40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7-1-1979 - 7-1-2019)

Sức sống ở vùng biên cương

Quốc lộ 22B từ trung tâm TP Tây Ninh dẫn về Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên và vùng biên giới giáp với Campuchia nay đã khác. 

Trước đây, nó chỉ là một con đường mòn của biên giới Tây Nam, con đường đã đưa bao người lính trẻ của Việt Nam vào vùng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và hàng chục ngàn người đã không trở về. Vùng đất Tây Nam đỏ lửa bom đạn năm xưa nay cũng đã khác, xanh tươi hơn, trù phú hơn.

Sức sống ở vùng biên cương ảnh 1 Thế hệ trẻ hôm nay dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên
Hồi sinh

Một ngày đầu năm 2019, chúng tôi có dịp trở lại biên giới huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), nơi đã từng xảy ra cuộc chiến đấu khốc liệt để bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, cùng quân dân Campuchia chống chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Khmer Đỏ. Trước mắt chúng tôi là vùng đất xanh mướt bởi ruộng lúa, ruộng khoai mì và những vạt mía đường ngút ngàn, xen lẫn là những vườn cao su đang độ thu hoạch.

Từ sự nỗ lực của chính quyền và người dân, hiện đã có 4 xã thuộc huyện Tân Biên đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống người dân được cải thiện. Huyện tận dụng lợi thế cửa khẩu quốc tế, trong đó có cửa khẩu Mát Xát, Tân Nam, để phát triển giao thương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Việt Nam và Campuchia.

Thời điểm xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, ông Nguyễn Dân Quyền, Tổng biên tập Báo Cựu chiến binh TPHCM, khi đó công tác tại Bộ Chỉ huy Quân khu 7, là người trực tiếp có mặt tại chiến trường khốc liệt ấy. Trong trí nhớ của ông Quyền, Tân Biên khi ấy rất hoang tàn.

Đến thời điểm hơn 10 năm sau cuộc chiến, đời sống người dân vẫn còn vô cùng khó khăn bởi hậu quả của chiến tranh, nhưng nay đã khác. Tân Biên hôm nay không còn đỏ lửa vì bom đạn, không còn ngổn ngang những hố bom, bãi mìn, thay vào đó là những cánh đồng rộng lớn, những luống rau đang vươn mình trong nắng, những con đường trải nhựa thẳng tắp, thênh thang. Ven quốc lộ 22B và các con đường nhánh dẫn vào các ấp, các xã trong huyện là những căn nhà xây khang trang, kiên cố thay thế nhà tranh, vách nứa thuở nào.

Sinh ra và lớn lên tại vùng biên giới Tân Biên, bà Trần Thị Luyến (54 tuổi, ngụ xã Thạnh Tây) đã chứng kiến từng giai đoạn và sự đổi thay của vùng đất này. Từ hai bàn tay trắng, gia đình bà Luyến đã gây dựng lại được nhà cửa với 4 sào khoai mì và những đàn bò, gà, vịt ngày một nhiều, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình ấm no hơn. Bà Luyến chia sẻ: “Được Nhà nước quan tâm khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang phục vụ đời sống, nên mọi người đã yên tâm làm ăn”.

Biết ơn người chiến sĩ

5 năm trước, bà Luyến xin vào làm việc cho Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên cũng như cái duyên của cuộc đời. Lớn lên giữa thời bom đạn vùng biên giới, đi làm đủ thứ việc nhưng khi tuổi xế chiều, bà lại muốn về chăm sóc khuôn viên nghĩa trang và mộ phần của các liệt sĩ. “Chứng kiến cuộc chiến khốc liệt, tôi càng trân trọng hơn những ngày tháng hòa bình, bởi có được điều đó là nhờ sự mất mát của người lính và gia đình họ. Vì vậy, tôi tự nhủ trong lòng sẽ chăm sóc các anh như một sự trả ơn của người con vùng biên giới”, bà Luyến trải lòng.

Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, cũng là người con của vùng đất Tây Ninh, dù không sinh sống ở biên giới nhưng ký ức tuổi thơ về những ngày bà ngoại đào hầm phía sau nhà để che giấu bộ đội chiến đấu cho vùng biên giới Tây Nam vẫn còn đó. Mỹ Uyên tâm sự: “Trở về vùng biên giới của quê hương, trong lòng tôi vui buồn đan xen. Tôi vui vì quê hương đã giàu đẹp hơn, người dân bớt cơ cực hơn, nhưng lại nặng trĩu những hình ảnh gian khổ, những cái chết thương tâm của các anh bộ đội năm xưa. Nhiều anh ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, họ từ mọi miền đất nước theo tiếng gọi của Tổ quốc, để rồi mãi mãi nằm lại nơi đây, để lại bao hoài bão của cuộc đời. Thế hệ chúng tôi và những thế hệ mai sau được hưởng thành quả từ sự đánh đổi quá vĩ đại như vậy thì sẽ phải sống xứng đáng với các anh, để tiếp nối các anh gìn giữ đất nước”.

Tin cùng chuyên mục