Tín dụng tăng tốc cuối năm

81% tín dụng vào sản xuất, kinh doanh
Tín dụng tăng tốc cuối năm

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, đến cuối tháng 10-2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 7,85%, nhưng đến cuối tháng 11, con số này đã tăng lên 10,22%. Như vậy chỉ trong 1 tháng, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 2,37% (tương đương khoảng 90.000 tỷ đồng).

Khách hàng cá nhân tìm hiểu vay tiêu dùng cuối năm tại ABBank. Ảnh: HUY ANH

81% tín dụng vào sản xuất, kinh doanh

Theo lý giải của các ngân hàng, một trong những nguyên nhân tín dụng tăng tốc nhanh thời gian qua là do yếu tố thời vụ. Bởi thông thường quý 4 luôn có tín dụng tăng cao so với các quý trong năm. Ngoài ra, theo các chuyên gia tài chính, đó còn do nỗ lực từ việc kéo giảm lãi suất từ phía NHNN, cộng thêm sự nỗ lực của các ngân hàng thương mại (NHTM) với các gói cho vay ưu đãi cùng với nhiều tín hiệu tốt của nền kinh tế, nên việc tăng trưởng dư nợ 2 tháng gần đây đã tốt hơn. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, tín dụng 2 tháng qua chủ yếu phục vụ sản xuất kinh doanh và dự trữ hàng tết. Việc giảm thêm lãi suất cho vay 1,5% - 2% đã tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN), đưa dòng vốn rẻ ra thị trường để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Mức lãi suất vay vốn áp dụng cho các DN trong Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đang ở mức 8%/năm cho vay ngắn hạn và 12%/năm vay trung và dài hạn. Đến nay, các DN được vay từ chương trình này đã đạt 41.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ đạt 42.000 tỷ đồng vào cuối năm. “Hiện 81% tín dụng trên địa bàn TP là đi vào sản xuất kinh doanh, 19% còn lại vào lĩnh vực phi sản xuất, trong đó 13% cho vay bất động sản, 3% cho vay tiêu dùng” - ông Minh cho hay.

Thực tế 2 tháng qua, nhiều chương trình vốn rẻ dành cho sản xuất kinh doanh đã được các ngân hàng đưa ra. Cụ thể, từ đầu tháng 11, các DN vay bổ sung vốn lưu động và hộ cá thể, tiểu thương vay kinh doanh mùa tết tại Ngân hàng Á Châu (ACB) với lãi suất 7%/năm. Ngoài ra, DN vay vốn kinh doanh vật tư nông nghiệp tại ACB cũng được giảm 2% so với lãi suất thông thường. Ngân hàng TMCP Việt Á cũng đưa ra gói tín dụng “Bình ổn giá Tết” 1.000 tỷ đồng hỗ trợ vốn kinh doanh dịp cuối năm với lãi suất 7%/năm đối với DN và 8,5%/năm đối với hộ kinh doanh và tiểu thương. HDBank có chương trình tài trợ vốn kinh doanh, xuất nhập khẩu dành riêng cho các DN Nhật… Các ngân hàng cho biết, thông qua những gói hỗ trợ cụ thể nên nhiều DN tiếp cận được vốn kinh doanh mùa cao điểm, từ đó vốn ngân hàng đưa ra thị trường nhanh hơn. Ông Trần Ngọc Tâm, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á (NamA Bank) cho biết, tín dụng của ngân hàng này trong 2 tháng qua chủ yếu phục vụ mùa cao điểm thương mại của các DN dịp tết. Hiện tăng trưởng tín dụng của NamA Bank đã đạt 17.000 tỷ đồng và sẽ hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2014 là 18.000 tỷ đồng (30%). Đại diện Eximbank cũng cho biết, trong tháng 10-2014, ngân hàng vẫn còn trạng thái tăng trưởng tín dụng âm nhưng đến nay đã tăng trưởng khoảng 6%, trong đó có đến 4% vốn tín dụng cho các DN vay.

Chạy đua cho vay tiêu dùng

Bên cạnh nhu cầu vốn của DN, nhu cầu mua sắm, chi tiêu cá nhân trong những tháng cuối năm cao hơn bình thường, cũng là yếu tố thúc đẩy tín dụng tăng. HDBank có chương trình cho vay cá nhân mua ô tô, bất động sản, đầu tư sản xuất kinh doanh, tiêu dùng lãi suất 6,8%/năm. Ngân hàng An Bình (ABBank) cũng có các chương trình cho vay cá nhân mua nhà đất, xây, sửa nhà; kinh doanh trả góp và mua ô tô với lãi suất ưu đãi từ 8,5%/năm cố định trong 12 tháng, tổng mức cho vay gần 2.000 tỷ đồng. Trong tháng 11, tăng trưởng tín dụng cá nhân theo các gói ưu đãi của ABBank đã đạt hơn 70%, trong đó, vay mua nhà đất, xây, sửa nhà chiếm 76%. Với thế mạnh về bán lẻ, Sacombank có mức tăng trưởng tín dụng đạt 15%.

Với quan ngại ngân hàng chạy đua cho vay tiêu dùng, đặc biệt cho vay bất động sản tăng mạnh liệu có dẫn đến hệ lụy như cảnh báo trước đây? TS Lê Thẩm Dương cho rằng, với mức lãi suất hiện tại, tính chất “chạy đua” giữa các ngân hàng vẫn là cuộc cạnh tranh lành mạnh về lãi suất. “Các ngân hàng cho vay tiêu dùng bao gồm bất động sản, mua xe, thấu chi... chứ không phải dồn tất cả vào bất động sản nên không lo ngại. Mặt khác, trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay, để xuất hiện “bong bóng” thì phải có một khối lượng tín dụng rất lớn, mà điều đó thì không thể có ở quy mô tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng hiện nay” - TS Dương nhận định.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục