Tác giả Mai Thảo Yên: Để dung hòa cần có sự chia sẻ và đối thoại

Cùng với Maik Cây, Mai Thảo Yên là tác giả đồng giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6 với tác phẩm Người lạ. Thuộc thế hệ 9X, Mai Thảo Yên hiện đang là nghiên cứu sinh năm thứ hai chuyên ngành Xã hội học tại Trường Đại học Upsala (Thụy Điển). 
Tác giả Mai Thảo Yên nhận giải nhì tại cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6
Tác giả Mai Thảo Yên nhận giải nhì tại cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6

* PHÓNG VIÊN: Có nên hiểu nhân vật An trong Người lạ cũng chính là Mai Thảo Yên?

* Tác giả MAI THẢO YÊN: An chỉ là nhân vật do tôi tưởng tượng để chia sẻ những suy tưởng của mình. Giống như các chi tiết trong truyện, cũng có một số chi tiết dựa vào những trải nghiệm thật nhưng thật ra đó vẫn là một câu chuyện tưởng tượng, không có nhân vật nào là dựa trên một nhân vật cụ thể ở ngoài đời.

Nhân vật An có khoảng 30% - 40% là của tôi, còn lại là hư cấu. Tôi gặp nhân vật An trong những trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài, họ đối diện với vấn đề là làm sao có thể hòa nhập vào cuộc sống mới mà không quên đi bản sắc của mình, làm sao vẫn giữ được những nét văn hóa của người Việt. Đó là những tích góp từ sự quan sát trong mấy năm tôi sống xa nhà.

* Điều bạn muốn gửi gắm tới độc giả qua nhân vật An là gì?

- Điều lớn nhất mà tôi mong muốn gửi đến độc giả: Chúng ta không nên lý tưởng hóa cuộc sống của du học sinh người Việt nói chung, không có nơi nào thực sự là thiên đường, nơi nào cũng có những góc khuất của nó. Khi chúng ta có cái nhìn toàn vẹn hơn, công bằng hơn với những đất nước mà chúng ta đi du học thì sẽ có cái nhìn công bằng hơn đối với cuộc sống ở Việt Nam. Từ đó, chúng ta sẽ biết cách làm thế nào để tạo ra dòng chảy, giúp trí thức Việt sống ở nước ngoài và trong nước có sự liên kết được với nhau.

* Đọc Người lạ, dễ dàng cảm nhận được ở An là nỗi cô đơn của một người xa xứ. Ngoài ra, với những du học sinh, họ sẽ phải đối diện với những vấn đề nào khác?

- Tôi nghĩ thách thức khá phổ biến là sự khác biệt văn hóa; đặc biệt nếu bạn đi học ở phương Tây, khác biệt văn hóa là một trong những thách thức lớn nhất. Tất nhiên, không thể nói hễ đi nước ngoài là mình sẽ bị sốc văn hóa ngay, mà cái sốc đó sẽ đến từ từ, giống như cái lạnh thấm vào mình từ từ tới một ngày nào đó khiến mình trở bệnh.

Có cách nào để tương tác với người nước ngoài mà vẫn phù hợp với văn hóa của họ nhưng không làm trật đi văn hóa của mình? Đó là điều mà tôi cảm thấy khó để dung hòa nhất. Sẽ có lúc họ cảm thấy ngạc nhiên khi mình làm một việc gì đó, trong khi với mình lại vô cùng bình thường. Cách tốt nhất để dung hòa là luôn có sự chia sẻ và đối thoại với những người bạn nước ngoài.

* Có điều kiện tiếp xúc với nhiều bạn trẻ ở các quốc gia, bạn thấy thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay đang có vị thế như thế nào?

