Phòng ngừa bệnh thủy đậu cho trẻ

Thời gian gần đây, bệnh thủy đậu (còn gọi bệnh trái rạ) đang có xu hướng lây lan cho nhiều đối tượng trong cộng đồng. Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị lây bệnh nhất vì sức đề kháng còn yếu và cơ hội tiếp xúc với môi trường sống khá rộng, đặc biệt là nhóm ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, lớp 1...

Thời gian gần đây, bệnh thủy đậu (còn gọi bệnh trái rạ) đang có xu hướng lây lan cho nhiều đối tượng trong cộng đồng. Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị lây bệnh nhất vì sức đề kháng còn yếu và cơ hội tiếp xúc với môi trường sống khá rộng, đặc biệt là nhóm ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, lớp 1...

Những biểu hiện đặc trưng

Nếu trẻ chưa được tiêm ngừa mà lại tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu thì khả năng trẻ sẽ bị mắc bệnh tới 99%. Biểu hiện ban đầu của bệnh thủy đậu cũng giống như tình trạng nhiễm siêu vi (còn gọi là nhiễm virus) thông thường khác như trẻ có thể bị sốt, nhiệt độ thường từ 38oC - 38,5oC,  một số trẻ có cảm giác đau đầu hoặc đau nhức các cơ bắp. Triệu chứng đặc trưng của bệnh thủy đậu là phát ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da) và nổi bóng nước (còn gọi nốt rạ), thời điểm phát bóng nước vào khoảng 2 - 4 ngày sau khi bị lây nhiễm.

Bóng nước của bệnh thủy đậu thường nổi thành từng chùm với những kích cỡ khác nhau, nếu chịu khó để ý sẽ thấy mụn nước có phần lõm vào ở vùng trung tâm. Khi mụn nước tự vỡ, dịch trong mụn nước sẽ tràn ra da gây ngứa rất khó chịu cho bệnh nhân. Ở những trẻ có sức đề kháng yếu, số lượng mụn nước nổi trên da rất nhiều có thể từ 100 - 500 mụn nước.

Chăm sóc tại nhà đúng cách

Khi trẻ mắc bệnh thủy đậu phải cho trẻ nghỉ học  đến khi mụn nước đã khô miệng, thường khoảng 10 ngày để trẻ được chăm sóc tốt và hạn chế sự lây lan cho những trẻ lành khác trong trường học và cộng đồng. Chăm sóc trẻ tại nhà cần chú ý các nguyên tắc vệ sinh quan trọng sau đây: Vệ sinh phòng ở của trẻ  hàng ngày bằng dung dịch nước javel hoặc dung dịch cloramin B, đảm bảo phòng ở của trẻ luôn sạch sẽ, thông thoáng, tránh gió lùa; giữ vệ sinh tai - mũi - họng bằng cách cho trẻ xúc miệng bằng nước muối loãng hoặc dung dịch axít boric 1%;  giữ vệ sinh da đúng cách nhằm bảo vệ da luôn khô, sạch để hạn chế sự bội nhiễm vi khuẩn; nên cho trẻ tắm rửa mỗi ngày bằng xà bông sát khuẩn với nước ấm, nếu mụn nước đã bị vỡ có thể dùng dung dịch xanh methylen hoặc thuốc tím milian 0,25‰ bôi trực tiếp trên da;  hạn chế việc gãi do ngứa bằng cách cắt gọn móng tay của trẻ hoặc cho trẻ nhỏ mang bao tay vải để tránh tổn thương do gãi. Chú ý chế độ ăn giàu dinh dưỡng bằng các loại thức ăn mềm, ấm, lỏng, dễ tiêu.

Chăm sóc tại nhà nên tuyệt đối tránh 3 thói quen dưới đây để hạn chế đến mức tối đa những biến chứng nguy hiểm của bệnh, đó là thói quen: ủ trẻ quá kỹ; kiêng tắm nhưng lại dùng gốc rạ hoặc các loại lá cây không rõ nguồn gốc tắm hoặc đắp lên da của trẻ; châm chích cho mụn nước nhanh vỡ với suy nghĩ sẽ giúp trẻ mau hết bệnh.

Th.S-BS ĐINH THẠC (BV Nhi đồng 1 TPHCM)

Tin cùng chuyên mục