Tăng cơ chế phối hợp để giảm tội phạm môi trường liên vùng

Đó là yêu cầu mà UBND TPHCM đưa ra cho các cơ quan chức năng liên quan trong bối cảnh tình hình vi phạm Luật Tài nguyên và Môi trường diễn biến khá phức tạp tại khu vực giáp ranh. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM về vấn đề này.
Tăng cơ chế phối hợp để giảm tội phạm môi trường liên vùng

Đó là yêu cầu mà UBND TPHCM đưa ra cho các cơ quan chức năng liên quan trong bối cảnh tình hình vi phạm Luật Tài nguyên và Môi trường diễn biến khá phức tạp tại khu vực giáp ranh. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM về vấn đề này.

Nhức nhối

- Phóng viên: Ô nhiễm môi trường khu vực giáp ranh đang khiến nhiều người dân hết sức bức xúc. Bà có thể cho biết thực trạng này có được cải thiện?

- Bà NGUYỄN THỊ THANH MỸ: Thực trạng ô nhiễm khu vực kênh Ba Bò (giáp ranh tỉnh Bình Dương), sông Sài Gòn (giáp ranh tỉnh Tây Ninh), sông Đồng Nai (khu vực giáp ranh tỉnh Đồng Nai) và hệ thống kênh rạch giáp ranh tỉnh Long An đã tồn tại quá lâu, chưa thể giải quyết dứt điểm. TPHCM đã nhiều lần có công văn đề nghị tỉnh bạn tăng cường công tác thanh kiểm tra xử lý. Thậm chí, để cải thiện chất lượng môi trường sống cho người dân dọc kênh Ba Bò, thành phố đã phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải ô nhiễm thải từ các khu công nghiệp của Bình Dương. Thế nhưng, cho đến nay tình trạng xả thải ô nhiễm tại khu công nghiệp tỉnh Bình Dương chưa được xử lý triệt để nên nước kênh ô nhiễm vẫn đang còn tác động rất xấu đến sức khỏe người dân khu vực này.

Nước thải ô nhiễm chảy từ tỉnh Bình Dương vào kênh Ba Bò. Ảnh: CAO THĂNG

Nước thải ô nhiễm chảy từ tỉnh Bình Dương vào kênh Ba Bò. Ảnh: CAO THĂNG

- Theo bà thì thực trạng trên tồn tại từ rất lâu, đến nay vẫn gây bức xúc trong người dân. Vậy phải chăng thành phố đang bế tắc trong cách xử lý vấn đề trên?

- Nếu chỉ đơn thuần vai trò thanh kiểm tra và xử lý của thành phố thì bế tắc thật sự. Bởi theo luật quy định, đoàn thanh tra chuyên ngành của tỉnh này không được phép xử lý những trường hợp vi phạm tại tỉnh khác. Trong khi đó, tình trạng vi phạm môi trường khu vực giáp ranh lại khá nhức nhối. Bản thân những đối tượng có hành vi vi phạm môi trường cũng hiểu rất rõ “lợi thế” của mình cũng như bất lực của các cơ quan chức năng liên quan. Thực tế quá trình thanh kiểm tra cho thấy, đoàn thanh tra có thể phát hiện ra đối tượng, doanh nghiệp có hành vi phạm môi trường nhưng chưa chắc xử lý được. Phổ biến nhất là trường hợp đoàn thanh kiểm tra phát hiện doanh nghiệp xả thải ô nhiễm nhưng thuộc địa phận tỉnh bạn. Hoặc khi các đối tượng khai thác tài nguyên cát trái phép phát hiện thấy đoàn thanh kiểm tra đến lập tức di chuyển nhanh qua địa phận tỉnh bạn. Những lúc như thế, đoàn thanh kiểm tra của thành phố đã chủ động liên hệ cơ quan chức năng của tỉnh bạn phối hợp xử lý nhưng thường khó thực hiện được do các đối tượng vi phạm đã nhanh chóng tẩu tán xong hành vi vi phạm của mình. Điều này đã lý giải tại sao tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ môi trường khu vực giáp ranh vốn tồn tại từ rất lâu nhưng vẫn là vấn nạn nhức nhối cho đến thời điểm hiện nay.

Xóa bỏ sự phân biệt trong quản lý môi trường

- Với tư cách là cơ quan chức năng giải quyết vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ làm gì để cải thiện hiện trạng vi phạm môi trường khu vực giáp ranh với các tỉnh trên?

- Vừa qua sở đã tiến hành điều tra khảo sát thực tế khu vực giáp ranh của 5/7 tỉnh có địa phận tiếp giáp với thành phố. Việc khảo sát này một lần nữa khẳng định những bất cập trong quá trình thanh kiểm tra khu vực giáp ranh giữa các tỉnh TPHCM, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã khiến cho hiện trạng ô nhiễm môi trường khu vực này rất nhức nhối. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan chức năng của các tỉnh thành liên quan đã họp bàn và thống nhất sơ bộ về giải pháp phối hợp thanh kiểm tra và xử lý trường hợp vi phạm. Theo đó, quy chế phối hợp này sẽ cho phép đoàn thanh tra của tỉnh này lập biên bản đối tượng vi phạm trên địa bàn tỉnh khác và chuyển cho tỉnh bạn xử lý.

- Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả xử lý hành vi vi phạm môi trường nếu quy chế phối hợp này được thực thi?

- Tính răn đe sẽ rất cao. Hiện nguyên nhân mấu chốt nhất của việc các đối tượng ngang nhiên có hành vi vi phạm môi trường khu vực giáp ranh là do các đối tượng lợi dụng sự bất cập trong quản lý vùng giữa các tỉnh, thành. Nếu bất cập này bị xóa bỏ thì sẽ không có lý do nào để họ vẫn có thể ngang nhiên hoạt động và thách thức pháp luật như trước đây. Tuy nhiên, việc cùng nhau ký kết quy chế phối hợp chung không dừng lại lợi ích là xóa bỏ những bất cập trong công tác quản lý thanh kiểm tra lĩnh vực môi trường mà quan trọng hơn, còn giúp tạo nên sự đồng bộ trong quy hoạch phân vùng xả thải. Bởi nếu xét theo quy hoạch từng tỉnh hiện nay thì cho phép các doanh nghiệp khu vực thượng nguồn thải ra nước loại A, cuối nguồn thải thì thải nước loại B. Trong khi đó, nếu xét theo tổng thể địa lý thì đầu nguồn nước của TPHCM nhưng lại là hạ nguồn của Tây Ninh, hạ nguồn nước của TPHCM nhưng lại là thượng nguồn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu… Do vậy, nếu không tạo nên sự thống nhất chung trong quy hoạch sử dụng nguồn nước và xả thải tại các tỉnh, rất khó để việc quy hoạch sử dụng và xả thải vào nguồn nước đạt được hiệu quả như mong muốn.

- Vậy khi nào có thể áp dụng cách thức phối hợp kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm môi trường khu vực giáp ranh giữa các tỉnh?

- Hiện các tỉnh, thành đang gấp rút ngồi lại với nhau để nhanh nhất có thể ký kết quy chế phối hợp chung trên. Theo tôi, nếu đúng như dự kiến thì đầu tháng 8 có thể thông qua quy chế này. Và ngay sau đó sẽ cho phép thực hiện thanh kiểm tra và xử lý theo quy chế mới. Có như vậy mới mong sớm chấm dứt nạn lộng hành trong vi phạm môi trường khu vực giáp ranh các tỉnh thành hiện nay.

ÁI VÂN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục