Vốn thừa, giải ngân vẫn ì ạch

Thừa tiền
Vốn thừa, giải ngân vẫn ì ạch

Sau 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm, tín dụng trong tháng 3 và tháng 4 đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại nhưng vẫn ở mức thấp so với mức tăng huy động nên các ngân hàng vẫn trong tình trạng thừa vốn và đang tìm cách đẩy mạnh cho vay. Điều này được phản ánh qua việc thời gian gần đây, các ngân hàng đã tung ra hàng loạt gói cho vay, hỗ trợ tín dụng với lãi suất chỉ 6% - 7%/năm, thậm chí có ngân hàng cho vay với lãi suất 0% trong những tháng đầu tiên nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Doanh nghiệp vay vốn sản xuất tại VIB. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Doanh nghiệp vay vốn sản xuất tại VIB. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Thừa tiền

Theo số liệu từ NHNN chi nhánh TPHCM, ước tính đến cuối tháng 4-2013, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM đạt hơn 1.033.400 tỷ đồng, tăng 4,06% so với cuối năm 2012, tăng 15% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng ước tính đến cuối tháng 4-2013 là 868.700 tỷ đồng, tăng 1,55% so với cuối năm 2012. Liên quan đến tổng dư nợ cho vay ở 5 lĩnh vực ưu tiên (phát triển nông nghiệp và nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao), các tổ chức tín dụng đã dành khoảng 102.117 tỷ đồng nhưng dư nợ đối với 5 lĩnh vực này chỉ ở mức 277.941 tỷ đồng, chiếm 10% trong tổng dư nợ.

Ứ đọng vốn nên các ngân hàng trên địa bàn TP thời gian qua đã liên tục giảm lãi suất cho vay và tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất hấp dẫn. Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết trong 4 tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn TPHCM mới tăng 1,55% trong khi huy động vốn tăng 4,06% nên các ngân hàng vẫn đang trong tình trạng ứ đọng vốn nhưng không thể cho vay. Mặc dù TPHCM đã tích cực áp dụng các biện pháp kết nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhưng dư nợ tín dụng vẫn tăng trưởng thấp. Để giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng tiếp cận với nguồn vốn vay cũng như giúp ngân hàng thoát khỏi tình trạng ứ đọng vốn, NHNN chi nhánh TPHCM đã chỉ đạo các NHTM tại các quận, huyện còn lại như quận Thủ Đức, quận 9, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi xúc tiến việc ký kết thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ cho các DN trên địa bàn này. “Dự kiến thời gian ký kết sẽ diễn ra vào tháng 6-2013” - ông Lâm cho biết.

Khó giải ngân

Các ngân hàng cho biết, dù đã điều chỉnh mức lãi suất về mức khá hấp dẫn nhưng tình hình giải ngân của các ngân hàng hiện vẫn còn khá chậm bởi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trong nền kinh tế vẫn rất chậm, hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ, khiến các doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều ngân hàng vẫn chưa tăng trưởng tín dụng, thậm chí vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tín dụng âm trong 3 tháng đầu năm.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank, cho rằng hiện nay lãi suất không phải là vấn đề với các doanh nghiệp mà vì sức cầu nền kinh tế quá thấp nên doanh nghiệp khó hấp thu được vốn. Thời gian qua, Ngân hàng Eximbank đẩy mạnh cho vay và có các gói cho vay lãi suất chỉ 8% - 9% nhưng giải ngân rất khó khăn vì không có nhiều doanh nghiệp vay. Gói tín dụng 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân của ngân hàng này được triển khai từ cuối năm 2012 với lãi suất hiện giảm xuống còn 10%/năm và cố định trong 2 năm đầu nhưng đến nay chỉ mới giải ngân được vài trăm triệu đồng.

Mặc dù hoạt động tín dụng trong quý 1 - 2013 âm 2% so với đầu năm nhưng lãnh đạo Ngân hàng Đông Á cũng cho biết, ngân hàng dư vốn nhưng không dễ cho vay vì nhu cầu vốn của khách hàng không tăng. Doanh nghiệp chỉ vay vốn khi nào thấy được khả năng dòng tiền để trả nợ ngân hàng. Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất của ngân hàng hiện nay là xử lý nợ xấu và quản lý chặt chất lượng tín dụng. Chính vì thế tăng trưởng tín dụng trong năm 2013 mà ngân hàng đề ra là 9% vẫn khó khăn. Là ngân hàng đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhưng Sacombank cũng chỉ đưa mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 ở mức 12%. “Mục tiêu của Ngân hàng Sacombank vẫn là tăng trưởng bền vững, hiệu quả hợp lý, vì thế tăng trưởng tín dụng đối với Sacombank sẽ thận trọng và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%” - ông Phan Huy Khanh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank cho biết.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng quý 1 của ACB đạt 4,3% nhưng lãnh đạo ngân hàng này cho biết, mức tăng chủ yếu vẫn là khách hàng hiện hữu, khách hàng mới chưa vay nhiều. Việc giảm lãi suất là một trong những yếu tố giúp tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên vấn đề đặt ra là doanh nghiệp vay để làm gì trong điều kiện sức mua thị trường đang rất yếu. Do đó, mức lãi suất ưu đãi cũng chủ yếu dành cho những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên, có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả. “Riêng các gói ưu đãi mà Ngân hàng ACB đang triển khai vẫn cần phải có thời gian mới trả lời được vì tùy thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp đến đâu” - một vị lãnh đạo Ngân hàng ACB cho hay.

Liên quan đến phản ánh tiếp cận vốn ngân hàng khó của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một lãnh đạo NHTM có tăng trưởng tín dụng âm trong 3 tháng đầu năm 2013 cũng thừa nhận ngân hàng đang siết chặt điều kiện vay để kiểm soát nợ xấu. “Nợ quá hạn của các doanh nghiệp chính là rào cản trong việc xét hồ sơ cho vay của ngân hàng. Trước đây, chúng tôi có thể du di cho doanh nghiệp vay khi chỉ đáp ứng 3 hoặc 4 tiêu chí vay nhưng nay phải đủ 5 tiêu chí thì mới được giải ngân” - vị này cho hay. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng đó không có nghĩa là ngân hàng không cho vay mà đối với những khách hàng mới, ngân hàng đưa ra những điều kiện vay vốn tối thiểu như: vay làm gì và dự án vay có khả thi không. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa không chứng minh được, đó là chưa xét đến sự minh bạch tài chính, tài sản thế chấp.

Kết quả khảo sát các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM được thực hiện trong những tháng đầu năm 2013 cho thấy: 84% doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn do chi phí, lệ phí và thuế còn khá cao; 76% cho rằng chi phí lãi vay ngân hàng quá cao. Trong đó, nhiều doanh nghiệp cho biết còn vay với lãi suất 19% - 21%/năm; 76% cho rằng khó khăn của doanh nghiệp là do suy thoái kinh tế toàn cầu; 68% cho rằng hệ thống pháp luật, công chức điều hành còn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp; 64% doanh nghiệp nhỏ và vừa nói khó tiếp cận vốn vay ngân hàng vì các điều kiện để ngân hàng đánh giá tín nhiệm để được vay đã sử dụng hết, tài sản thế chấp không còn.

Nhung Nguyễn

Tin cùng chuyên mục