Tôi thấy các bạn trẻ Việt Nam bây giờ rất giỏi. Không chỉ giỏi về ngoại ngữ mà có khả năng hòa nhập rất tốt với các nền văn hóa, thường là văn hóa Âu Mỹ. Đa số các bạn đã có sự chuẩn bị rất tốt về các kỹ năng. Điều mà tôi thấy quan trọng với các bạn là cần lưu ý đến cái neo tinh thần. Dù có đi xa thế nào chúng ta cũng nên giữ lại cái neo văn hóa của người Việt. Bởi vì, nếu một con thuyền cứ lênh đênh ngoài biển, đó sẽ là con thuyền cô đơn, trong khi vẫn còn một bến bờ cho chúng ta.

* “Dù sao, An đã hiểu từ khi bước chân vào chốn học thuật rằng, nghiên cứu là một con đường cô đơn”, bạn đã viết như vậy trong tác phẩm Người lạ. Sự cô đơn của nghiên cứu khác với sự cô đơn của sáng tác văn chương như thế nào?

- Theo tôi, cô đơn là bản chất đối với đời sống của con người. Con người bản thân sinh ra rồi chết đi vẫn là chết trong cô độc. Có thể là có sự liên hệ với văn chương ở đây, mặc dù đó không phải là sự cố ý của tôi. Nhưng sau này, một người bạn của tôi đọc sách có chia sẻ, họ cảm nhận được sự cô đơn này nhưng là trong công việc của họ, không phải văn chương mà cũng không phải nghiên cứu. Khi viết tác phẩm Người lạ, tôi hoàn toàn dựa trên cảm nhận của mình về công việc nghiên cứu học thuật.

Tôi thấy, giữa nghiên cứu và văn chương có sự tương đồng vì thật ra hai thế giới đó đều phát triển khá lớn trong học thuật. Học thuật là nơi tạo ra nhiều lý tưởng, sự cô đơn đến từ lý tưởng này trong cả văn chương lẫn học thuật. Làm sao để đưa những suy nghĩ của mình, chia sẻ những suy nghĩ đó, những kiến thức, nhận định đến với công chúng trong cả hai ngành? Làm sao có thể làm như vậy nhưng vẫn theo đuổi những ý nghĩ táo bạo hơn, phá vỡ những định kiến?

Đó là thử thách của cả hai ngành văn chương lẫn nghiên cứu. Ngoài ra, cả hai đòi hỏi sự đam mê. Bởi hai con đường này không có con đường nào là dễ đi. Đó là những con đường rất cô đơn, nên cần có đam mê, dũng cảm để đi đến cùng với đam mê đó.

* Có mẹ là dịch giả, con đường đến với văn chương của Mai Thảo Yên có dễ dàng hơn không?

 - Ngay từ nhỏ, tôi đã đọc được rất nhiều tác phẩm hay do mẹ mua. Nhờ công việc của mẹ mà tôi quan tâm hơn về tình hình của thế giới, đọc nhiều hơn. Đó cũng là cái duyên đưa tôi đến với nghiên cứu khoa học. Tôi thực sự biết ơn khi được sinh ra trong gia đình liên quan đến văn chương và mẹ hoàn toàn ủng hộ việc tôi làm nghiên cứu khoa học, sau này là viết văn.

Tôi viết truyện ngắn từ hồi cấp 3, nhưng lúc đó thấy truyện còn non nên tôi ngừng viết một thời gian. Tôi nghĩ, mình cần có thêm nhiều chất liệu cuộc sống trong truyện thì mới chạm được đến độc giả. Sau khi có nhiều trải nghiệm hơn, thấy có sự tự tin hơn, tôi mới viết trở lại. Và Người lạ là tác phẩm đầu tay của tôi.

* Nhà văn yêu thích của bạn là ai?

- Trong nước tôi yêu thích nhà văn Đoàn Minh Phượng với hai tác phẩm Và khi tro bụiMưa ở kiếp sau. Hai tác phẩm này không chỉ có tính triết học mà còn đậm chất văn chương. Đây là điều mà tôi mong muốn được học hỏi nhất từ nhà văn Đoàn Minh Phượng. Còn nước ngoài, tôi rất thích nhà văn Paul Auster và Ursula K. Le Guin. Cả hai đều là nhà văn Mỹ với những tác phẩm rất có tính suy tưởng.

Tin cùng chuyên mục