Tấm lòng bác sĩ Bảy Bình

Dù đã 88 tuổi, đại tá - bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Quốc Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), vẫn cần mẫn cùng đoàn thầy thuốc tình nguyện Hội Chữ thập đỏ TPHCM đến với người dân nghèo nhiều nơi để khám bệnh, phát thuốc, hỗ trợ xây nhà…
Bác Bảy Bình trong một chuyến khám bệnh, phát thuốc ở vùng sâu vùng xa.
Bác Bảy Bình trong một chuyến khám bệnh, phát thuốc ở vùng sâu vùng xa.

Hết lòng với người nghèo

Mới 4 giờ sáng, bác sĩ Nguyễn Quốc Bình (thường gọi là bác Bảy Bình) đã chuẩn bị đầy đủ hành lý để đi chuyến từ thiện về tỉnh Bến Tre. Bác Bảy Bình luôn luôn đúng giờ và là người đến trước nhất. Cứ trung bình mỗi tháng, bác Bảy Bình đi 4 chuyến như thế.

Trong 10 năm hoạt động thiện nguyện, cùng với đoàn thầy thuốc tình nguyện Hội Chữ thập đỏ TPHCM, bác sĩ Nguyễn Quốc Bình đã tổ chức gần 500 chuyến đi khám bệnh, phát thuốc và tặng quà miễn phí trong nước (từ Quảng Nam vào các tỉnh, thành Nam bộ) và 32 chuyến quốc tế (Campuchia, Lào).

Dù mắt không còn tinh, tai không còn thính, nhưng bác lại là “trái tim” của đoàn từ thiện, với cương vị là trưởng đoàn, bác luôn chu toàn mọi công việc. 

Cô Trần Thị Nhung (69 tuổi), Trưởng nhóm bếp ăn từ thiện Thiện Tâm, một trong những tình nguyện viên gắn bó với đoàn thầy thuốc, kể: “Mỗi lần tham gia phụ nấu ăn cho đoàn từ thiện trong các chương trình, chúng tôi chứng kiến tinh thần làm việc minh mẫn, đâu ra đó của bác Bảy Bình. Dù tuổi cao nhưng bác vẫn luôn là người đi đầu trong mọi việc, từ kêu gọi tài trợ đến sắp đặt thuốc men, quà cáp cho người dân nghèo. Cứ lên xe khởi hành đã nghe tiếng bác Bình lanh lảnh hướng dẫn công việc cho mọi người trong đoàn, như chưa từng biết mệt mỏi”. 

Đoàn thầy thuốc tình nguyện Hội Chữ thập đỏ TPHCM do bác Bảy Bình thành lập vào tháng 2-2009. Lúc đầu có 27 người, đến nay đã có 488 thành viên gồm các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ và rất nhiều điều dưỡng, kỹ thuật viên.

Trong quá trình 10 năm hoạt động, đoàn đã khám bệnh cho 146.000 lượt người; mổ mắt cho 3.644 lượt người bị đục thủy tinh thể; tặng 1.355 xe lăn cho người khuyết tật; hỗ trợ kinh phí xây dựng gần 50 căn nhà tình thương, tình nghĩa, 27 cây cầu khỉ…

Tổng cộng số tiền vận động được trên 44 tỷ đồng. Trong các chuyến đi, bác Bảy Bình và các y bác sĩ, tình nguyện viên thường phải thức đêm, ăn uống đạm bạc, bỏ tiền túi tự lo chi phí đi lại. 

Bác Bảy Bình cho hay: “Chúng tôi đã từng đi trong rừng sâu, núi cao, đến những vùng sông biển, đi qua những đoạn đường khá nguy hiểm để đến với người dân nghèo. Càng đi đến những vùng xa xôi càng thương người dân mình nhiều hơn, bởi đến giờ vẫn có nhiều người bệnh tật mà không biết khám bệnh là gì, chỉ nằm ở nhà chịu đựng”.

Minh bạch, công tâm, uy tín 

Nghỉ hưu đã hơn 20 năm, bác Bảy Bình vẫn dấn thân vào hành trình lên rừng xuống biển vì đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa. Việc làm vì người dân nghèo của bác Bảy đã được rất nhiều người tham gia nhiệt tình.

Trái tim người thầy thuốc đầy yêu thương đã được vun đắp từ những ngày còn rất trẻ, từ trong bom đạn của chiến tranh cho đến tận bây giờ. Bác sĩ Nguyễn Quốc Bình quê ở xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Trong thời chiến tranh chống Mỹ, bác Bảy đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp thương binh nặng không qua khỏi vì thiếu thốn thuốc men, dụng cụ y tế. Khi thấy các thương binh chịu nhiều đau đớn vì vết thương hành hạ, ông đã tìm nhiều cách để hạn chế những cơn đau đó.

Ở chiến trường miền Nam, ông là người đầu tiên thực hiện thành công khâu nối mạch máu trong chiến tranh theo kỹ thuật Alexis Carrel. Nhờ đó, việc phải cưa cắt chân tay, tỷ lệ tử vong do vết thương mạch máu giảm đi rất nhiều.

Trong thời kỳ đó, ông đã tham gia cấp cứu, điều trị cứu chữa thương binh với khoảng 3.500 ca trung đại phẫu và hàng ngàn ca tiểu phẫu. Khi đất nước thống nhất, bác sĩ Nguyễn Quốc Bình về làm việc tại Phân hiệu 2 Học viện Quân y (trực thuộc Viện Quân y 115) sau đổi tên là Bệnh viện Nhân dân 115.

Dù trở thành Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 với công việc vô cùng bận rộn, bác Bảy Bình vẫn tích cực tham gia công tác giảng dạy, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu trong thực tiễn để đào tạo những bác sĩ giỏi, hướng dẫn cho sinh viên hơn 4.000 ca trung đại phẫu. 

Hiện tại, dù tuổi cao, thường xuyên mất ngủ, nhưng bác sĩ Bình vẫn chu toàn mọi phần việc cho công tác thiện nguyện, không chấp nhận việc chỉ làm qua loa. Cô Trinh, một tình nguyện viên của đoàn, kể: “Bác Bảy Bình luôn hết lòng vì người nghèo. Trước những chuyến đi khám bệnh, phát thuốc ở xa, bác đích thân gọi điện cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp để vận động tài trợ kinh phí. Bác Bình làm việc rất minh bạch, công tâm, uy tín. Tự bỏ tiền ra để ăn uống, ngủ nghỉ, chứ không bao giờ đụng vào một đồng mọi người ủng hộ từ thiện. Bác Bình luôn nói với các tình nguyện viên chúng tôi rằng tiền mọi người ủng hộ người nghèo là dành cho người nghèo, không chi tiêu thâm lạm”.

Tin cùng chuyên mục