Diễn đàn “Tai nạn giao thông - nguyên nhân và giải pháp”

Cần có những biện pháp quyết liệt

Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) đã mở diễn đàn “Tai nạn giao thông - nguyên nhân và giải pháp” với bài viết mở đầu của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt có tiêu đề: Huy động lực lượng tổng hợp trong hệ thống chính trị của toàn xã hội để ngăn chặn “đại họa” tai nạn giao thông.

Theo tôi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nêu rất đầy đủ nguyên nhân và giải pháp mà nếu các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, đoàn thể, mỗi công dân nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt các biện pháp cũng như kim chỉ nam này - thì cũng đã là quá tốt để giảm thiểu tai nạn giao thông.

Tôi chỉ xin phép bổ sung thêm một số ý kiến như sau:

1. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải phải có sự kết hợp chặt chẽ với nhau, bố trí lực lượng rải đều khắp trên các trục giao thông chính để kiểm tra, nhắc nhở, giáo dục, xử lý các đối tượng tham gia giao thông không tôn trọng luật lệ giao thông (có thể lập các điểm, các chốt kiểm soát cách nhau cự ly từ 30 - 40km và kiểm soát 24/24 giờ/ngày).

2. Xây dựng sớm các trung tâm của các thành phố, thị xã, thị trấn lớn (có bán kính càng lớn càng tốt, tối thiểu cũng 5km) là khu vực không cho xe tải có trọng tải trên 2,5 tấn, xe đạp, xe ba gác, xe xích-lô, xe mô tô, xe gắn máy,... được phép lưu thông. Tập cho nhân dân ta có thói quen đi xe buýt, các loại xe vận tải hành khách công cộng... và tập đi bộ.

3. Có thể học tập thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc (chuẩn bị cho Thế Vận Hội Olympic Bắc Kinh - 2008) là ngày lẻ chỉ cho phương tiện vận tải đường bộ có biển số đăng ký lẻ lưu thông; Ngày chẵn chỉ cho phương tiện vận tải đường bộ mang biển số đăng ký chẵn lưu thông. Có như thế mới giảm được một nửa số lượng phương tiện vận tải đường bộ khổng lồ lưu thông, tránh được một phần lớn số tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đường bộ.

Biện pháp này sẽ giúp tiết kiệm được một khoản ngoại tệ lớn cho việc nhập xăng dầu, giảm nhập siêu...

4. Nhanh chóng đưa các viện, các trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề, các nhà máy, công xưởng, các cơ sở sản xuất, tiểu thủ công nghiệp... ra khỏi các quận nội thành chuyển về các huyện ngoại thành (ở thành phố Hồ Chí Minh là các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Thủ Đức, Cần Giờ...). Nhờ vậy mới giảm được nhiều triệu học sinh, sinh viên; lao động di cư tự do (theo luật cư trú) tập trung ở các quận nội thành, giảm mật độ dân số gây ùn tắc giao thông ở nội thành.

Đưa các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí các rạp hát, các sân khấu ngoài trời về các huyện ngoại thành để phục vụ học sinh, sinh viên, công nhân viên, lao động tự do... Đó mới thực sự là đưa ánh sáng văn hóa về với nhân dân vùng sâu vùng xa (đô thị hóa nông thôn để tránh nông hóa thành thị).

Với số lượng người chết và bị thương hàng năm vì tai nạn giao thông trên 24.000 người/năm thì nước ta không còn có thể kéo dài hơn nữa những biện pháp khắc phục hữu khuynh, nửa vời.

Chúng ta phải dùng những biện pháp quyết liệt để bảo đảm an toàn cho mọi người trong tham gia lưu thông tạo hình ảnh tốt đẹp trong lòng du khách nước ngoài một nước Việt Nam tươi đẹp, thanh bình và an toàn.

Tin cùng chuyên mục