Sức sống mới của sách cũ

Nhu cầu tìm mua sách cũ từng một thời là thói quen của bạn đọc thành phố. Những ai từng say mê lùng tìm sách cũ ngày đó hẳn không quên những phố sách ở các con đường Đặng Thị Nhu, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Nhân Tôn, Nguyễn Thái Sơn, Trần Huy Liệu hay Điện Biên Phủ (ngang Công viên Lê Văn Tám). Thế nhưng, theo sự thay đổi của thời đại, các phố sách cũ dần thu hẹp, biến mất. Và có lúc, thị trường sách đã vắng bóng dòng sách cũ…
Sức sống mới của sách cũ

Nhu cầu tìm mua sách cũ từng một thời là thói quen của bạn đọc thành phố. Những ai từng say mê lùng tìm sách cũ ngày đó hẳn không quên những phố sách ở các con đường Đặng Thị Nhu, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Nhân Tôn, Nguyễn Thái Sơn, Trần Huy Liệu hay Điện Biên Phủ (ngang Công viên Lê Văn Tám). Thế nhưng, theo sự thay đổi của thời đại, các phố sách cũ dần thu hẹp, biến mất. Và có lúc, thị trường sách đã vắng bóng dòng sách cũ…

Sự trở lại của sách cũ

Có nhiều lý do dẫn đến sự kết thúc của các phố sách cũ trước đây. Có người cho rằng là do bạn đọc quan trọng nhất của các phố sách này là giới sinh viên, học sinh đã không còn nhu cầu tìm sách cũ. Dòng sách được dạng bạn đọc này ưa chuộng nhất là sách hướng nghiệp, giáo dục thì do đất nước mở cửa, sách mới, cập nhật ngày càng sát với thời đại, sách cũ không còn đáp ứng nhu cầu. Mặt khác, các đầu sách ngày trước, nhất là sách văn học được tái bản ngày càng nhiều, dễ tìm, dễ mua không còn cần lục tìm sách cũ nữa. Một ý kiến khác thì cho rằng các nhà sách hiện đại, sang trọng, tiện nghi và sở hữu lượng sách đồ sộ đã thay thế hoàn toàn các cửa hiệu sách, đồng thời làm thay đổi thói quen mua sách của bạn đọc hiện nay. Dù với lý do nào thì việc các cửa hiệu sách cũ mất dần khách là một thực tế, hiệu sách đóng cửa, phố sách tan rã và dĩ nhiên người ta cho rằng ngày tàn của sách cũ đã đến.

Bạn đọc trẻ tìm mua sách cũ

Và sách cũ bất ngờ trở lại, khi nhắc đến sự trở lại của sách cũ, người ta hay nhắc đến Đường sách TPHCM. Trong lần đầu ra mắt, đường sách có một hoạt động đặc biệt là trưng bày sách thời bao cấp (do Thư viện Khoa học tổng hợp và một số đơn vị kinh doanh sách tổ chức). Việc trưng bày này thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc và dẫn đến một ý tưởng mới là “trao đổi sách”, bạn đọc có sách cũ, đến trao đổi với sách cũ của ban tổ chức. Việc trao đổi thành công ngoài dự kiến và đồng thời cho thấy nhu cầu mua sách cũ mạnh mẽ của bạn đọc. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, một số đơn vị kinh doanh sách đã đứng ra tổ chức các hoạt động mua bán sách cũ mà tiêu biểu là Công ty Nhã Nam với chương trình “Chợ phiên sách cũ” rất thành công, thậm chí thu hút đến hàng chục ngàn lượt người mua sách mỗi ngày, một con số không ai mường tượng được trước đó. Sách cũ bỗng trở nên được quan tâm chú ý, “Ngày sách Việt Nam” cũng có gian sách cũ, Hội sách TPHCM, Hội sách thành phố Cần Thơ cũng có khu sách cũ, thậm chí tại Hà Nội, Công ty Alphabook còn tổ chức cả một “Đại hội sách cũ Hà Nội”, đông đến mức những người tổ chức còn dự kiến phải thực hiện đến 3 hội sách mỗi năm. Thậm chí, một số siêu thị sách hiện đại cũng đã dành một khu cho sách cũ như hệ thống nhà sách Cá Chép tại TPHCM.

Nâng bước văn hóa đọc

Ở đây cần phải chú ý rằng có hai dạng người mua sách cũ. Đầu tiên là những nhà sưu tầm, họ tìm chủ yếu là sách quý, hiếm, độc đáo… Đôi khi nội dung không quan trọng bởi nội dung một cuốn sách có thể đã thuộc lòng nhưng một bản sách in lần đầu, bản sách có chữ ký của tác giả, của một người nổi tiếng vẫn được trả giá cao. Dạng thứ hai là mua sách cũ đọc, để hoài niệm một thời tuổi thơ, để tiếp cận những tác phẩm hay của những dòng văn học hiện nay ít được quan tâm.

Một điều không thể phủ nhận đó là thị trường sách cũ hiện nay đã không còn chỗ cho các loại sách khoa học kỹ thuật vốn đòi hỏi sự tiến bộ, cập nhật mỗi ngày. Thị trường sách cũ hôm nay hoàn toàn dành cho dòng sách văn học, lịch sử, văn hóa, truyền thống, địa lý… những thể loại sách mà nội dung của chúng có thể trường tồn với thời gian. Chính vì thế, với người mua sách cũ, yếu tố thưởng thức văn học, lịch sử, văn hóa được đặt lên hàng đầu.

Như tại “Chợ phiên sách cũ” của Nhã Nam tổ chức vừa qua, rất nhiều bạn đọc trẻ là học sinh, sinh viên đã quan tâm, tìm mua các đầu sách văn học Xô Viết trước đây. Một sinh viên Trường Đại học Văn Lang cho biết đã từng nghe nhắc rất nhiều đến các tác phẩm văn học của Liên Xô hay một số nước XHCN nhưng không hiểu sao hiện nay trên thị trường ít tìm được những tác phẩm đó và chỉ đến với những hội chợ sách cũ, các bạn mới có thể dễ dàng tìm thấy những tác phẩm dạng này. Có một điều đáng chú ý là không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của bạn đọc, sách cũ trong sự trở lại còn ảnh hưởng cả đến sách in hiện nay, như trường hợp cuộc săn lùng bản in hồi thập niên 80 của tác phẩm Bố già do có giọng dịch rất riêng. Kết quả là sách tái bản đã lấy lại bản dịch cũ để đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Lý do sự trở lại đầy thành công của sách cũ được những người yêu sách giải thích khá rõ ràng, nhu cầu sách cũ vẫn còn nhưng hình thức bán sách cũ kiểu trước đã không còn hợp thời. Sách cũ ngày nay phải được bán theo kiểu của sách mới với những hội sách, những cuộc tập hợp đông đảo người bán để có lượng sách lớn và đa dạng, giúp bạn đọc dễ tìm, dễ chọn thay vì phải tốn thời gian dạo qua nhiều cửa hàng như trước đây.

Chính vì điều đó, việc kinh doanh, tạo môi trường mua bán, trao đổi, đấu giá sách cũ được xem là một điểm nhấn đặc sắc của Đường sách TPHCM. Rõ ràng những phố sách kiểu cũ không còn đáp ứng nhu cầu và một phố sách kiểu mới sẽ góp phần đưa thị trường sách cũ, một thị trường đầy tiềm năng và sôi động bước vào một thời kỳ phát triển mới, chuyên nghiệp hơn, đáp ứng đầy đủ hơn những nhu cầu mới của bạn đọc hiện nay.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục