Tỷ giá tăng kịch trần: Có nguyên nhân từ đầu cơ

Những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp than phiền mua USD ở các ngân hàng khó khăn hơn. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấm việc giao dịch USD trên thị trường tự do, thế nhưng việc mua bán vẫn sôi động. Nhiều người dân có xu hướng chuyển đổi VND sang dự trữ USD. Đầu tư mua USD vào thời điểm này, liệu có rủi ro?
Tỷ giá tăng kịch trần: Có nguyên nhân từ đầu cơ

Những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp than phiền mua USD ở các ngân hàng khó khăn hơn. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấm việc giao dịch USD trên thị trường tự do, thế nhưng việc mua bán vẫn sôi động. Nhiều người dân có xu hướng chuyển đổi VND sang dự trữ USD. Đầu tư mua USD vào thời điểm này, liệu có rủi ro?

Giao dịch USD sôi động

Đồng USD tiếp tục đứng ở mức cao, các ngân hàng niêm yết giá kịch trần, trên 22.500 đồng/USD; giá thị trường tự do ở mức 22.900 đồng/USD. Không chỉ khó khăn do giá USD tăng cao, nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu phải thanh toán bằng đồng USD còn than thở: mua USD ở các ngân hàng vào thời điểm này không phải dễ. Anh Nguyễn M.H. cho biết, anh có đơn hàng nhập khẩu, hồ sơ đầy đủ, nhưng ngân hàng nói phải chờ vài ngày vì hiện chưa đủ nguồn USD cung ứng. Nếu khách muốn mua ngay phải trả phí mới có. Trao đổi với một số ngân hàng thương mại, nơi nào chúng tôi cũng nhận được câu trả lời là ngân hàng đủ USD bán cho DN, nếu DN chứng minh được nhu cầu thanh toán cho hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, nhiều DN nói rằng, ngân hàng chỉ bán USD đúng giá niêm yết cho những đơn vị là đối tác làm ăn lâu năm với ngân hàng, còn những DN chưa có quan hệ nhiều với hệ thống ngân hàng đó thì không được ưu tiên.

Các ngân hàng khẳng định có đủ nguồn USD để bán cho các doanh nghiệp hội đủ điều kiện (Trong ảnh: Kiểm đếm USD tại một ngân hàng) Ảnh: CAO THĂNG

Giao dịch USD ở một số ngân hàng hiện giống như tình trạng xin - cho. DN muốn mua USD để thanh toán đơn hàng, người dân mua USD thanh toán sinh hoạt phí cho con du học hoặc đi du lịch… dù theo đúng quy định của NHNN, nhưng đều phải qua các khâu trình duyệt rất khó khăn. Câu trả lời quen thuộc là: “Hôm nay hết USD rồi, ngày mai quay lại”. Khách hàng không đủ kiên nhẫn chờ thì “chạy” ra thị trường tự do, giá cao hơn nhưng mua dễ dàng hơn. Chính cung cách giao dịch khó khăn này, càng đẩy nhu cầu mua USD trên thị trường tự do tăng cao, dẫn đến giá USD liên tục biến động. Chị Nguyễn Thị T.N. ở quận 3 cho biết, do phải gửi sinh hoạt phí cho con du học, cách đây 3 ngày, chị đến cửa hàng hỏi giá thì được biết giá ở mức 22.500 đồng/USD, hôm sau giá đã tăng 22.670 đồng/USD và hai hôm nay giá ở mức 22.900 đồng/USD, khiến chị tiếc hùi hụi vì không kịp mua khi giá thấp. Dù giá đứng ở mức cao vượt quá biên độ cho phép của NHNN nhưng hoạt động mua bán USD ở thị trường tự do vẫn diễn ra tuy kín đáo nhưng sôi động. Khách đến cửa hàng không mua bán trực tiếp mà phải đặt cọc, sẽ có người mang USD đến tận nhà giao dịch. Đối với khách quen thì chỉ cần điện thoại chốt giá, đặt hàng là sẽ có người mang tiền đến giao tận nhà. Chính nhu cầu ngày càng cao của khách nên giá USD thị trường tự do vẫn ở mức cao và các ngân hàng thương mại cũng “trấn thủ” ở mức hết biên độ cho phép.

