Tái đầu tư phát triển thương mại dịch vụ

Nằm trong chuỗi hoạt động lấy ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia về xây dựng tiêu chí sản phẩm chủ lực cho TPHCM, Sở Công thương TPHCM vừa có buổi họp bàn giải pháp xây dựng tiêu chí sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực thương mại dịch vụ.

 

Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngành thương mại dịch vụ đóng góp 58,34% vào giá trị GRDP của thành phố, thu hút hàng triệu lao động tham gia; tuy nhiên, việc tái đầu tư cần thiết cho sự phát triển của ngành chưa tương xứng. 

Quá tải Theo ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV, việc lựa chọn sản phẩm chủ lực cho ngành bán lẻ hiện đại là hết sức cần thiết. Và nên tập trung phát triển mạnh chuỗi cung ứng hậu cần cho bán lẻ, bởi đây là 1 trong 6 ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất, góp phần tạo sự khác biệt trong hoạt động giao thương và cũng là ngành rất cần sự định hướng phát triển của thành phố. Tiêu chí để đánh giá là điều kiện kho bãi đủ lớn để xây dựng trung tâm bán buôn. Kế đến là kho lạnh, chợ đầu mối tập trung có sàn giao dịch hàng hóa và trung tâm điều hành, điều phối hàng hóa…  Ở góc độ dịch vụ thương mại logistics, bà Phạm Thị Thúy Vân, Phó giám đốc Maketing Công ty CP Tân Cảng Sài Gòn, cho biết hàng hóa vào thị trường TPHCM thông qua hệ thống cảng do đơn vị quản lý chiếm đến 92%. Hàng năm, tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa bình quân từ 10% - 12%. Trong đó, cảng Cát Lái được đối tác nước ngoài lựa chọn đưa hàng về Việt Nam nhiều nhất. Tuy nhiên, hiện quỹ đất ở thành phố ngày càng khan hiếm cũng gây quá tải cho hệ thống cảng hiện tại. Thành phố đã có quy hoạch dịch chuyển đầu tư cảng về phía Nam, nhưng ít khách hàng lựa chọn vì không có dịch vụ logistics hỗ trợ đi kèm, đáp ứng đủ yêu cầu của doanh nghiệp. Nếu TPHCM không sớm xây dựng thì sẽ mất lợi thế cạnh tranh từ Long An và Bình Dương vì 2 tỉnh này đang đầu tư mạnh trong việc xây dựng cảng quốc tế. Mặt khác, để có thể phát triển hệ thống cảng, kho bãi cần thiết phải sử dụng quỹ đất của thành phố. Còn nếu sử dụng quỹ đất của tư nhân sẽ khó có nhà đầu tư nào tham gia những năm gần đây, giá đất tại thành phố đã tăng rất cao. 
Tái đầu tư phát triển thương mại dịch vụ ảnh 1 Bãi chứa container tại cảng Cát Lái            Ảnh:  CAO THĂNG
Ở phạm vi rộng hơn, TPHCM có vị trí rất quan trọng đối với khu vực ASEAN, nhưng hiện chưa có trung tâm thương mại tự do phục vụ cho các nước ASEAN. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang rất căng thẳng. Do vậy, những trung tâm thương mại tại Hồng Công và Trung Quốc sẽ có hướng dịch chuyển sang khu vực lân cận và TPHCM rất có lợi thế để thu hút dòng chảy đầu tư này. Ngoài ra, thành phố cần tính đến tăng cường sản phẩm du lịch, kết hợp đẩy mạnh đầu tư thanh toán điện tử để tăng giá trị gia tăng của hoạt động du lịch tại thành phố. 
Lựa chọn sản phẩm chủ lực Hiện khoảng 3.000 doanh nghiệp có khả năng cung ứng toàn bộ dịch vụ logistics và hàng trăm ngàn doanh nghiệp cung ứng một phần dịch vụ logistics. Còn với lĩnh vực bán lẻ, theo Cục Thống kê TPHCM, có đến 1/3 siêu thị, trung tâm thương mại tập trung tại TPHCM và Hà Nội. Riêng TPHCM có 194 siêu thị, 100 trung tâm thương mại và hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi. Và với công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay, hoạt động mua bán trực tuyến dự báo sẽ bùng nổ mạnh phát triển trong thời gian tới. Do vậy, PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, cho rằng để có thể xác định sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực dịch vụ, cần phải dựa vào phân nhóm tiêu chí. Theo đó, nhóm 1 tập trung vào những tiêu chí là tài sản cố định, nguồn lực, năng lực cạnh tranh, kết quả kinh doanh. Nhóm 2 là hiệu quả kinh doanh, thương hiệu và giá trị của doanh nghiệp. Cuối cùng là nhóm tiêu chí liên quan đến trách nhiệm với xã hội của doanh nghiệp. Không dừng lại đó, khi thực hiện đánh giá, cần có sự tham gia của cả chủ hàng, cơ quan quản lý và chính các doanh nghiệp tự đánh giá. Kết quả đánh giá của 3 bên sẽ có tính khách quan, thống nhất và đồng bộ; có ý nghĩa và thuyết phục về tính hợp lệ, minh bạch và đáp ứng yêu cầu từ mọi phía. Tránh việc đánh giá chủ quan như hiện nay, các thứ hạng chủ yếu do tự đánh giá nhưng không có chỉ số thuyết minh đi kèm hoặc không được công khai. Riêng với ngành bán lẻ, đại diện Saigon Co.op cho rằng, tiêu chí để xác định sản phẩm chủ lực đối với ngành bán lẻ cần tập trung vào các yếu tố như tổng doanh thu hàng năm của doanh nghiệp, tỷ suất lợi nhuận năm, mạng lưới của hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại quy đổi theo chuẩn diện tích nhất định, lượng khách đến mua sắm và số lượng lao động đang phục vụ cho hệ thống. Ngoài ra, còn phải tính đến những yếu tố như độ phủ của mạng lưới, tính tiện ích dành cho người tiêu dùng và mức độ đa dạng của hàng hóa trong hệ thống. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, khu vực thương mại dịch vụ hiện đóng góp 63,2% GRDP của thành phố, là khu vực phát triển năng động và cao nhất trong các khu vực kinh tế, tăng bình quân 8,15%/năm, tương đương mức tăng trưởng bình quân của cả nền kinh tế thành phố. Việc xác định ngành, sản phẩm chủ lực sẽ tạo cơ sở để TPHCM có định hướng đầu tư phù hợp hơn. Do vậy, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, chuyên gia về phân nhóm tiêu chí; đồng thời tái đầu tư hạ tầng, tạo động lực cho các ngành nói chung và lĩnh vực thương mại dịch vụ nói riêng phát triển, Sở Công thương TPHCM sẽ ghi nhận và có những đề xuất, giải pháp cải thiện trong thời gian tới.
TS Nguyễn Thị Xuân Lan, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn:  Lựa chọn chợ là “sản phẩm” chủ lực 

