Tận tụy tìm đến người bệnh

Sáng sớm, kiểm tra lại dụng cụ khám bệnh và thuốc men, các bác sĩ lên xe lúc 4 giờ 30 để kịp đến Vĩnh Long khám bệnh cho người nghèo. 
Đại tá - bác sĩ Nguyễn Quốc Bình khám bệnh cho người dân nghèo
Đại tá - bác sĩ Nguyễn Quốc Bình khám bệnh cho người dân nghèo
Suốt 10 năm qua, đã có hàng trăm chuyến xe như vậy đưa các bác sĩ thuộc đoàn Thầy thuốc tình nguyện (TTTN) Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) TPHCM đi thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.

Mong bác sĩ TPHCM về

8 giờ sáng, hơn 400 người dân xã Trung Hiếu (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đã có mặt tại UBND xã. Thấy xe chở đoàn TTTN đến, người dân nhanh chóng ổn định chỗ ngồi để chờ đến lượt khám bệnh.

Là một trong những người đến sớm nhất, bà Nguyễn Thị Thêu (80 tuổi, ngụ ấp An Thạnh Đông) chia sẻ: “Tôi bệnh đã  hơn chục năm nay rồi, đau nhức khắp người, cứ nghĩ là bệnh tuổi già nên không đi khám. Thật ra tôi cũng ngại đi khám bệnh vì không có tiền mà đường sá lại xa xôi, con cháu đi làm đâu có rảnh đưa mình đi. Bữa trước nghe thông báo có đoàn bác sĩ TPHCM về khám bệnh miễn phí cho bà con nghèo, tôi mừng lắm, mừng đến mất ngủ luôn, 4 giờ sáng đã ra đây ngồi đợi bác sĩ, sợ đi trễ không kịp khám, bác sĩ về mất”. 

Bị tai nạn khi đang làm phụ hồ, anh Dương Hoàng Lượm (49 tuổi, ngụ ấp Quang Thạnh) bị gãy cột sống dẫn đến liệt 2 chân và hư mắt bên phải. Suốt 6 năm từ ngày bị tai nạn và được điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Lượm chưa một lần đi tái khám, khiến vết thương cứ tái đi tái lại, có chỗ còn đang hoại tử. Nghe tin có đoàn TTTN về khám, vợ anh xin nghỉ làm, đưa chồng ra xếp hàng chờ từ hơn 5 giờ sáng. Cầm bịch thuốc lớn trên tay, anh Lượm kể: “Đau lắm cô ạ, lúc đau quá thì chỉ biết lấy gối chặn vào miệng cắn thật mạnh cho qua cơn đau, chứ kêu than cũng đâu có tiền mua thuốc. Hôm nay được bác sĩ kê toa, cho thuốc uống hơn 2 tháng, tui mong sẽ bớt đau. Mình khỏe thì cả nhà mới đỡ lo”.

Có cụ cầm bịch thuốc được tặng mở ra xem rồi cười nói với bác sĩ: “Tôi uống hết bịch thuốc này là bớt đau cái lưng và cái gối hả bác sĩ. Bớt đau để còn đi chăn bò cho sắp nhỏ đi học, cha mẹ nó còn đi mần”.

Đón đoàn TTTN của TPHCM về, cả người khỏe, người yếu đều mừng bởi với họ, đi bệnh viện là điều gì đó xa xỉ lắm bởi kinh tế khó khăn cuốn họ vào chuyện cơm áo gạo tiền, sức khỏe chỉ còn là thứ yếu.

Những cống hiến thầm lặng

Đại tá - bác sĩ Nguyễn Quốc Bình, Trưởng đoàn TTTN, (nguyên Giám đốc Bệnh viện Bình dân 115), cho biết, đoàn TTTN được thành lập từ năm 2006, sau lần các bác sĩ tình nguyện đi khám bệnh cho người dân huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) - nơi bị thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 5 (2006). Tình cảnh quá nghèo, lại xa cơ sở khám chữa bệnh nên nhiều người bệnh nặng cũng phó mặc cho số phận. Thấy tình cảnh đó, các bác sĩ xót xa lắm nên đã tập hợp lại và thành lập đoàn TTTN, đi khắp nơi khám bệnh cho người nghèo. Hiện đoàn có 488 thành viên, trong đó phần lớn là các bác sĩ, y tá, dược sĩ đã nghỉ hưu, một phần còn đang công tác. Bằng nhiệt huyết cống hiến của mình, các thành viên của đoàn TTTN luôn nỗ lực vì bệnh nhân nghèo, tự vận động tài trợ từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp để có kinh phí đi khám bệnh, phát thuốc cho người bệnh. Đều đặn mỗi tháng, đoàn đều tổ chức các chuyến đi khám bệnh, tư vấn và phát thuốc miễn phí, có tháng lên tới 7 chuyến. Đến nay, sau 10 năm hoạt động, đoàn TTTN đã đi 388 chuyến đi khám bệnh, tư vấn và phát thuốc miễn phí cho tổng cộng hơn 200.000 lượt người bệnh. Trong đó có 23 chuyến đi khám bệnh cho người dân nước bạn Campuchia và Lào. 

Là người tham gia đoàn TTTN từ những ngày đầu, bác sĩ Nguyễn Thế Dậu (74 tuổi, nguyên Chủ nhiệm khoa Nội II Bệnh viện 115) tâm sự: “Người bệnh thì ở đâu cũng khổ, nhưng đúng là người bệnh ở vùng sâu vùng xa thì khổ gấp trăm lần. Họ bệnh nhưng không được khám, điều trị, cứ thế sống chung với bệnh tật trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. Vì vậy, còn sức khỏe đến được với họ ngày nào thì anh em trong đoàn động viên nhau cứ đi, đi chuyến này rồi vì thương đồng bào mà lại có những chuyến sau”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phương (59 tuổi, nguyên Giám đốc Bệnh viện 7A) cũng cho biết: “Càng đi vào những vùng xa xôi càng thương đồng bào mình. Có người bệnh tật mà còn không biết đến khám bệnh là như thế nào, thương lắm. Bản thân tôi thấy việc đi tới tận nơi khám bệnh cho người nghèo rất ý nghĩa. Nhiều lúc cũng mệt, nhưng cứ nghĩ mình có thể làm được cho người bệnh điều gì đó, thế là lại có động lực để lên đường”. 
Theo bác sĩ Bình, khép lại mỗi chuyến đi, những người tổ chức đoàn TTTN lại tất bật để lo cho chuyến đi của tuần tới. Tham vọng của đoàn nhiều lắm, còn nhiều nơi đoàn muốn trở lại. Người bệnh không có điều kiện tìm mình thì mình đi tìm họ vậy. 
Chặng đường 10 năm thiện nguyện của đoàn TTTN không chỉ có cái tình của người thầy thuốc dành cho người bệnh, mà còn là sự sẻ chia với họ cả những khó khăn trong đời sống. Đi khám bệnh, thấy điều kiện sống thiếu thốn, các bác sĩ trở lại TPHCM và gõ cửa những mối quen biết để vận động tài trợ, rồi đem nào học bổng, sách tập, xe đạp tặng học sinh. Đoàn đã tặng 1.340 xe lăn giúp người tàn tật, ủng hộ tiền để xây 28 căn nhà tình thương, 32 giếng nước công cộng, xây 17 cây cầu bê tông để cho bà con thuận lợi đi lại... Tổng giá trị hỗ trợ về mọi mặt mà đoàn TTTN đem đến cho người dân trong 10 năm qua gần 35 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục