Syria: Bế tắc ở Idlib

Ngày 17-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại thành phố Sochi của Nga để thảo luận về các vấn đề của Syria. 
Người dân Syria tháo chạy khỏi Idlib do lo sợ chiến tranh
Người dân Syria tháo chạy khỏi Idlib do lo sợ chiến tranh

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo dự kiến đàm phán về Idlib bên lề phiên họp lần thứ 73 Đại hội đồng Liên hiệp quốc (ĐHĐ LHQ), sẽ bắt đầu vào ngày 18-9. 

Ankara tiếp tục thuyết phục Nga

Tại hội nghị thượng đỉnh ba bên chỉ diễn ra một tuần trước đó ở Iran, cả Nga và Iran đều không chấp nhận lời kêu gọi của Tổng thống Erdogan về việc ngừng bắn tại Idlib, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố điều quan trọng và cấp bách là loại trừ khủng bố ra khỏi Idlib. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ phản đối cuộc tấn công có khả năng diễn ra tại Idlib, cho rằng việc này sẽ gây ra nhiều thương vong cho dân thường và thậm chí là gây ra một thảm họa nhân đạo. Nga và Iran là những đồng minh quan trọng của chính quyền al-Assad. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đến nay vẫn hậu thuẫn cho phe đối lập ở Syria. 
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) nỗ lực tìm sự đồng thuận
từ Tổng thống Nga Vladimir Putin
 Thời điểm này, các lực lượng Chính phủ Syria do Nga và Iran hậu thuẫn đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công vào thành trì lớn cuối cùng của quân nổi dậy tại tỉnh Idlib, bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và nhiều nước phương Tây liên tiếp cảnh báo phản đối bất kỳ chiến dịch nào. Tổng thống Erdogan đã thúc giục ông Putin thuyết phục chính phủ Syria ngừng tiến hành chiến dịch giải phóng Idlib và tuân thủ lệnh ngừng bắn. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang có hơn 3 triệu người Syria tị nạn và Tổng thống Erdogan từng tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ không thể nhận thêm. Ankara lo ngại một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào Idlib được thực hiện bởi chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ gây ra một làn sóng người tị nạn mới ảnh hưởng đến nước này.


Các bên chờ giờ khai hỏa 

Trong khi quân đội Chính phủ Syria đang chuẩn mở cuộc tấn công tổng lực nhằm giải phóng tỉnh Idlib thì ngày 16-9, nhiều cuộc không kích của các lực lượng Israel đã phá hủy một máy bay Boeing chở vũ khí của Iran, vài giờ sau khi máy bay này hạ cánh xuống sân bay quốc tế Damascus của Syria. Theo kênh truyền hình Channel 2 của Israel, những loại vũ khí này được cho là để chuyển giao cho chính quyền Syria hoặc các lực lượng đồng minh thân Iran. Trước đó, hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) đã xác nhận rằng Israel đã ném bom sân bay Damascus vào đêm 15-9. 

Những tháng gần đây, Israel đã tiến hành nhiều cuộc oanh kích nhằm vào các mục tiêu của Iran ở bên trong lãnh thổ Syria. Israel nhiều lần cáo buộc Tehran lợi dụng cuộc xung đột ở nước láng giềng Syria để thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài tại đây, ngay sát biên giới của Israel.

Trong khi đó, ngày 17-9, nhiều nguồn tin tiếp tục khẳng định xe bọc thép của Pháp đã xuất hiện ở Deir Ezzor, Syria sau khi những hình ảnh về chiếc xe bọc thép Aravis, loại xe chỉ có trong phiên chế quân đội Pháp và Saudi Arabia, được quân đội Mỹ công bố trên mạng xã hội trước đó vài ngày. Điều này cho thấy các lực lượng bộ binh Pháp đã hiện diện ở quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, quân đội Saudi Arabia được cho là không có mặt tại Deir Ezzor. Trước đó, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết các đơn vị pháo binh của quân đội Pháp đang hoạt động tại một khu vực ở bờ Đông của sông Euphrates. 

Hiện quân đội Pháp cũng như phía Mỹ chưa đưa ra bình luận gì về thông tin nêu trên mặc dù trước đó, Mỹ cùng Anh, Pháp nhất trí “đưa ra biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn” các vụ không kích trước đây trong trường hợp “quân đội Chính phủ Syria tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học”. 

Bất ổn chính trị bùng phát tại Syria từ năm 2011 cho tới nay đã cướp đi sinh mạng của 350.000 người và đẩy hàng triệu người vào tình cảnh bị mất nhà cửa. LHQ cảnh báo, một chiến dịch quân sự tiếp theo, nếu diễn ra ở Idlib sẽ khiến 800.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

Tin cùng chuyên mục