Sức hút ở các khu công nghiệp và kinh tế Long An

Với lợi thế tiếp giáp TPHCM và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, những năm qua, tỉnh Long An đã đột phá trong phát triển các khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) cửa khẩu; qua đó, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) đến đầu tư dài hạn, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà tăng tốc… 
Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (Long An)
Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (Long An)

Thành quả vượt bậc

Những ngày giữa tháng 8-2018, có dịp về các KCN ở Long An, đi đâu cũng thấy không khí sản xuất, chế biến, đóng gói hàng hóa xuất khẩu diễn ra nhộn nhịp. Hàng loạt nhà xưởng khang trang liên tục được các DN đầu tư xây dựng với máy móc, thiết bị hiện đại. Một số KCN đã lấp đầy, nay các chủ đầu tư tiếp tục mở rộng diện tích nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mới. Ông Trương Văn Triều, Trưởng ban quản lý KKT tỉnh Long An, cho biết: “Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 259 triệu USD; trong đó, cấp mới 38 dự án với số vốn 224 triệu USD, 32 dự án điều chỉnh tăng vốn hơn 34,65 triệu USD… Điều này cho thấy tín hiệu thu hút đầu tư ở tỉnh rất khởi sắc”. 

Cũng theo ông Trương Văn Triều, năm 1997, tỉnh có 2 KCN đầu tiên được hình thành là KCN Đức Hòa I và KCN Đức Hòa II hoạt động khá hiệu quả; sau đó, kéo theo nhiều KCN ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Tính đến nay, toàn tỉnh có 28 KCN được thành lập với diện tích hơn 10.558ha. Tất cả các KCN đều có chủ đầu tư hạ tầng, 25 KCN được cấp giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 8.372ha, vốn đầu tư 62,7 triệu USD và 36.834 tỷ đồng. Thời gian qua, các KCN trong tỉnh đã thu hút được 1.372 dự án; trong đó có 606 dự án FDI với tổng vốn 3.684 triệu USD và 766 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 74.281 tỷ đồng… Tình hình sản xuất kinh doanh tại các KCN ở Long An đạt những kết quả khích lệ; kim ngạch xuất khẩu của DN FDI và trong nước đạt hơn 799 triệu USD, tăng 73% so cùng kỳ… Nhờ sự phát triển nhanh của các KCN đã kéo những đô thị xung quanh phát triển theo, lĩnh vực dịch vụ cũng liên tục mở rộng. Từ đó, những vùng đất hoang hóa trước đây, đất nông nghiệp năng suất thấp ở các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức khi hình thành KCN đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa vùng nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Ngoài ra, các KCN trên địa bàn tỉnh đã tạo việc cho khoảng 130.000 lao động, đóng góp khoảng 30% tổng thu ngân sách của tỉnh… 

Đạt được những thành quả trên là nhờ sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương; sự đồng hành có trách nhiệm với cộng đồng DN, tạo động lực cho các DN an tâm đầu tư, sản xuất hiệu quả. Chính cách làm sáng tạo, bài bản đã giúp Long An tạo ra những KCN xanh - sạch, điển hình như KCN Long Hậu (quy mô 244ha), KCN Thuận Đạo (300ha)… được xem là những KCN kiểu mẫu để nhiều địa phương đến học tập kinh nghiệm; đồng thời, đáp ứng tốt cho các nhà đầu tư có những yêu cầu cao như Nhật Bản… 

Tập trung kinh tế cửa khẩu

Cùng với KCN, Long An đang xây dựng khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) có diện tích tự nhiên 13.080ha. Hiện tại, KCN cửa khẩu Bình Hiệp nằm trong KKTCK đã có nhà đầu tư lấp đầy khoảng 13% diện tích đất công nghiệp và là điểm đầu tư tiềm năng cho các DN trong và ngoài nước. Theo quy hoạch chung về xây dựng KKTCK tỉnh đến năm 2030 thì KCN Bình Hiệp giai đoạn 1 là 168,5ha và Khu cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp là 68,36ha. Các ngành chức năng đã và đang mời gọi DN đầu tư phát triển hạ tầng tại khu vực này. Tuy nhiên, trở ngại hiện tại của KKTCK này là chỉ có duy nhất tuyến quốc lộ 62 kết nối và tuyến đường này nhiều năm qua đã xuống cấp trầm trọng, không đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vì vậy việc thu hút nhà đầu tư còn khó khăn. 

Quốc lộ 62 là trục kết nối giữa trung tâm hành chính của tỉnh với các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường… Đồng thời, kết nối giữa cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (Long An) với cửa khẩu Prayvo (Campuchia). Thời gian qua, tỉnh Long An được Bộ GTVT ủy thác quản lý quốc lộ 62 và Tổng cục Đường bộ bố trí vốn để duy tu, bảo dưỡng… nhưng do quốc lộ 62 xây dựng lâu năm nên xuống cấp và không đảm bảo an toàn cũng như nhu cầu giao thông.  Chính vì vậy, UBND tỉnh Long An kiến nghị bổ sung vốn quỹ bảo trì đường bộ để sửa chữa, gia cố, thảm nhựa mặt đường. Ưu tiên bố trí vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 62, đoạn trùng quốc lộ N2 (từ Km29 - Km42), đảm bảo 4 làn xe. Bộ GTVT có giải pháp bố trí vốn đầu tư theo hình thức phù hợp để sớm đầu tư tuyến quốc lộ N1, quốc lộ 62 trong giai đoạn 2018-2020, hoàn thành đưa vào sử dụng.

Tin cùng chuyên mục