Mua USD lúc này sẽ rủi ro

Một số chuyên gia cho rằng, thời điểm này không nên mua USD dự trữ vì giá USD ở các ngân hàng thương mại đã “chạm trần”. Phó Thống đốc NHNN cũng tuyên bố không điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá USD tiếp như dư luận đồn đoán. Như vậy, nếu mua USD ở thị trường tự do với giá vượt ngưỡng là rủi ro.

PGS-TS Lê Vũ Nam (Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM) phân tích, việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, chứng khoán các sàn sụt giảm cũng tác động mạnh đến thị trường tiền tệ. Điều đó tác động mạnh đến tâm lý người dân giữ tiền nội tệ. Còn các nhà đầu tư cho rằng, khi thị trường “có sóng”, giá mỗi ngày đều thay đổi theo hướng tăng lên thì hoạt động mua - bán vẫn có lời. Hơn nữa, chênh lệch giá mua - giá bán USD không cao nên nhà đầu tư dễ “lướt sóng”. Do vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn chọn kênh USD hơn là vàng. Các nhà đầu tư lý giải, giá vàng trong nước hiện vẫn cao hơn giá vàng thế giới trên 3 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa giá mua - giá bán cũng cách xa nhau nên đầu tư vào vàng phải chờ có biến động mạnh thì mới có lời. Đấy là lý do giới đầu tư vẫn chọn USD để kinh doanh, đổ xô mua USD khiến đồng USD trở nên khan hiếm, làm cho giá “đội” lên.

Giải thích việc các DN khó tiếp cận nguồn USD ở các ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM cho biết: “Chúng tôi đang nắm lại toàn bộ nhu cầu nền kinh tế, cụ thể là nhu cầu của DN và khả năng đáp ứng của từng ngân hàng thương mại để báo cáo Thống đốc tính toán việc cân đối. NHNN cam kết cung ứng đủ ngoại tệ khi cần thiết, đáp ứng đủ nhu cầu thanh toán ngoại tệ cho doanh nghiệp. Nếu DN nào đủ hồ sơ mà bị ngân hàng từ chối bán, hoặc bắt phải trả thêm phí thì báo với NHNN xử lý”.

Trao đổi với PV Báo SGGP, một lãnh đạo NHTM tầm trung tại TPHCM thừa nhận, sau khi NHNN chính thức nâng tỷ giá USD/VND liên ngân hàng thêm 1% và nới biên độ tỷ giá từ  ± 2% lên ± 3%, đã có xu hướng khách hàng chuyển tiền tiết kiệm từ VND sang USD và vàng. “Theo nguyên tắc, khi VND bị phá giá thì lãi suất huy động phải tăng để bù vào phần mất giá. Tuy nhiên, các ngân hàng hiện vẫn chưa thể tăng lãi suất tiền gửi trong ngắn hạn vì áp lực từ cơ quan quản lý. Thế nhưng, với xu hướng dịch chuyển này, để giữ chân khách hàng gửi tiết kiệm VND, các ngân hàng khó tránh khỏi kiểu “vượt rào” lãi suất và thực tế là nhiều ngân hàng đã ồ ạt đưa ra các chương trình gửi tiết kiệm theo hướng cào trúng thưởng ngay, khuyến mãi khủng…”, vị này cho hay.

NHNN chi nhánh TPHCM cho biết các DN xuất khẩu đã bắt đầu đăng ký bán ngoại tệ với số lượng tương đối cho ngân hàng khi thấy tỷ giá hiện nay đang có lợi. Tuy nhiên, không ít ngân hàng cho biết, hiện lượng DN mua USD vẫn chênh khá nhiều so với lượng bán, nên đó cũng là lý do nhiều ngân hàng vẫn giữ giá bán kịch trần như hiện nay.

NHUNG NGUYỄN

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục