Ngân hàng hút tiền, đẩy mạnh tín dụng sau tết

Mặc dù thanh khoản ngân hàng hiện không còn căng thẳng nhưng sau kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu, nắm bắt được tâm lý đầu năm người dân thường gom tiền gửi tiết kiệm hoặc đầu tư vào các kênh đầu tư sinh lợi khác, nhiều ngân hàng đã tung ra các chương trình huy động vốn, hút tiền trong dân.
Ngân hàng hút tiền, đẩy mạnh tín dụng sau tết

Mặc dù thanh khoản ngân hàng hiện không còn căng thẳng nhưng sau kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu, nắm bắt được tâm lý đầu năm người dân thường gom tiền gửi tiết kiệm hoặc đầu tư vào các kênh đầu tư sinh lợi khác, nhiều ngân hàng đã tung ra các chương trình huy động vốn, hút tiền trong dân.

Nhiều ngân hàng đưa chương trình tặng quà và tăng lãi suất để thu hút tiền gửi. Ảnh: Hạnh Nhung

Tăng lãi suất huy động

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, trong những ngày đầu tháng 1-2017 có một vài ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động, khoảng 0,1% - 0,3%/năm. Việc điều chỉnh lãi suất này chỉ diễn ra ở một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, không phản ánh xu hướng chung của toàn thị trường.

Mặc dù vậy, khảo sát thực tế cho thấy, sau Tết Nguyên đán 2017 có không ít ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động. Cụ thể, từ ngày 2 đến 10-2, Ngân hàng CB đưa ra chương trình ưu đãi lãi suất tiền gửi lên đến 8%/năm đối với sổ tiết kiệm từ 100 triệu đồng, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Tại Ngân hàng ACB từ nay đến ngày 10-4, khách hàng mở thẻ tiết kiệm mới hoặc tái tục tất cả các kỳ hạn tiền gửi sẽ được cộng thêm lãi suất tiết kiệm 0,2%/năm. Ngân hàng BIDV cũng tăng lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 4,8%/năm lên 5,5%/năm để hút vốn về ngân hàng mình… Nhiều ngân hàng khác không tăng lãi suất thì đưa ra rất nhiều chương trình quà tặng hấp dẫn, lên đến vài tỷ đồng để hút khách. Cụ thể, từ ngày 9-1 đến 7-4, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) khi giao dịch với Ngân hàng OCB sẽ nhận được những ưu đãi với tổng trị giá quà tặng hơn 5 tỷ đồng…

Lãnh đạo một ngân hàng cỡ vừa tại TPHCM cho biết: “Hiện một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động nên chúng tôi cũng phải điều chỉnh theo để giữ khách. Hơn nữa, nếu giữ mức lãi suất cũ thì cũng khó cạnh tranh với các ngân hàng lớn có lợi thế hơn”.

Ngân hàng ABBank dành 5.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh, vay nông nghiệp… với lãi suất 6,49%/năm. Ảnh: HUY ANH

Lãi suất cho vay khó giảm

Ngay từ đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có thông điệp yêu cầu ngành ngân hàng phải quyết liệt tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, từ đó giảm chi phí vay vốn cho DN. Theo đó, sau Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng cũng đã tung ra thị trường nhiều gói cho vay với lãi suất rất ưu đãi.  Ngân hàng ABBank vừa có chương trình “Vay ưu đãi - Lãi vượt trội” hạn mức 5.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng, vay sản xuất kinh doanh, vay nông nghiệp…, với lãi suất 6,49%/năm trong 3 tháng đầu tiên đối với các khoản vay từ 12 đến dưới 24 tháng. Vay từ 24 đến dưới 48 tháng là 7,49%/năm trong 6 tháng đầu và từ 48 tháng trở lên là 8,49%/năm trong 12 tháng đầu tiên. Chương trình áp dụng từ nay đến 31-12 hoặc đến khi giải ngân hết 5.000 tỷ đồng, áp dụng cho số tiền vay từ 200 triệu đồng trở lên. Tương tự, Ngân hàng OCB  có chương trình “Vốn giá rẻ - Xuân phát tài” với hạn mức 3.000 tỷ đồng cho vay trả góp mua ô tô, vay mua bất động sản, vay sửa chữa nhà, vay sản xuất kinh doanh… Theo đó, khách hàng được vay với hạn mức 200 triệu đồng trở lên, lãi suất từ 5,99%/năm. Nhiều ý kiến cho rằng, do những tháng đầu năm luôn là mùa thấp điểm cho vay, nhưng vì phải hút tiền vào nên không ít các ngân hàng đã phải tung ra các gói cho vay ưu đãi để kích cầu cho vay. Động thái này của các ngân hàng một phần nhằm đẩy mạnh tín dụng trong mùa thấp điểm để bám sát chỉ tiêu tăng trưởng ngành trong năm 2017 ở mức 18%. Thậm chí, các ngân hàng nhỏ còn đưa ra kế hoạch tăng trưởng lên đến 25% - 30% trong năm nay.

Vậy có thể giảm tiếp lãi suất cho vay trong năm 2017? Ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối vốn Ngân hàng Vietcombank, nhìn nhận với diễn biến kinh tế vĩ mô hiện nay, lãi suất USD quốc tế dự kiến tăng và áp lực lạm phát, việc ổn định mặt bằng lãi suất trong năm 2017 là một nỗ lực rất lớn của các ngân hàng. “Hiện Vietcombank chỉ có thể giảm nhẹ lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và DN khởi nghiệp”, ông Hà cho hay.

Mặc dù vậy, các chuyên gia trong ngành cho rằng, lãi suất tiết kiệm được dự báo tiếp tục tăng do tác động từ các yếu tố bên ngoài. Việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm % trong tháng 12-2016, từ 0,25% - 0,5%/năm lên 0,5% - 0,75%/năm và dự kiến còn tiếp tục tăng trong năm 2017, sẽ khiến cho USD mạnh lên và tạo áp lực phần nào lên tỷ giá USD/VND. Trong trường hợp tỷ giá tăng, lãi suất VND cũng sẽ được các ngân hàng nhích lên để đủ hấp dẫn người dân không dịch chuyển từ VND sang USD và các kênh đầu tư khác. Theo các chuyên gia, khi có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động sẽ khiến lãi suất cho vay của các ngân hàng khó giảm trong năm nay. Cùng với đó, các ngân hàng hiện đang đẩy mạnh tái cơ cấu nguồn vốn đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, nên mục tiêu giảm lãi suất cho vay trong năm 2017 vẫn còn gặp nhiều thách thức.

Thông tin từ NHNN cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6% - 7%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8% - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3% - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4% - 5%/năm. Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách để điều tiết thanh khoản hợp lý, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ nhằm phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục