Tái cơ cấu ngành chăn nuôi, chú trọng gia súc ăn cỏ

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, kể cả không xảy ra dịch tả heo châu Phi thì cũng đến lúc ngành chăn nuôi phải tái cơ cấu lại, chứ hiện tỷ trọng heo đang lớn, quá mất cân đối.

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi đang hoành hành, lan rộng, đe dọa thị trường thực phẩm, ngày 15-5 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị phát triển chăn nuôi đại gia súc tại Việt Nam để hướng tới một nguồn cung đa dạng và ổn định.

Phát biểu tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, kể cả không xảy ra dịch tả heo châu Phi thì cũng đến lúc ngành chăn nuôi phải tái cơ cấu lại, chứ hiện tỷ trọng heo đang lớn, quá mất cân đối. Đáng lo ngại hơn cả dịch bệnh là hiện Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, tình trạng hạn hán trong tương lai sẽ gây hậu quả không có đủ nước để duy trì 3,8 triệu ha đất trồng lúa nước và 1,5 triệu ha trồng bắp. Do đó, chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ đang là lợi thế rất lớn để tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Và hướng đi này cũng phù hợp xu hướng của thế giới. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị phát triển chăn nuôi đại gia súc ở Việt Nam, để một mặt không để xảy ra những biến động lớn về thiếu thực phẩm, mặt khác đón đầu cơ hội nhờ thay đổi cách nhìn trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm yêu cầu công bố dịch theo quy định và xử lý dứt điểm các ổ dịch và không để phát sinh ổ dịch mới. Đồng thời, tổ chức tổng vệ sinh, xử lý heo bệnh, heo chết, phun thuốc tiêu độc, khử trùng; quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển heo sản phẩm của heo ra khỏi vùng dịch. Theo báo cáo từ Sở NN-PTNT Bình Phước, không chỉ ở huyện Đồng Phú, tại thành phố Đồng Xoài vừa xuất hiện 2 ổ dịch tả heo châu Phi mới, nâng tổng số ổ dịch tỉnh này lên 6 ổ và có xu hướng lan ra các vùng khác. 

Ngày 15-5, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết vừa lấy các mẫu heo chết để xét nghiệm, vì có dấu hiệu mắc dịch tả heo châu Phi của một hộ dân ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành. Trước đó, tỉnh Hậu Giang đã phát hiện 3 ổ dịch tả heo châu Phi tại địa bàn các huyện Châu Thành A, Vị Thủy và huyện Châu Thành (với hơn 100 con chết). Hiện tỉnh đang tăng cường kiểm soát chặt việc vận chuyển, mua bán heo hơi.

Tái cơ cấu ngành chăn nuôi, chú trọng gia súc ăn cỏ ảnh 1 Ngành thú y tỉnh Hậu Giang tiêu hủy heo bị bệnh chết. Ảnh: CAO PHONG
Tại Cà Mau, trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả heo châu Phi lan rộng, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã chỉ đạo các sở ngành chức năng, các huyện… ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh này.
UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu tăng cường các hoạt động kiểm tra 24/24 ở tất cả các trạm, chốt; các phương tiện vận chuyển heo, sản phẩm heo có giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy xác nhận nguồn gốc sản phẩm hợp lệ, trước khi vào địa bàn tỉnh phải được khử trùng.
Ngoài ra, chủ động tổ chức giám sát, lấy mẫu đối với heo có dấu hiệu bệnh, nghi bệnh tại cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ; thu giữ, lấy mẫu các sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc (thịt đông lạnh, thịt tươi, xúc xích...) gửi xét nghiệm nhằm nhanh chóng xác định chính xác kết quả, từ đó có biện pháp ứng phó kịp thời, báo cáo kịp thời, đầy đủ thông tin, số liệu dịch bệnh động vật theo quy định.

Ngày 15-5, đại diện các siêu thị như Co.opmart, BigC, cửa hàng tiện lợi VinMart, Co.opFood… và tiểu thương ở các chợ cho hay, số lượng thịt heo tiêu thụ trong ngày vẫn bình thường, giá heo hơi giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với cách nay 1 tuần. Bên cạnh đó, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi còn có thêm chương trình khuyến mãi, giảm giá trong tháng 5 liên quan đến đến thịt gia súc, gia cầm các loại nên đã kích thích nhu cầu tiêu dùng, trong đó có mặt hàng thịt heo tăng trưởng tốt.

Tin cùng chuyên mục