Tái hiện làng tranh Đông Hồ

Tái hiện làng tranh Đông Hồ

Khi không khí tết vẫn còn vương vấn trên đất Hà thành và cái giá rét khắc nghiệt của mùa đông vẫn chưa chịu nhường chỗ cho cho hơi thở nồng nàn mùa xuân, có rất nhiều người, cả tây lẫn ta, đủ mọi lứa tuổi đang say sưa với một nét văn hóa đặc sắc của người việt. Đó là triển lãm tranh Đông Hồ tại Thư viện L’ Espace thuộc Trung tâm văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền (Hà Nội).

Một chuyến đi đáng nhớ

Tái hiện làng tranh Đông Hồ ảnh 1

Chị Phạm Bích Thủy và ông Michel Flesch tại nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam.

Chuyến đi mời nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam tham dự triển lãm này đối với chị Phạm Bích Thủy, người phụ trách thư viện, chủ nhân của cuộc triển lãm, thật sự đáng nhớ.

Đã từng tốt nghiệp đại học Ngoại ngữ trong nước, tốt nghiệp ngành thông tin thư viện tại Đại học Paris, đã từng đi nhiều nước trên thế giới, chiêm ngưỡng nhiều tuyệt tác nghệ thuật của nhân loại, vậy mà, cái làng quê thanh bình, quê hương của dòng tranh Đông Hồ lại vẫn có sức hấp dẫn với chị.

Suốt một ngày ở làng, các bức tranh, câu chuyện kể của nghệ nhân cứ cuốn hút chị- “Tôi yêu tranh Đông Hồ từ khi nào không nhớ nữa, chỉ biết, hàng năm cứ vào dịp tết nếu không có vài cái tranh Đông Hồ để treo trong nhà tôi lại thấy thiêu thiếu phong vị tết quê”.

Ý tưởng tổ chức một cuộc triển lãm tranh Đông Hồ tại thư viện, nơi có 2-3 ngàn bạn đọc với nhiều quốc tịch khác nhau thường xuyên lui tới đã được chị ấp ủ từ lâu. Không chỉ muốn giới thiệu tranh Đông Hồ như một nét đẹp của văn hóa truyền thống như nhiều nơi ở Hà Nội đã làm, chị đã biến cuộc triển lãm đơn thuần thành một cuộc nói chuyện sâu sắc, cảm động về tranh Đông Hồ, từ lịch sử hình thành đến những bước thăng trầm của dòng tranh này.

Chị bảo: “Tôi phải mời bằng được nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, người làm tranh Đông Hồ duy nhất được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân, đến nói chuyện, làm tranh. Đó là cách tốt nhất để cho người xem, nhất là đối với những bạn trẻ, những vị khách nước ngoài hiểu hơn, yêu hơn dòng tranh Đông Hồ”.

Chuyến đi về làng Đông Hồ (Thuận Thành – Bắc Ninh) của chị có cả vợ chồng ông Michel Flesch, Tham tán Hợp tác và Hoạt động văn hóa- Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đi cùng. Dành cả ngày khám phá tranh Đông Hồ, ông đã vô cùng thích thú khi tận mắt nhìn thấy nghệ nhân khéo léo, tỉ mẩn làm tranh và mua liền vài bức. Ông còn hẹn một ngày gần đây sẽ đến thăm làng giấy Phong Khê, nơi vẫn duy trì việc làm giấy dó cung cấp cho người làm tranh Đông Hồ.

Và câu chuyện của một nghệ nhân già

Tái hiện làng tranh Đông Hồ ảnh 2

Ông Nguyễn Hữu Sam - nghệ nhân làng tranh Đông Hồ.

Thư viện L’Espace ngày khai mạc triển lãm, người đến xem đông chật như nêm, không khí ấm áp như không hề có giá rét bao quanh.

Nghệ nhân già Nguyễn Hữu Sam đã đưa người xem trở về làng tranh Đông Hồ, còn gọi là làng Mái, xuất hiện từ khoảng thế kỷ 16. Trước đây, làng có 17 dòng họ cùng làm tranh. Tranh Đông Hồ độc đáo ở chỗ được làm hoàn toàn bằng thủ công.

Tranh được in trên giấy dó, quết một lớp bột làm từ vỏ con sò điệp. Màu sắc của tranh được chắt lọc từ thiên nhiên, màu đỏ làm từ sỏi son trên núi, màu vàng làm từ hoa hòe, gỗ vang, màu đen từ than tre và màu xanh từ lá chàm.

Trước con mắt trầm trồ của hàng trăm người xem, ông Sam đã thực hiện các công đoạn làm tranh cổ truyền, từ pha màu, phết màu lên khuôn đến in tranh. Em Vũ Nguyệt Anh, học sinh trường Amsterdam- Hà Nội, cho biết: “ Lần đầu tiên em được xem làm tranh Đông Hồ như thế nào. Thú vị nhất là công đoạn in, mỗi lần chỉ in một màu. Có bức tranh ít màu thì in hai ba lần thì xong nhưng có bức phải in tới 7 lần mới xong. Em cũng muốn thử làm nhưng quả thực rất khó, phải thật khéo léo và phải có bí quyết thì màu nào mới lên màu ấy”.

Ông Sam tâm sự: “Tôi đã ngót ngét 80 tuổi, sức yếu rồi, rất ngại đi đây đi đó. Nhận lời mời đến tham dự cuộc triển lãm này bởi đây là cơ hội tốt giới thiệu tranh Đông Hồ đến đông đảo người xem. Tôi rất mừng vì gần đây tranh Đông Hồ đã được nhiều người quan tâm. Tết Mậu Tý vừa qua, tranh “Đám cưới chuột” do nhà tôi làm rất đắt hàng, người mua chủ yếu từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các Việt kiều về thăm quê”.

Giá tranh Đông Hồ cũng rất dễ mua với mọi đối tượng khách hàng, có những bức tranh nhỏ chỉ 5.000 đồng - 10.000 đồng/bức, nếu được lồng trong khung kính thì giá cao hơn. Những bộ tranh vẽ khổ lớn giá có thể vài trăm ngàn/bộ. Ông Sam cho biết, gia đình ông mọi người đều biết làm tranh. Ông đã truyền nghề cho các con với mong muốn nghề tranh Đông Hồ sẽ không bị thất truyền. 

MINH DUY

Tin cùng chuyên mục