Ngừa ung thư cổ tử cung - Có nhất thiết sử dụng vaccine?

Mới đây, Cơ quan quản lý dược phẩm Pháp cũng như Việt Nam đưa ra cảnh báo nguy cơ phản ứng phụ từ các loại vaccine ngừa ung thư cổ tử cung Gardasil và Cervarix. Đây là 2 loại vaccine tái tổ hợp phòng virus HPV gây ung thư cổ tử cung (UTCTC) đang lưu hành tại Việt Nam.

Mới đây, Cơ quan quản lý dược phẩm Pháp cũng như Việt Nam đưa ra cảnh báo nguy cơ phản ứng phụ từ các loại vaccine ngừa ung thư cổ tử cung Gardasil và Cervarix. Đây là 2 loại vaccine tái tổ hợp phòng virus HPV gây ung thư cổ tử cung (UTCTC) đang lưu hành tại Việt Nam.

Những năm gần đây, khi “Chiến lược chăm sóc sức khỏe sinh sản” gồm 7 mục tiêu, trong đó có “Phòng chống ung thư phụ khoa” được Bộ Y tế phát động thì UTCTC được quan tâm. Tại hội nghị phòng chống ung thư diễn ra tại TPHCM vừa qua, GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho biết qua khảo sát ung thư quần thể tại TPHCM cho thấy UTCTC là ung thư thường gặp thứ 2 ở nữ giới với tỷ lệ 16,5/100.000 người dân.

GS Hùng cho biết, riêng tại BV Ung bướu TPHCM mỗi năm có hơn 1.000 trường hợp UTCTC mới nhập viện và điều trị, gần phân nửa trong số này vào giai đoạn cuối. Mặc dù được coi là căn bệnh hiểm nghèo nhưng hiện nay UTCTC đã có vaccine phòng ngừa.

Vaccine Gardasil do Công ty Merck &co.,inC (Mỹ) phân phối qua Công ty MSD Việt Nam được xem là loại vaccine tái tổ hợp tứ giá virus sinh u nhú ở người (phòng ngừa HPV gây UTCTC) dạng tuýp 6, 11, 16, 18 và được khuyến khích sử dụng cho phụ nữ từ 9 - 26 tuổi. Hay Cervarix do Công ty GlaxoSmithKline (GSK) sản xuất phòng virus HPV tuýp 16, 18.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, không nên tin tưởng hoàn toàn vào sự “thần kỳ” của 2 loại vaccine trên. Bởi theo y văn thế giới hiện có đến 100 tuýp HPV nhưng chỉ có 30 tuýp gây nhiễm trùng đường sinh dục và 15 tuýp có khả năng gây ung thư (tuýp 16 và 18 là nguy hiểm nhất).
 
Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV đều âm thầm và nếu nhiễm phải các tuýp nguy hiểm, virus sẽ tồn tại trong thời gian dài, gây bệnh mạn tính, dẫn đến UTCTC. Đồng thời, theo các nghiên cứu, mọi phụ nữ sinh hoạt tình dục đều có thể nhiễm HPV tuýp sinh ung thư và nguy cơ này có từ lần quan hệ đầu tiên cho đến suốt cuộc đời.

Do đó, với khả năng chủng ngừa 4 tuýp như trên của Gardasil (2 tuýp đầu ngừa UTCTC, 2 tuýp sau ngừa bệnh mồng gà) hay 2 tuýp của Cervarix thì chỉ làm giảm chứ không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ UTCTC. “Chưa hẳn tiêm vaccine rồi là không mắc UTCTC cũng như chưa lường hết được những tai biến phản ứng phụ có thể xảy ra”, một chuyên gia y tế cho biết.
 
Qua khảo sát tại các bệnh viện phụ sản cho thấy, 90% các trường hợp UTCTC đều xảy ra ở phụ nữ từ 35 - 40 tuổi. Thời gian trung bình để ung thư tiến triển thành ung thư xâm lấn kéo dài khoảng 10 – 20 năm và chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ các UTCTC sẽ diễn tiến thành ung thư xâm lấn nếu không điều trị.

Trong một hội thảo gần đây, BS Phạm Việt Thanh, Giám đốc BV phụ sản Từ Dũ TPHCM, cho biết nhờ áp dụng các kỹ thuật và thành tựu mới trong tầm soát – phát hiện và điều trị sớm nên đã phần nào hạn chế sự xâm lấn của UTCTC. Dấu hiệu và triệu chứng thường thấy là chảy máu âm đạo sau khi giao hợp, kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường, đau phần bụng dưới và ra huyết trắng…

Mặc dù đã có vaccine ngừa UTCTC nhưng nhiều chuyên gia y tế cho rằng công tác tầm soát là hơn cả.

Theo BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, tỷ lệ UTCTC cao thường rơi vào những phụ nữ không có chương trình tầm soát ung thư, đặc biệt là phụ nữ có liên quan đến nhóm nhiễm virus HPV. Do đó, theo bác sĩ Minh, nếu phụ nữ trong độ tuổi quan hệ tình dục và sinh sản thường xuyên thăm khám phụ khoa sẽ tầm soát tốt UTCTC.

QUỲNH CHI

Tin cùng chuyên mục