Tận tụy chăm sóc trẻ bất hạnh

34 năm qua, bà Huỳnh Thị Loan vẫn cần mẫn với công việc chăm sóc các trẻ tàn tật, mồ côi tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp (quận Gò Vấp, TPHCM) và bà thực sự cảm thấy hạnh phúc khi ở bên các cháu.
Bà Huỳnh Thị Loan vui mừng gặp lại một cháu mồ côi từng được trung tâm nuôi dưỡng trưởng thành
Bà Huỳnh Thị Loan vui mừng gặp lại một cháu mồ côi từng được trung tâm nuôi dưỡng trưởng thành

Tấm lòng yêu trẻ

Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp có gần 300 trẻ tàn tật, mồ côi. Các em bị mẹ bỏ lại ở bệnh viện, gốc cây hè phố, hay tại cổng trung tâm khi mới chào đời. Bà Huỳnh Thị Loan đến với trung tâm như một duyên nghiệp. Bà Loan chia sẻ: “Từ một công nhân ngành lương thực, rồi thành cán bộ ngành may mặc, năm 1984 tôi chuyển về công tác tại đây.

Lúc bấy giờ nơi đây mới được tiếp quản từ Cô nhi viện Gò Vấp, có tên gọi là Nhà nuôi trẻ Mầm non 4 đến tháng 9-1995 được đổi tên là Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp. Từ khi tôi còn bé, nhà ở gần chùa, thường xuyên nghe các sư cô đọc kinh nên tôi thuộc kinh Phật trước khi biết mặt chữ. Lớn lên, qua các hoạt động thiện nguyện, tôi cảm nhận sâu sắc sự thiếu thốn tình thương của các trẻ tàn tật, mồ côi. Do vậy, khi về công tác tại một cơ sở nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em, tôi dễ dàng hòa nhập và yêu công việc của mình”.

Về trung tâm không bao lâu, bà Loan được tuyển chọn đi học ở Đức, chuyên ngành chăm lo cho người nghèo, trẻ mồ côi, phụ nữ bị bạo hành, người bệnh tật…. Trở về nước, bà tiếp tục phục vụ ở trung tâm và hiện giữ cương vị giám đốc. Qua nhiều năm công tác tại trung tâm, bà Loan đã chăm sóc hàng ngàn trẻ em bất hạnh, thấu hiểu rằng chỉ có tình thương mới bù đắp được những khổ đau và thiếu thốn tình cảm của các cháu. Do vậy, thời gian bà Loan ở trung tâm nhiều hơn ở nhà. Bà Nguyễn Thị Oanh, cán bộ văn phòng của trung tâm, kể: “Mấy đứa nhỏ ở đây đều quý mến gọi bà Loan là mẹ, là ngoại, là nội. Bởi lẽ, bà Loan đã dành trọn tình yêu thương cho các trẻ bất hạnh, thực sự là chỗ dựa tinh thần của các cháu”.

Chăm lo hoạt động bảo trợ xã hội 

Bà Loan cũng thường tranh thủ thời gian rảnh để đến các trung tâm bảo trợ xã hội, nhà nuôi dưỡng người già, trẻ mồ côi, tàn tật… để truyền đạt kinh nghiệm chăm sóc. Bà Loan chia sẻ: “Tôi muốn các nhân viên ở các trung tâm bảo trợ xã hội thấu đáo cách tiếp cận, chăm sóc những mảnh đời bất hạnh. Thực tế những người bị khuyết tật, bệnh nhân tâm thần, phong cùi, nghiện ma túy, nghiện rượu hay nhiễm HIV, chất độc da cam… rất dễ nổi giận, do lúc nào họ cũng nghĩ rằng bị mọi người xa lánh. Cho nên, cách tiếp cận ban đầu bằng tình yêu thương, chia sẻ và quan tâm sẽ xóa nhòa tất cả mặc cảm”.

Tại Trung tâm Nuôi dưỡng - bảo trợ trẻ em Gò Vấp, bà Loan dành nhiều thời gian dõi theo con đường hòa nhập cộng đồng của các cháu đến tuổi trưởng thành. Có khó khăn gì trong cuộc sống, các cháu đã trưởng thành cũng gọi điện thoại hoặc tìm về trung tâm để xin ý kiến của “mẹ Loan” và bà Loan đều quan tâm giải quyết. Cô Lâm Thụy Trúc Vy là một trẻ được nuôi dưỡng tại trung tâm, nay đã trưởng thành, hòa nhập cộng đồng, cho biết: “Từ khi lọt lòng, tôi đã sống ở trung tâm, mẹ Loan thương tôi lắm. Khi ký đơn cho tôi rời trung tâm để hòa nhập cộng đồng, mẹ Loan dặn dò rất kỹ lưỡng. Tôi lập gia đình và mới đây phát hiện bị ung thư, phải hóa trị. Từ Phan Thiết về TPHCM điều trị dài ngày, tôi đã điện thoại cho mẹ Loan và được sắp xếp nghỉ ngơi, an dưỡng ngay tại trung tâm. Trung tâm này thực sự là mái nhà chung của chúng tôi”.

Bà Loan tâm sự: “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi các cháu đã hòa nhập cộng đồng trở về thăm, dắt theo chồng, vợ, con. Vui lắm! Đầu năm 2019, tôi về hưu theo chính sách, nhưng tôi vẫn sẽ mãi là bà nội, bà ngoại và mẹ của hàng trăm cháu bé ở trung tâm này”.

Tin cùng chuyên mục