Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra

Trong quá trình thực hiện Nghị định 67 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc như đầu tư cơ sở hạ tầng cho thủy sản, vốn vay, thiết kế, thi công, công tác giám sát đóng mới tàu cá...

Sáng nay, 29-8, tại TP Đà Nẵng, Bộ NN-PTNT, UBND TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra”. Hội thảo đặt ra các vấn đề: Làm sao để Nghị định 67 thời gian tới được vận hành trơn tru, xuyên suốt, đi đến từng người dân?

Tham dự hội thảo có đại diện Bộ NN-PTNT, Tổng Cục thủy sản, Văn phòng Chính phủ, đại diện lãnh đạo UBND, Sở NN-PTNT, Hội Nông dân, ngư dân… các tỉnh thành miền Trung. 

Hội thảo thu hút 200 đại biểu đến từ các Bộ ngành Trung ương, các tỉnh thành và ngư dân miền Trung 
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, sau khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành đến nay đã có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp 1.948/2.284 tàu, trong đó đóng mới 1.510, đạt 66,11 % (tàu vỏ thép và vật liệu mới là 768 tàu, chiếm 51%; tàu vỏ gỗ là 742 tàu, chiếm 49%). Số tàu cá phân theo nhóm nghề: tàu làm nghề câu 85 chiếc, nghề lưới rê 420 chiếc; nghề lưới vây 427 chiếc; nghề lưới chụp 341 chiếc và tàu dịch vụ hậu cần là 237 chiếc; số tàu nâng cấp 438 tàu.
Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra ảnh 2 Hàng loạt tàu vỏ thép của Bình Định đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng
Đến 31-7-2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã thực sự đi vào cuộc sống được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ cao, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân; mang lại hiệu quả và thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngư dân; tai nạn tàu cá giảm đáng kể; góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, đời sống người dân được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển.

Tàu vỏ thép của Bình Định đóng theo Nghị định 67 bị nằm bờ, nhiều ngư dân đổ nợ
Hiện tại, Bộ NN-PTNT đang khẩn trương xây dựng dự thảo lấy ý kiến về bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định 67 và dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm nay, có hiệu lực từ 1-1-2018.
Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho biết: "Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 67 tổng số tiền cam kết cho vay đóng mới tàu cá là 9.931 tỷ đồng và đã giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng".
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 67 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc như chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cho thủy sản, vốn vay, thiết kế, thi công, công tác giám sát đóng mới tàu cá, công tác đào tạo nhân lực...
Những vướng mắc này cần phải được tháo gỡ kịp thời để "Xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển" như Nghị quyết Trung ương 4, khóa X Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Ngư dân Đinh Công Khánh, Chủ tàu BĐ 99086 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) thừa nhận: Từ thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm từ tàu vỏ gỗ nay tôi phải mang nợ, án tù tội lơ lửng trên đầu sau khi gặp phải tàu vỏ thép hư hỏng. Đến lúc này, tổng thiệt hại của tôi đã lên đến hơn 1,3 tỷ đồng.

Hiện nay, tàu hư hỏng ngư dân chỉ mong muốn doanh nghiệp đóng tàu nhanh chóng sửa chữa, đền bù thiệt hại cho chúng tôi vì đây là lỗi của doanh nghiệp đóng tàu. Chúng tôi là ngư dân, chúng tôi muốn ra khơi chứ ai muốn nằm bờ thế này. Tôi kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành chỉ đạo ngân hàng giãn nợ cho chúng tôi. Tôi cũng mong cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý mạnh tay hành vi gian dối này.

Ngư dân Lê Văn Sang (Đà Nẵng) cho biết: Hiện các mẫu tàu vỏ thép vẫn nặng tính lý thuyết, không phù hợp với thực tế khi đánh bắt trên biển. Bản thân tôi đã đóng con tàu vò thép Sang Fish 01, tàu được đóng tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang (Khánh Hòa) theo chính sách 1787 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển kinh tế biển. Tàu có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ đồng. Sang Fish 01 có công suất 750CV, dài hơn 25 m, rộng gần 8 m, chiều cao mạn 3,6 m được hạ thủy tháng 7-2014.

Tuy nhiên, sau 1 năm hoạt động, máy chính của tàu Sang Fish 01 bị xuống tải nên nằm bờ sửa chữa từ tháng 11-2015. Ngoài ra, do thiết kế chưa hợp lý nên tàu hay bị lắc và tời hay hỏng, mất nhiều thời gian sửa chữa...
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết: Thực hiện các chính sách hỗ trợ và phát triển thủy sản của Trung ương như Nghị định 67, Quyết định 48..., Đà Nẵng đã ban hành các văn bản giao các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện trên tinh thần công khai minh bạch. Về Nghị định số 67, đến nay Đà Nẵng đã phê duyệt cho 7 cá nhân đóng mới 7 tàu cá (5 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ gỗ); 2 cá nhân nâng cấp tàu cá. Từ năm 2014 đến 2016 đã có 356 lượt tàu mua bảo hiểm thân tàu, mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho 6.049 người với tổng kinh phí khoảng 12,38 tỷ đồng.

Cũng theo ông Hồ Kỳ Minh, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, cơ cấu lại tàu thuyền, cơ cấu nghề; tổ chức lại hoạt động tổ đội trên biển; sản lượng khai thác; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ... Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá đồng bộ theo hướng xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ: đầu tư cảng Thọ Quang thành trung tâm nghề cá của thành phố; khu vực và vịnh Mân Quang thành nơi trú bão cho tàu thuyền công suất lớn từ 400-1.000 CV.

Tin cùng chuyên mục