Nếu so với những tiêu chí kinh tế về tỷ trọng thương mại thì chợ chỉ có vai trò khá khiêm tốn. Theo thống kê năm 2017, hiện ở TPHCM có khoảng 240 chợ truyền thống.
Sở dĩ cần thiết lựa chọn chợ là “sản phẩm” chủ lực vì đây không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa (thời xa xưa), mua bán và tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa mà còn là nơi cung cấp những dịch vụ gần gũi với cuộc sống của cư dân. Trong danh sách các chợ tại TPHCM được thống kê năm 2017, có thể thấy một số chợ trung tâm như chợ Bến Thành, chợ Tân Định (quận 1), chợ An Đông (quận 5), chợ Bình Tây (quận 6)… với quy mô, vị trí và vai trò của mình trong lịch sử hình thành và phát triển của thành phố, có thể trở thành “sản phẩm” thương mại dịch vụ đặc thù không chỉ của ngành công thương. 
Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, tại Hàn Quốc, các chợ truyền thống ở Seoul như Namdaemun, Gangjang, chợ nông sản Garak, hay chợ cá Noryangjin Fisheries Wholesale Market… đều là những địa điểm thu hút du khách đến tham quan và mua sắm. Hay như chợ truyền thống ở các nước Trung Đông cũng có những điểm nhấn để tạo sự thích thú cho du khách đến tham quan như các souk (khu chợ ở các nước Hồi giáo) ở Oman (Al Hafah Souk, Al Husn Souk, Sohar Handicrafts Souk, Ibra Wednesday Market…)... Ngoài ra, còn có thể kể đến những ngôi chợ tại trung tâm các thủ đô hay thành phố lớn của châu Âu, châu Úc, châu Mỹ… vẫn giữ được nét truyền thống khi xen lẫn với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại và thu hút rất nhiều lượt du khách quốc tế, như các chợ ở Budapest (Hungary), Montreal (Canada), Sydney, Melbourne, Adelaide (Australia), Toulouse (Pháp), Moscow (Nga)…

Ông Lê Phước Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Transimex:   Thiếu đầu tư hạ tầng, khó phát triển logistics

Để phát triển dịch vụ logistics rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các hiệp hội trong ngành nhằm tạo ra kênh đối thoại giữa doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giữa chủ hàng và chủ tàu, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, giữa doanh nghiệp nói chung với cơ quan quản lý nhà nước, để tạo đà cho dịch vụ logistics phát triển, góp phần thúc đẩy thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Và để có thể thực hiện được các mục tiêu đặt ra, ngành logistics Việt Nam phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, cả ở tầm vĩ mô và vi mô như quy hoạch và chiến lược tổng thể phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; hoàn thiện việc quản lý nhà nước đối với hoạt động logistics, phát triển khung thể chế và quản lý vĩ mô hệ thống logistics; phát triển thị trường logistics, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm dịch vụ logistics; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics trong nước; phát triển và nâng cao trình độ nguồn nhân lực logistics...
Về phía TPHCM, cần thiết tập trung vào cải thiện cơ sở hạ tầng về giao thông để nâng cao tốc độ vận chuyển, an toàn hơn và chi phí cầu đường hợp lý hơn; có chính sách kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa thông thoáng, thống nhất để tránh sự lúng túng trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu; cơ chế hải quan uyển chuyển, linh hoạt nhưng có sự kiểm soát tốt; các phụ phí từ hãng tàu, cảng, sân bay cần hợp lý để giảm được chi phí tổng thể cho doanh nghiệp; hỗ trợ trong kết nối với các văn phòng thương vụ nước ngoài, tạo cơ hội kết nối cho doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, mở ra cơ hội vươn ra thế giới, cạnh tranh với doanh nghiệp FDI cùng ngành. Riêng về tiêu chí xác định doanh nghiệp logistics chủ lực, cần thiết đánh giá, xếp hạng các doanh nghiệp logistics trong nước dựa trên một số tiêu chí nhất định như doanh thu, mức độ trang thiết bị và quan trọng là thương hiệu được khẳng định trên thị trường của doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục