Sửa đổi tỷ lệ tính lương hưu

Bộ LĐTB-XH đang tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương cho Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm 2013, với mục tiêu chống nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) trong vòng 15 năm tới do tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ở mức cao, dẫn tới thời gian hưởng lương hưu kéo dài kể từ khi nghỉ công tác.

Bộ LĐTB-XH đang tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương cho Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm 2013, với mục tiêu chống nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) trong vòng 15 năm tới do tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ở mức cao, dẫn tới thời gian hưởng lương hưu kéo dài kể từ khi nghỉ công tác.

Về vấn đề này, tôi xin đề xuất một định hướng sau đây:

Theo khoản 1 Điều 50 của Luật BHXH, điều kiện hưởng lương hưu là người lao động quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều 2 của luật này có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên; nay đề nghị nâng lên 25 năm trở lên (tăng thêm 5 năm). Về mức hưởng lương hưu, theo Điều 52 quy định mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 50 của luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH quy định tại Điều 58, Điều 59 hoặc Điều 60 của luật này, tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam, và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%; đề nghị điều chỉnh 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH tương ứng với 20 năm đóng BHXH (tăng thêm 5 năm). Theo đó, người lao động sẽ hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75% khi nam đủ 35 năm và nữ đủ 30 năm công tác có đóng BHXH.

Điều chỉnh như trên, đối với trợ cấp một lần khi nghỉ hưu theo Điều 54, mốc thời gian tính cũng tăng lên 5 năm, nghĩa là người lao động đã đóng BHXH trên 35 năm đối với nam, trên 30 năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH, kể từ năm thứ 36 trở đi đối với nam và năm thứ 31 trở đi đối với nữ. Cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH.

Nếu sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến bình ổn quỹ hưu trí theo định hướng này, sẽ không phải tìm đáp án một bài toán hết sức nan giải là kéo dài tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm như dự kiến, mà vẫn bảo đảm chiến lược cân đối bền vững quỹ BHXH, bởi về mặt xã hội và phát triển, tăng tuổi nghỉ hưu cho nhóm đối tượng nào đó, đồng nghĩa với thu hẹp cánh cửa vào công tác của thế hệ trẻ được đào tạo bài bản, chính quy, tràn đầy nhiệt huyết cống hiến cho quê hương đất nước.

NGUYỄN TIẾN ĐẠT,
Giám đốc BHXH huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng)

Tin cùng chuyên mục