Tái chế rác thành sản phẩm hữu ích

“Uống xong đừng vứt vô thùng/ Em còn giá trị vô cùng đó nha”; “Cho em đến chỗ thu gom/ Người ta tái chế thành tôn lợp nhà”... Đó là những lời vận động vui vui để người dân biết những vỏ hộp sữa có thể tái chế thành những miếng tôn lợp sinh thái bền và nhẹ, cùng nhiều sản phẩm thân thiện khác. Và quan trọng hơn hết là góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường.

Tận dụng rác chết

Có thể hiểu, rác sống là những loại rác thải có thể thu gom và tái chế thành những sản phẩm khác, như phế liệu kim loại, nhựa, lon bia… Còn rác chết là những sản phẩm mà người nhặt phế liệu cũng không thèm nhặt, buộc phải chôn lấp hoặc đốt để tiêu hủy.

Ở nước ta, mỗi ngày có hàng triệu vỏ hộp sữa giấy đã qua sử dụng thải ra môi trường, trong khi hoàn toàn có thể tận dụng tái chế thành nguyên liệu và sản phẩm có ích khác. Vỏ hộp sữa giấy có cấu tạo rất đặc biệt, bên trong hộp là một lớp tráng nhôm và nhựa rất mỏng, có thể tái chế thành tấm lợp sinh thái rất hữu ích.

Còn phần vỏ bằng giấy có thể nghiền nát thành bột giấy và tái chế để sản xuất giấy in, bìa carton… Tuy nhiên, do không được phân loại tại nguồn nên lâu nay vỏ hộp sữa giấy bị vứt ra môi trường, cùng với các loại rác khác ra bãi rác để đốt hoặc chôn lấp.

Tái chế rác thành sản phẩm hữu ích ảnh 1 Những vỏ hộp sữa được thu gom để chuyển tới bãi tập kết
Qua hơn 10 năm gắn bó với việc giáo dục về bảo vệ môi trường cho học sinh, chị Châu Ngọc Cẩm Vân, Phó Bí thư Đoàn TNCS Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, đã quyết định thành lập nên nhóm hoạt động xã hội mang tên “NHC - Hành trình giải cứu rác chết”, gồm 33 thành viên cùng quan tâm đặc biệt đến tình trạng gia tăng rác thải, các vấn nạn do rác gây ra cho môi trường và cuộc sống.

Ý tưởng tái chế vỏ hộp sữa qua sử dụng đã được chị Vân ấp ủ từ nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa thể thực hiện được vì nhiều lý do, khó nhất vẫn là khâu phân loại rác tại nguồn và thu gom vận chuyển, vì vỏ hộp tuy nhẹ nhưng cồng kềnh (100 - 150 hộp mới được 1kg) nên chi phí vận chuyển khá cao.

Nhận thấy đây là việc làm rất ý nghĩa giúp cải thiện môi trường sống, nhóm đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều người dân, hình thành hàng chục điểm thu gom cộng đồng, không chỉ ở TPHCM mà còn tại Hà Nội và các tỉnh - thành khác.

Đặc biệt, hàng trăm trường học trên địa bàn TPHCM tự nguyện tham gia, do việc này giúp trẻ em biết bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng. Qua đó, đã có hàng trăm ngàn vỏ hộp sữa được thu gom và tái chế. Nhờ được phân loại tại nguồn nên những vỏ hộp sữa này không dính rác thức ăn thừa hay trộn lẫn với các rác thải khác.

Tiếp nhận hơn 300.000 vỏ hộp sữa

Vỏ hộp sữa giấy sau khi thu gom về được tập kết và chuyển bán cho nhà máy tái chế tại Bình Dương. Tại đây vỏ hộp sữa sẽ được nghiền nát, bột giấy sử dụng để sản xuất thành carton, giấy, sổ, túi. Hỗn hợp nhôm/nhựa được sản xuất thành tấm lợp sinh thái, bàn ghế, vật trang trí và cả thùng rác.

Cứ 8.000 vỏ hộp sữa thì sẽ tái chế được một tấm lợp sinh thái thân thiện với môi trường, cùng nhiều sản phẩm hữu ích khác. Toàn bộ tiền bán vỏ hộp sữa sẽ được chi trả cho việc thu gom, lưu trữ, vận chuyển.

Nhóm cũng làm miếng dán sinh thái phát tại các trường học, những cá nhân, tập thể tham gia, dùng dán kín lỗ cắm ống hút sau khi uống, để giữ vỏ hộp sữa sạch sẽ, không bị côn trùng tấn công. Nhóm cũng mạnh dạn đầu tư hỗ trợ các trường học thực hiện phân loại rác và các điểm thu cộng đồng, đồng thời hỗ trợ lương cố định hàng tháng cho những sinh viên hoàn cảnh khó khăn tham gia việc thu gom.

Chị Cẩm Vân cho biết: “Nhóm NHC - Hành trình giải cứu rác chết vẫn đang mở rộng phạm vi vận động, sau vỏ hộp sữa là nhiều loại rác chết khác. Trên hành trình này, chúng tôi không đơn độc, mà còn có sự ủng hộ và góp sức từ các bạn, các đơn vị có quan tâm đến môi trường và cuộc sống của chúng ta. Nhóm hoạt động không có bất cứ nguồn thu hay tài trợ nào, hoàn toàn là tiền các thành viên bỏ ra để duy trì”.

Sau 2 tháng đi vào hoạt động, nhóm đã thu gom được hơn 300.000 vỏ hộp sữa các loại. Tái chế vỏ hộp sữa giấy không chỉ tận dụng nguồn nguyên liệu, biến rác chết thành những vật dụng có ích, mà còn giảm chi phí xử lý rác, giúp giảm tác động của rác thải đến môi trường. Và hơn thế nữa, giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng trong cuộc sống hàng ngày.

Tin cùng chuyên mục