Tái chế vỏ hộp giấy thành sản phẩm thân thiện môi trường

Hơn 90% hộp sữa giấy thay vì có thể thu gom tái chế thì hiện vẫn được thải ra môi trường. Trước thực tế đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Chương trình “Một giây hành động, bảo vệ môi trường - Thu gom vỏ hộp giấy sữa tại trường học”. 

Đây được xem là giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phân loại và tái chế rác thải, góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống trên địa bàn thành phố. 

Tấm lợp sinh thái được tái chế tù vỏ hộp sữa
 Tạo vật liệu “xanh”

 
TPHCM hiện có hơn 1.000 trường mầm non công lập và ngoài công lập với trên 350.000 học sinh. Nếu tính trung bình mỗi em uống 1 hộp sữa/ngày thì mỗi tháng có hơn 10 triệu vỏ hộp sữa giấy thải ra môi trường. Trong khi đó, nếu lượng vỏ hộp sữa giấy này được thu gom, tái chế, không những giảm được lượng rác thải mà còn tạo ra nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường như bàn ghế, tấm lợp sinh thái… 

Đồng thuận với quan điểm trên, đại diện Công ty Giấy bao bì Đồng Tiến cho biết, từ năm 2011, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất tấm lợp sinh thái từ vỏ hộp sữa với công suất 400 - 500 tấm/ngày. Theo đó, vỏ hộp sữa sau khi đưa vào dây chuyền tái chế hoàn chỉnh, bột giấy thu hồi được sẽ tái chế thành thùng carton. Phần còn lại là lõi nhôm và nhựa được làm thành các tấm lợp. Hiện trung bình cứ 8.000 hộp sữa giấy đã qua sử dụng, tái chế được 1 tấm lợp. 

Không dừng lại đó, việc sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường như tấm lợp sinh thái hoặc thùng carton tái chế từ vỏ hộp sữa cũng đang mang lại những hiệu quả kinh tế nhất định. Đại diện Trường Tiểu học Mỹ Huề, huyện Hóc Môn, cho biết, ngay khi được hỗ trợ cải thiện trường học bằng chất liệu tấm lợp sinh thái tái chế từ vỏ hộp sữa, các phòng học nhà trường cũng trở nên mát hơn. Đặc biệt, tấm lợp này còn có khả năng chống ồn, chống cháy, giúp môi trường học tập của các em học sinh cũng được cải thiện đáng kể. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề khó nhất của việc tái chế rác thải thành sản phẩm thân thiện môi trường hiện nay không phải là công nghệ, vốn đầu tư… mà chính là nhận thức và thói quen phân loại rác tại nguồn của người dân. Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, nêu ví dụ để vận động người dân duy trì thói quen phân loại và chuyển giao rác thải theo phân loại tại quận Tân Phú, công ty đã phải kiên trì vận động liên tục từ năm 2013 đến nay. Trước đó, công ty đã làm việc với các xí nghiệp để bố trí trang thiết bị, phương thiện và nhân lực tham gia hoạt động này. Nhờ đồng bộ trong giải pháp tuyên truyền kết hợp với triển khai thực tế công tác thu gom phân loại rác tại nguồn, đến nay có đến hơn 3.000 gia đình Tân Phú đã duy trì thói quen phân loại rác tại nguồn, tạo cơ sở nền tảng cho công tác tái chế rác thải trong thời gian tới. 

Mở rộng quy mô
 
Trước thực tế đó, Phó Bí thư Đoàn Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Châu Ngọc Cẩm Vân cho biết, sở đang triển khai thí điểm phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại quận 4, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận. Chương trình được thiết kế dành cho các em nhỏ, nên thông điệp và nội dung truyền thông về bảo vệ môi trường được xây dựng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hành. Từ đó, giúp các em dần hình thành thói quen tốt và có ý thức nhiều hơn đối với hành vi sống thân thiện với môi trường. 

Có thể thấy, vỏ hộp sữa giấy bao gồm thành phần chính là bột gỗ, nhôm, nhựa. Trên thế giới có nhiều nước đã thực hiện thành công việc thu gom và tái chế sau khi sử dụng như Nhật Bản, Thái Lan… Tuy nhiên, từ nhiều năm qua tại Việt Nam, với sự chưa sẵn sàng của cơ sở hạ tầng thu gom và phân loại, việc phân loại và thu gom vỏ hộp sữa giấy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách. Do vậy, với việc làm đơn giản là xếp gọn và phân loại riêng vỏ hộp sữa giấy để thu gom tái chế, chúng ta đã góp một vai trò quan trọng trong việc giảm lượng rác thải ra môi trường, hỗ trợ tăng cường thu gom và tái chế, tận dụng nguồn nguyên liệu, biến rác thải thành vật dụng có ích; giảm chi phí xử lý rác và giảm tác động đến môi trường và hơn thế nữa, hành động nhỏ và đơn giản sẽ được lan tỏa ra cộng đồng, giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mọi người dân trong cuộc sống hàng ngày.
Ông Jeffrey Fielkow, Giám đốc điều hành Công ty Tetra Pak Việt Nam, chia sẻ với tên gọi “Một giây hành động, bảo vệ môi trường - Thu gom vỏ hộp giấy sữa tại trường học”, chương trình hướng tới mục tiêu giúp trẻ em hình thành thói quen tốt từ những việc gần gũi và thiết thực hàng ngày để góp phần bảo vệ môi trường. Theo đó, các em sẽ được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa như cho ống hút vào trong hộp sau khi uống hết sữa, làm dẹp, gập nhỏ hộp lại và bỏ vào đúng nơi quy định, giúp tiết kiệm diện tích cũng như dễ dàng hơn cho việc thu gom. Vỏ hộp sau đó sẽ được thu gom định kỳ hàng tuần chuyển về nhà máy để tái chế thành các sản phẩm hữu ích khác như thùng giấy, tập vở, mái lợp hay thùng rác... Các thông điệp, nội dung giáo dục và truyền thông về bảo vệ môi trường cũng sẽ được lồng ghép vào các chương trình chính khóa và ngoại khóa của nhà trường. “Tuy nhiên, chúng tôi không dừng ở đó. Mong muốn của chúng tôi là sau khi được sử dụng, vỏ hộp giấy sẽ được thu gom và tái chế trọn vẹn thành những sản phẩm hữu ích khác, theo mô hình kinh tế tuần hoàn.  Nền kinh tế tuần hoàn là một khái niệm được hiểu thông qua một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất; từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người”, ông Jeffrey Fielkow nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục