Tăng cường bảo vệ sản phẩm trước “bão” mạng

Doanh nghiệp (DN) hiện nay đang cuống cuồng đối phó với vấn nạn thông tin giả, tin đồn thất thiệt. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho DN cũng như người tiêu dùng. Phao tin đồn thì dễ nhưng thu lại thông tin quả thực không đơn giản.

Mặc dù các quy định về xử phạt đối tượng vi phạm đã có, nhưng với các chiêu bài đồn thổi cực kỳ tinh vi của các đối tượng này, nhiều DN đã rơi vào cảnh “được vạ, má sưng”. 

Tin đồn hại doanh nghiệp

Trước đây, hàng loạt thông tin như ăn bưởi có khả năng bị ung thư, vụ cà phê trộn pin… khiến bà con nông dân khốn đốn trong thời gian dài. Các đối tác thu mua nghi ngờ chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng chưa rõ thực hư ra sao đã vội quay lưng với hàng nội.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, dẫn chứng giữa tháng 6-2013, trên mạng xã hội xuất hiện dồn dập tin đồn mít xanh được thu hoạch hàng loạt sau đó ngâm hóa chất kích chín. Thông tin này lan truyền với tốc độ chóng mặt, khiến nhiều nông dân trồng mít ở xã Mỹ Long, Cai Lậy (Tiền Giang) rơi vào cảnh khó khăn.

Hoặc ví dụ khác về một bài viết không rõ nguồn gốc, đăng tải trên mạng với tựa đề “Hủ tiếu gõ được nấu bằng thịt chuột cống” đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý người tiêu dùng, thiệt hại đến hàng ngàn hộ kinh doanh món ăn bình dân này.

Đáng chú ý, trên mạng của một số quốc gia còn xuất hiện cả diễn đàn tranh cãi, thậm chí kêu gọi tẩy chay hàng Việt Nam. Đến thời điểm này, mọi việc đã rõ ràng, những tranh cãi này gần như lắng xuống, nhưng thiệt hại của bà con nông dân, DN không nhỏ.

Giám đốc truyền thông một DN lớn tại TPHCM tâm sự rằng, ông phải liên tục cập nhật thông tin thời sự hàng ngày để phòng tránh từ xa những “va đập” ảnh hưởng tới DN, nhưng việc này không đơn giản.

“Khi các mặt hàng tiêu dùng có vấn đề, liên quan đến chất lượng, xuất xứ sản phẩm, dù xảy ra ở nước ngoài, chứ không phải ở Việt Nam thì công ty cũng phải có thông cáo rõ ràng để người tiêu dùng biết. Tránh việc khách hàng nội địa tẩy chay sản phẩm vì thông tin chưa rõ ràng”, vị giám đốc này cho biết. 

Tăng cường bảo vệ sản phẩm trước “bão” mạng ảnh 1 Công nhân KCX Linh Trung mua thịt gà, thịt heo sạch. Ảnh: CAO THĂNG

Theo ông Đỗ Hải Triều, Tổng Giám đốc YouNet Media, số lượng người dùng internet và mạng xã hội tại Việt Nam khá đông đảo, chiếm khoảng 60% dân số. Người Việt Nam rất quan tâm tin tức nóng mang tính chất xã hội, chính trị và kinh tế.

Sức lan truyền phụ thuộc vào nội dung và thời điểm tiếp sức bởi các kênh cộng đồng, hội nhóm và người ảnh hưởng. Trong trường hợp thông tin tiêu cực, gây nhiễu loạn, hậu quả sẽ không thể đo lường hết được. 

Chủ động phòng ngừa, nhanh chóng thích nghi

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết ở Việt Nam có 868 cơ quan báo in, báo điện tử. Từ năm 2009 đến nay, số lượng phát hành báo in trên thị trường giảm khoảng 11%, lượng truy cập báo chí điện tử tăng 98%.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Lưu Đình Phúc cho rằng, báo chí và doanh nghiệp cần sự hỗ trợ, đồng hành lẫn nhau. “Báo chí phải có niềm tin của độc giả, thông tin báo chí là hàng hóa đặc biệt với con người”, ông Phúc nhấn mạnh.

Trường hợp DN bị gây khó, thiệt hại kinh tế bởi thông tin, hình ảnh thất thiệt, ông Lưu Đình Phúc nói thẳng rằng, DN hãy chủ động gửi đơn tố cáo đến cơ quan chuyên trách để được hỗ trợ xử lý kịp thời. 

Chia sẻ về biện pháp xử lý tin giả, ông Đỗ Hải Triều cho rằng, cách tốt nhất để tránh sự ảnh hưởng là phòng ngừa. Vì khi khủng hoảng xảy ra, để giải quyết dứt điểm là không thể và sẽ luôn để lại hậu quả.

Thực tế hiện nay, sức lan tỏa thông tin trên mạng xã hội quá nhanh, nhiều người tiếp nhận trong một khoảng thời gian rất ngắn. Dù thông tin đã hoặc chưa được kiểm chứng thì đối tượng bị đề cập trong thông tin đều chịu ảnh hưởng.

Còn bà Phạm Thị Trang, Giám đốc một DN địa ốc tại TPHCM, tâm sự một trong những tiêu chí đầu tiên của công ty để phát triển tốt thương hiệu là dùng cái tâm để kết nối mọi người. 

Các thông tin hướng đến khách hàng đều chân thật, chỉn chu. Tương tự, hệ thống các siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TPHCM như Co.opmart, BigC, Vinmart+… cũng khẳng định luôn nỗ lực làm tốt ngay từ đầu, bao gồm tất cả các khâu (chất lượng sản phẩm, quản trị thương hiệu…).

Trong đó, siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẵn sàng lắng nghe, ghi nhận các ý kiến phản hồi của người tiêu dùng. Mục tiêu hướng đến sự hài lòng, phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.

Tuy vậy, nhiều DN phản ánh rằng, đa phần họ đều bị ám ảnh bởi câu chuyện phải xử lý khủng hoảng truyền thông, trong khi vẫn phải nỗ lực chăm lo phát triển sản phẩm, đời sống người lao động. Thực tế này đặt ra nhiều áp lực, nhưng cũng là cơ hội cho chính các DN muốn chủ động thích ứng tốt trong môi trường kinh doanh rộng lớn, hội nhập toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục