Tấm lòng cả nước hướng về Tháng tri ân

Đợt cao điểm vận động toàn dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017), do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ LĐTB-XH triển khai, đã thu được kết quả tốt đẹp, làm ấm lòng những thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn thăm hỏi và tặng quà cho các thương bệnh binh nặng tại tỉnh Hà Nam
Đồng chí Trần Thanh Mẫn thăm hỏi và tặng quà cho các thương bệnh binh nặng tại tỉnh Hà Nam
Sức lan tỏa của một phong trào 
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, sau 3 tháng phát động, tổng hợp bước đầu việc vận động ở Trung ương và 46 tỉnh - thành đạt gần 198 tỷ đồng. Bên cạnh số tiền vận động cho quỹ Đền ơn đáp nghĩa là kết quả vận động hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà cho người có công.
Theo đó, trong đợt vận động cao điểm 3 tháng, tổng số nhà xây mới và sửa chữa là 18.958 căn (gồm xây mới 13.635 căn, sửa chữa 5.323 căn) với tổng trị giá trên 736 tỷ đồng; tổ chức thăm và tặng quà cho gia đình chính sách, người có công với tổng số 207.982 suất quà, trị giá gần 122 tỷ đồng. Đối với việc thực hiện vận động hỗ trợ xe lăn cho thương bệnh binh, đến nay về cơ bản, số thương bệnh binh trong các trung tâm điều dưỡng đã được cấp xe lăn đầy đủ. Tuy nhiên, để giúp đỡ các thương bệnh binh còn lại có nhu cầu xe lăn mà chưa được giúp đỡ, MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh các cấp tiến hành rà soát số lượng có nhu cầu xe lăn để tiếp tục giúp đỡ trong thời gian tới.
Hầu hết các tổ chức thành viên của mặt trận đã có những hoạt động rất ý nghĩa. Trong đó, phải kể đến hoạt động của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam: lấy mẫu hài cốt về xét nghiệm ADN để trả lại danh tính trên 20 liệt sĩ; tặng 127 nhà tình nghĩa; hơn 1.000 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 5 triệu đồng); hơn 200 xe lăn, xe lắc cho các thương bệnh binh; 10.000 suất học bổng cho con em thương binh, liệt sĩ học giỏi, vượt khó...
Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã vận động được hơn 100 tỷ đồng để tặng những người có công, trẻ em khuyết tật là con em cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam; xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho Mẹ Việt Nam anh hùng. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phân công phụ nữ trong các chi hội, tổ - gia đình phụ nữ đảm bảo mỗi mẹ Việt Nam anh hùng có một “con gái” thường xuyên thăm nom, chăm sóc, động viên.
Trung ương Đoàn đã tổ chức thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước, chỉnh trang bia mộ liệt sĩ; xây dựng 70 tủ sách về đề tài truyền thống tại 70 điểm đến của hành trình “Theo bước chân những người anh hùng”...
Có thể nói, đợt vận động cao điểm “Đền ơn đáp nghĩa” trong 3 tháng qua đã được các bộ, ngành và địa phương tích cực hưởng ứng. Các tầng lớp nhân dân quan tâm và nhiệt tình thực hiện, tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn xã hội. 
Vun đắp truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc
Nói về kết quả đợt cao điểm vận động, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra là mỗi xã, phường, thị trấn hỗ trợ xây mới ít nhất 1 nhà và sửa chữa được ít nhất 1 nhà ở cho gia đình liệt sĩ, thương binh và gia đình chính sách. Đợt cao điểm này cũng đã giúp các địa phương có điều kiện rà soát, xây dựng kế hoạch và tổ chức vận động ủng hộ để giúp đỡ người có công, gia đình chính sách khó khăn về nhà ở, giới thiệu việc làm cho con thương binh, tặng xe lăn cho các thương bệnh binh có nhu cầu…
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung, đợt cao điểm vận động “Đền ơn đáp nghĩa” đã tạo thành phong trào thi đua rộng lớn, trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Tới đây, Bộ LĐTB-XH sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hướng tới mục tiêu 100% gia đình người công và thân nhân người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình so với nhân dân địa phương nơi cư trú. 
“Bên cạnh đó, Bộ LĐTB-XH sẽ tập trung giải quyết căn bản vấn đề nhà ở cho đối tượng gia đình chính sách, người có công; giải quyết 5.900 hồ sơ thương binh, liệt sĩ để đảm bảo người có công phải được hưởng đầy đủ chính sách”, ông Đào Ngọc Dung cho biết.
Kết quả 3 tháng cao điểm chính là những hành động ý nghĩa thể hiện tình cảm, trách nhiệm của thế hệ đi sau với lớp người đi trước, là dịp vun đắp truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa của dân tộc ta. Có thể nói, hàng năm cứ đến tháng 7 - tháng tri ân, trên khắp mọi miền của Tổ quốc, các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể, tổ chức và nhân dân ta đều quan tâm tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tri ân các gia đình liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với nước. Những nghĩa trang liệt sĩ  ấm áp trong những ngày tháng 7 với nhiều đoàn đến viếng, dâng hương, cầu siêu, cũng như các hoạt động về nguồn của thế hệ trẻ.
“Hy vọng rằng, các gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với nước được ấm lòng hơn trong những ngày này”, ông Trần Thanh Mẫn bày tỏ.
Dù Đảng, Nhà nước luôn coi trọng việc thực hiện chính sách người có công - chính sách căn bản của an sinh xã hội nước ta - nhưng đến nay vẫn còn nhiều trường hợp gặp khó khăn trong cuộc sống; có nhiều gia đình thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng nhà ở chưa đảm bảo, còn ưu tư về công ăn, việc làm của con cái. Điều đó đặt ra cho các ngành, các cấp và cả cộng đồng trách nhiệm cần tiếp tục chăm lo đối với người có công, coi đó là trách nhiệm thường trực.

Tin cùng chuyên mục