cách trên mạng xã hội, được nhiều người biết đến và có thể kiếm tiền dễ dàng nhàn hạ, thì cần phải làm những điều khác biệt, tìm cảm xúc trong những trò giải trí giật gân.

Nguyễn Thị Vân Anh (sinh viên Đại học Kiến trúc TPHCM) cho rằng: “Thực tế hiện tượng mạng như Khá Bảnh hay D.M.T không hiếm, trên mạng xã hội có rất nhiều bạn trẻ làm những việc đi ngược lại với chuẩn mực văn hóa để được nổi tiếng, như làm các clip đánh nhau, phá phách, đe dọa, chửi tục, hành vi phản cảm…”.

Thần tượng thị phi như cách của Khá Bảnh hay D.M.T rồi cũng đến lúc bị hạ bệ, sẽ giảm nhiệt, nhưng sẽ có những hiện tượng khác xuất hiện vì “nhu cầu”… Đó là nỗi bất an của gia đình và xã hội! 

Tin cùng chuyên mục