Sức sống mới ở Tân Nhựt

Trong kháng chiến, Tân Nhựt (Bình Chánh, TPHCM) là “vùng lõi cách mạng” của chiến trường miền Nam Việt Nam, nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. 
Cuộc sống người dân xã Tân Nhựt ngày càng khấm khá nhờ các mô hình trồng rau sạch
Cuộc sống người dân xã Tân Nhựt ngày càng khấm khá nhờ các mô hình trồng rau sạch
Đây là nơi có hàng vạn người con ưu tú, luôn đoàn kết, đồng lòng, gan dạ, chiến đấu quật cường, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc. Thời bình, Tân Nhựt lại được khắp nơi biết đến là địa phương phát triển bền vững với nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thực tế chứng minh rằng, ở bất kỳ thời điểm nào, hoàn cảnh nào, đất và người Tân Nhựt vẫn tràn đầy nhựa sống, không đầu hàng trước khó khăn của thời cuộc. 
Tân Nhựt những năm tháng kháng chiến là những cánh đồng bưng biền, dừa nước rộng mênh mông, lẫn bên trong có nhiều sông rạch chằng chịt. Vùng đất có địa hình cách trở này trở thành khu căn cứ của quân ta lúc bấy giờ, trong đó Láng Le - Bàu Cò là hậu cứ, bàn đạp của các lực lượng vũ trang cách mạng Long An -  Sài Gòn - Gia Định. Đặc biệt, đây cũng là nơi trú quân của Tiểu đoàn 6, An ninh T4, các đơn vị biệt động thành, là nơi để lãnh đạo Xứ ủy, Trung ương Cục, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn bàn bạc các phương án tác chiến.
Đánh giá được vai trò của khu căn cứ Láng Le - Bàu Cò đối với quân ta, tại đây những năm 1966 đến 1968, lính Mỹ - ngụy liên tục tổ chức các trận càn quét với quy mô lớn, đánh phá ác liệt hòng tiêu diệt. Tuy nhiên, với ý chí quật cường, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc, quân và dân Tân Nhựt vẫn vững vàng tay súng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giữ từng mét đất, mảnh vườn, bảo vệ các cán bộ chủ chốt. Tiêu biểu nhất là trận đánh ngày 14-10-1966, khi đó Mỹ huy động Tiểu đoàn 30 biệt động quân với hàng trăm quân lính càn vào Láng Le bắn xả, thiêu rụi nhiều xóm làng, nhà dân. 
Quân ta dù số lượng ít, vũ khí hạn chế, nhưng với sức mạnh đoàn kết của tất cả các lực lượng từ quân chủ lực đến du kích địa phương và nông dân đã giành được thắng lợi, tiêu diệt và bắt sống gần 200 tên địch, thu giữ nhiều vũ khí, buộc địch phải rút lui. Chiến thắng là bàn đạp để quân ta tiếp tục chiến đấu bền bỉ, giành thắng lợi ở nhiều trận đánh vào các cơ quan đầu não của địch ở trung tâm Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Để giữ từng tấc đất, mảnh vườn đến ngày đất nước thống nhất, hàng trăm chiến sĩ cách mạng làm nhiệm vụ tại khu căn cứ Láng Le - Bàu Cò đã vĩnh viễn nằm xuống, trong đó có không ít người con ưu tú của quê hương Tân Nhựt như Nguyễn Văn Hạo, Nguyễn Văn Keo…
Ảnh hưởng của chiến tranh, Tân Nhựt những năm sau giải phóng như “vùng đất chết”, đầy rẫy hố bom, ao sình, nhiều xóm làng bị mất dấu. “Thời điểm đó, tài sản còn lại của người dân trong bưng chỉ là cái cày, cây cuốc… Cuộc sống của bà con liên tục rơi vào cảnh đói khát. Có người mỗi ngày chỉ ăn được 1 bữa, thức ăn chủ yếu là bo bo, chuối luộc, củ mì nướng. Khổ vậy nhưng không một gia đình nào bỏ bưng, bỏ ấp đi nơi khác sinh sống. Bởi đất, vườn ở đây là xương máu, là thịt da mà ông cha đã đánh đổi, giờ đây chúng tôi phải có trách nhiệm gìn giữ, xây dựng và tạo sức sống mới” - ông Đặng Thái Ninh (78 tuổi), kể về những tháng ngày hồi sinh vùng đất chết. 
Để ổn định cuộc sống, người dân bắt tay vào cải tạo đất, đắp ruộng, khử phèn làm lúa 1 vụ. Vào mùa mưa, hoặc thời điểm nắng nóng kéo dài, triều cường lên, bà con lại chuyển sang nuôi gà, vịt. Ban đầu, sản phẩm nông nghiệp làm ra chỉ đủ phục vụ nhu cầu thực phẩm tại chỗ, về sau kinh tế ổn định, nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư, mở rộng vườn, ao, tổ chức sản xuất, nuôi trồng nhiều vụ để bán sản phẩm đi nhiều địa phương khác, có thêm thu nhập. “Cái đáng quý nhất của người dân Tân Nhựt là tình đoàn kết, sẵn sàng cưu mang và giúp đỡ lẫn nhau. Khi làm ăn được, nuôi trồng sinh lãi cao, họ sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn kinh nghiệm để người khác cùng làm, cùng phát triển chứ không giữ cho riêng mình”, ông Đặng Thái Ninh nói. 
43 năm sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, Tân Nhựt giờ không chỉ là vùng đất hồi sinh mà còn tỏa sáng. Đến Tân Nhựt vào những ngày này, chúng tôi được đi trên những con đường nhựa phẳng phiu, dài tít tắp. Dọc bên các tuyến đường, những căn nhà cao tầng dần mọc lên nhiều. Xen lẫn trong các đường đê là những cánh đồng rau xanh mượt của các hộ sản xuất rau sạch. Thương lái khắp nơi tấp nập đến mua rau của các hộ sản xuất ở địa phương để chở đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố. Anh Phan Tấn Ngoan, một hộ sản xuất, khoe: “Nhờ địa phương hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng mới, 3 năm qua gia đình tôi tập trung sản xuất rau sạch trên diện tích 3.000m2. Với mức lãi gần 120 triệu đồng/tháng, từ điểm xuất phát là hộ nghèo, giờ đây gia đình tôi đã có của dư, của để”. Anh Ngoan cho biết trong năm 2017, với nguồn vốn tích lũy của gia đình cùng kinh nghiệm làm rau sạch, anh cũng hỗ trợ, giúp nhiều gia đình khác thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhờ làm rau.       
Bà Huỳnh Thanh Thúy, Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt, cho biết, hiện nay xã đã hoàn thành 19 tiêu chí phát triển xã nông thôn mới. Trong năm 2017, xã đã hình thành được 6 hợp tác xã nuôi trồng. Giờ đây tất cả người dân ở địa phương đều có công ăn việc làm, đa số người dân đều trồng trọt, chăn nuôi. Cuộc sống của bà con ngày một khấm khá hơn, con em đều được học hành. Thu nhập bình quân đầu người của xã tăng nhanh trong những năm gần đây. Nếu như năm 2009 đạt 15 triệu đồng/người/năm, nay tăng lên 51 triệu đồng/người/năm.

Tin cùng chuyên mục