Tạm dừng tổ chức lễ hội nếu gây hoang mang cho nhân dân

Các cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định tạm dừng việc tổ chức bất cứ lễ hội nào nếu phát hiện có sai phạm nghiêm trọng, đó là một trong những điểm nổi bật của Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và việc tổ chức lễ hội do Chính phủ vừa ban hành. 

Cụ thể, việc tạm dừng tổ chức lễ hội sẽ được áp dụng với các lễ hội sai lệch nội dung, giá trị gốc của lễ hội; lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng; gây cháy nổ, làm chết người; xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương; có hoạt động phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt về giá trị di sản, truyền thống của lễ hội gây hoang mang trong nhân dân.

Nghị định cũng đưa ra những quy định nền tảng để nâng cao hiệu lực quản lý lễ hội như việc tổ chức phải đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả, đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa. Đặc biệt, giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa. Nghi lễ trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện các nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam… Với những lễ hội văn hóa trong nước, lễ hội có nguồn gốc nước ngoài lần đầu được tổ chức hoặc có thời gian tổ chức gián đoạn từ 2 năm trở lên… sẽ phải làm hồ sơ đăng ký và chỉ được tổ chức khi có văn bản chấp thuận của cơ quan chức năng.

Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) Ninh Thị Thu Hương, với việc nghị định trên ra đời, hành lang pháp lý trong lĩnh vực được cho là “nhạy cảm” này sẽ được thắt chặt, với nhiều biện pháp mạnh. Đáng chú ý là việc phân cấp quản lý ở các địa phương, đặc biệt đối với những lễ hội truyền thống, tùy theo quy mô và tính chất ở từng lễ hội.

Tin cùng chuyên mục