Tận dụng các FTA để tránh ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ còn kéo dài và ít nhiều có ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, “lá bùa” để giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam hóa giải những liên lụy của cuộc chiến này chính là các hiệp định thương mại tự do (FTA) để rộng cửa làm ăn, xuất khẩu…
Thủy sản Việt Nam có lợi thế về xuất khẩu, sẽ mở ra thêm cơ hội khi tham gia các hiệp định FTA
Thủy sản Việt Nam có lợi thế về xuất khẩu, sẽ mở ra thêm cơ hội khi tham gia các hiệp định FTA

Có 13 FTA, Việt Nam nhắm đến những thị trường khác

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Lịch (Học viện Ngoại giao), khi nổ ra các cuộc chiến tranh thương mại với xu hướng bảo hộ gia tăng, các doanh nghiệp của Việt Nam phải tìm ra các lợi thế để vượt qua. Vì cả Mỹ và Trung Quốc hiện đều là 2 đối tác thương mại lớn của Việt Nam nên khi 1 trong 2 nước bị thất bại, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại và kinh tế của Việt Nam. Nhưng trong cuộc chiến này, vẫn có những cơ hội cho Việt Nam vì khi gặp khó khăn từ thị trường Mỹ, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam, nhất là nông sản. Và khi hàng Trung Quốc bị đánh thuế cao hơn ở thị trường Mỹ, chính là cơ hội để hàng hóa Việt Nam và các nước vào Mỹ.

Song theo PGS-TS Nguyễn Văn Lịch, bên cạnh giữ vững thị trường truyền thống như EU, Đông Âu, “kế sách” lâu dài cho doanh nghiệp Việt Nam là phải tích cực tìm kiếm các thị trường mới và đặc biệt là khai thác những lợi ích từ các FTA đã ký kết, vì các hiệp định này tạo nhiều thuận lợi cho thương mại của chúng ta. Trong đó, các thị trường từ FTA có thể bù đắp vào phần giảm sút do chiến tranh thương mại gây ra. Đáng kể trong số này là FTA Việt Nam - Nhật Bản, FTA Việt Nam - EAEU (Liên minh kinh tế Á - Âu), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng tin rằng việc khai thác tốt cơ hội từ các FTA là chìa khóa để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm khó khăn nếu có những tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tính tới tháng 6, Việt Nam đã tham gia 13 FTA (trong đó 10 FTA đã có hiệu lực và 3 FTA đã ký hoặc đã kết thúc đàm phán). Việt Nam cũng đang đàm phán một số FTA khác như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các FTA với Israel và với khối EU. Mới đây, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 50 và các hội nghị có liên quan đã kết thúc sau 4 ngày nhóm họp tại Singapore từ 29-8 đến 1-9. Ngay sau hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, đàm phán về RCEP có thể kết thúc trong năm nay. Việc tham gia sâu rộng vào các tổ chức thương mại đa phương, khu vực và các FTA đã góp phần giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, từ đó tạo sự tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch xuất nhập khẩu. 

Cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu

Theo ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), tích cực đàm phán và tham gia các FTA với việc thực hiện cam kết thuế quan của Việt Nam tại các FTA sẽ giúp các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu. Còn bà Trần Sơn Trà, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, trong quá trình thực hiện các hiệp định FTA, xuất khẩu của Việt Nam đã khởi sắc rõ rệt và cơ cấu hàng xuất khẩu cũng đa dạng hơn. Trước đây chủ yếu là gạo và dầu thô thì hiện nay phần nhiều lại là mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử, dầu thô, dệt may… Theo bà Trà, khi thực hiện hiệp định CPTPP và các hiệp định FTA khác, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực. 

Làm cách nào để tiếp tục tận dụng cơ hội và khai thác những lợi ích mà hội nhập kinh tế quốc tế như FTA mang lại? Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trước hết, cần phổ biến rộng rãi cam kết của các FTA cho người dân và doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, đồng thời cũng cần phổ biến các cam kết đối với các ngành hàng cụ thể, để các doanh nghiệp nắm rõ cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực kinh doanh của mình, trên cơ sở đó có thể chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng tận dụng tối đa cơ hội và giảm thiểu thách thức. Bên cạnh đó, Quốc hội và Chính phủ xem xét, điều chỉnh hệ thống pháp luật của nước ta cho phù hợp với các cam kết quốc tế và tận dụng được những cam kết này để phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư… tạo thuận lợi về môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và hướng cho doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực mà ta có lợi thế do các FTA này mang lại. Cùng với đó là cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư tại các thị trường mà ta đã hoặc sắp ký kết FTA. “Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động nâng cao sức cạnh tranh để không chỉ giữ chỗ đứng tại thị trường nội địa mà còn tăng cường khả năng thâm nhập thị trường của các nước đối tác” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khuyến cáo.

Tin cùng chuyên mục