Tận dụng địa hình tự nhiên trữ nước và thoát nước

Tại TPHCM hiện nay, nhiều khi mưa không lớn nhưng cũng gây ngập. Ngay khu vực dọc sông Sài Gòn cũng bị ngập khiến nhiều xe bị chết máy. Nhiều khu đô thị mới như Thảo Điền (quận 2), Đồng Diều (quận 8) cũng thường bị ngập sâu. 

Hễ mưa là ngập

TPHCM đã chi kinh phí rất lớn để chống ngập, cải tạo nâng cấp và xây dựng mới cống thoát nước, hàng loạt dự án chống ngập đã được triển khai, nhiều cuộc hội thảo bàn giải pháp chống ngập, có sự vào cuộc của doanh nghiệp hiến kế chống ngập.

Tiền chống ngập cứ mỗi năm tăng dần theo mực nước và lan rộng theo những khu vực ngập. Những trận mưa lớn gây ngập đã đành, những cơn mưa nhỏ cũng khiến nước lênh láng, gây ngập nhiều tuyến đường.

Nhiều khu vực trong hẻm, nhà dân bị nước tràn vào vài ngày sau vẫn chưa rút. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân lấn chiếm bờ sông và đô thị hóa mất kiểm soát.

Việc phát triển đô thị những năm qua đã chiếm phần lớn vùng trũng, đất trống để thoát nước. Việc san lấp mặt bằng, ao hồ, kênh mương, lấn bờ sông xây cất công trình tập trung dân cư cũng tác động xấu đến môi trường tự nhiên, dẫn đến nghẽn dòng chảy và gây ngập nước trầm trọng.

Mở rộng đô thị càng mất kiểm soát, hệ số dòng chảy càng cao, tức lượng nước mưa rơi xuống tạo thành dòng chảy sẽ tăng lên, nên đòi hỏi kích thước cống, kênh, mương, rạch, sông để vận chuyển lưu lượng nước mưa cũng phải tăng theo, nếu điều này không thể đáp ứng cho thoát nước, tất sẽ gây ngập. 

Tận dụng địa hình tự nhiên trữ nước và thoát nước ảnh 1 Nhiều con rạch bị lấn dòng, bồi lắng bùn sình và nhiều cỏ dại, nên khó tiêu thoát nước. Ảnh: THU HƯỜNG

Dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh trước đây là các dãy đất trống được bao phủ hoa cỏ, mảng xanh, ít dân cư, hiếm khi ngập nước dù mưa lớn. Ngày nay bờ sông ở khu vực này bị lấn chiếm làm công trình và xuất hiện dày đặc các tòa nhà cao tầng, chung cư, trung tâm thương mại với cả một quần thể dân số ước tính hơn 10.000 người.

Nơi đây là một trong những khu vực ngập nước trầm trọng, tầm nhìn bị che khuất bởi nhà cao tầng, lòng sông bị thu hẹp, làm thắt dòng chảy và mất an toàn giao thông thủy, xói lở nhiều chỗ, cảnh quan sông nước đang thẳng thì lại bị lấn ra trông rất khó coi.

Trước mắt, thiệt hại kinh tế, giảm chất lượng sống đã rõ. Rất nhiều cuộc hội thảo, họp bàn giải quyết ngập nước nhưng vẫn không hiệu quả. 

Phát triển đô thị hướng đến sự bền vững 

Dọc sông Sài Gòn đoạn địa bàn quận 2 có những công trình xây dựng ra tận lòng sông như báo chí đã phản ánh, nằm hoàn toàn trong hành lang bảo vệ bờ sông.

Ngoài ra, còn rất nhiều nhà hàng và các dự án bất động sản lấn chiếm sông Sài Gòn. Hệ quả đã thấy, nhiều khu vực trước đây mưa lớn cũng không ngập do nước thoát nhanh, nay chỉ một cơn mưa bình thường đã lênh láng nước, ngập nặng.

Thống kê cho thấy, hiện có 115 lô đất ảnh hưởng hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, có 76 công trình đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng của 13 doanh nghiệp.

Trong đó có hàng chục công trình vi phạm, cơ quan chức năng đã ban hành quyết định cưỡng chế yêu cầu tháo dỡ, nhưng qua nhiều năm vẫn chưa thực hiện. Lẽ nào cả bộ máy chính quyền, cơ quan chức năng, lực lượng đoàn thể chịu bó tay?

Không thể chần chừ được nữa, với các công trình xây dựng vi phạm đã được xác định, lập biên bản, kết luận và ban hành quyết định cưỡng chế, cần thực thi kịp thời nhằm bảo vệ hành lang sông Sài Gòn.

Hơn nữa, phải ngăn chặn những manh nha vi phạm, vừa không tạo tiền lệ xấu trong đời sống xã hội, vừa tránh dư luận không tốt, hoài nghi có sự dung túng.

Quỹ đất hai bên sông Sài Gòn lâu nay bị lấn chiếm, xây dựng bừa bãi, nếu được quản lý sử dụng hợp lý sẽ có hiệu quả bảo vệ hành lang sông, thoát nước, phục vụ giao thông, khai thác du lịch, phát triển kinh tế. 

Trong dự án sửa chữa, nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh, nên tận dụng thêm địa hình tự nhiên thoát nước ra sông Sài Gòn, rạch Văn Thánh. Cần tính toán hệ thống cống phù hợp cao độ lưu vực, mạng lưới thoát nước chung, không chỉ thoát nước mặt đường và vỉa hè dọc tuyến, còn phải xét yếu tố thoát nước cho cả một quần thể cư dân hơn 10.000 người, cùng với các tuyến đường kết nối và giao cắt như Lê Thánh Tôn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Tất Tố, Võ Duy Ninh, Điện Biên Phủ, khu Tân Cảng.

Trong phát triển đô thị, hãy hướng đến sự bền vững, giữ lại một phần diện tích đất chưa xây dựng hoặc đất nông nghiệp ở các quận huyện ngoại thành, vừa giúp bảo vệ đô thị trước tác động biến đổi khí hậu, vừa tận dụng hệ thống ao hồ, kênh mương, địa hình tự nhiên trữ nước mùa khô và thoát nước mùa mưa.

Để chống ngập nước hiệu quả, cần giải pháp căn cơ hơn nữa, xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ với quy hoạch.

Tin cùng chuyên mục