Sức mạnh cộng hưởng từ EVFTA

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA)  vào cuối năm 2015 và dự kiến có hiệu lực từ năm 2018.
Sức mạnh cộng hưởng từ EVFTA
Theo đánh giá của Bộ Công thương, hiệp định mà Việt Nam và EU đã thống nhất mang tính toàn diện, chất lượng cao và cân bằng lợi ích cho cả hai bên. Với đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại, đầu tư song phương được bổ sung mạnh mẽ; đặc biệt, ít lĩnh vực cạnh tranh đối đầu nên dự kiến hiệp định này sẽ mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho doanh nghiệp hai bên. 
Cụ thể, với cam kết mở cửa thị trường lên tới hơn 99% số dòng thuế và kim ngạch thương mại, thuế suất 0% sẽ được áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu của hai bên có thể mạnh như dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản nhiệt đới, đồ gỗ... của Việt Nam và ô tô, máy móc - thiết bị, rượu bia, dược phẩm, nông sản ôn đới... của EU.
Về thương mại dịch vụ, cam kết của hai bên đều đi xa hơn cam kết trong khuôn khổ WTO. Các doanh nghiệp EU sẽ được hưởng ưu đãi hơn khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực mà các doanh nghiệp EU có thế mạnh như dịch vụ tài chính - ngân hàng, phân phối, vận tải. Các cam kết nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn trong EVFTA sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU vào Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của các nước EU nói chung và việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành từ cuối năm 2015, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực.
Hơn nữa trong hiệp định này, Việt Nam có cam kết trong các lĩnh vực mới như mua sắm của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ ở mức độ cao, chính sách cạnh tranh... Các cam kết cũng mở ra cơ hội cho hai bên tiếp cận thị trường của nhau, đảm bảo lợi ích tổng thể, cân bằng; đồng thời, đòi hỏi Việt Nam điều chỉnh một số quy định trong nước liên quan.
Trong quá trình đàm phán EVFTA, Việt Nam và EU cũng đã thống nhất khuôn khổ cho các chương trình hợp tác và nâng cao năng lực trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm. Khuôn khổ này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục xây dựng hệ thống pháp lý, hỗ trợ triển khai các cam kết trong hiệp định, hướng tới mục tiêu cuối cùng là tăng cường các hoạt động thương mại và đầu tư song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Theo thống kê của EU, trong năm 2015, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore, với tỷ trọng 19,1% trong tổng kim ngạch thương mại giữa EU và ASEAN. Do đó, khi EVFTA dự kiến có hiệu lực trong năm 2018, Việt Nam có thể trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU tại khu vực ASEAN. 
Trên thực tế, việc mở cửa thị trường, đảm bảo thực hiện các cam kết đã ký tạo ra động lực cũng như sức ép cải cách đối với nền kinh tế trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội phát triển thị trường, tiếp cận công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến nhưng cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt buộc phải tự đổi mới, tự cải thiện năng lực của mình.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, tác động cộng hưởng của EVFTA nói riêng và các FTA nói chung đã ký rất lớn, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, đổi mới; giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tăng trưởng tại các thị trường có FTA.

Tin cùng chuyên mục