Tăng cường đối thoại để giảm tranh chấp quốc tế

Trước thực trạng xảy ra một số tranh chấp giữa các nhà đầu tư, ngày 22-6 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp với Bộ Tư pháp và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức hội thảo chuyên đề về “Phòng ngừa và giảm thiểu khiếu nại, tranh chấp đầu tư quốc tế”.
Tiền thuê đất, thu hồi đất là một lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài vướng mắc và khiếu nại nhiều. Ảnh: THÀNH TRÍ
Tiền thuê đất, thu hồi đất là một lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài vướng mắc và khiếu nại nhiều. Ảnh: THÀNH TRÍ
Tiềm ẩn khả năng tranh chấp
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài là chủ trương lớn, nhất quán của Chính phủ trong suốt 3 thập kỷ qua. Tính đến tháng 5-2018, Việt Nam đã có quan hệ đầu tư với 127 quốc gia và vùng lãnh thổ, có hơn 25.600 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 323 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt hơn 179 tỷ USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân và đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trên thực tế, số lượng các vụ khiếu nại, tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp. Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, các vướng mắc, khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài liên quan chủ yếu tới lĩnh vực đất đai, thuế và tiền thuê đất, quan hệ với cộng đồng dân cư địa phương; các vướng mắc khi thu hồi dự án, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thu hồi đất, quyền khai thác khoáng sản...
Các vướng mắc, khiếu nại nói trên nếu không được các cơ quan quản lý Nhà nước phản hồi, giải quyết kịp thời và hiệu quả sẽ tiềm ẩn khả năng phát sinh thành tranh chấp quốc tế, làm giảm lòng tin của nhà đầu tư và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.
Theo phản ánh của sở kế hoạch và đầu tư nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, qua thực tế các vụ việc cũng như qua công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tranh chấp quốc tế có liên quan đến đầu tư quốc tế, còn tiềm ẩn nhiều vấn đề khó khăn.
Chẳng hạn, nhiều dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép trong giai đoạn Việt Nam bắt đầu mở cửa đến nay đã sắp hết thời hạn hoạt động. Rất nhiều trong số này là những dự án có sử dụng đất, nay đã không còn phù hợp với quy hoạch, dẫn đến việc xem xét gia hạn khó khăn. Nếu phải di dời đến địa điểm khác, nhà đầu tư dễ phản ứng tiêu cực.
Một số dự án bất động sản có vốn đầu tư lớn, trong giấy phép đầu tư có nhiều nội dung được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật có nhiều thay đổi (như ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định chuyển giao không bồi hoàn); vì thế, khi có vấn về phát sinh, việc theo dõi, đối chiếu với quy định và giải quyết cũng  hết sức khó khăn.
Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các hiệp định song phương và đa phương nên việc theo dõi và áp dụng cũng khó khăn. Chẳng hạn nhiều hiệp định thế hệ mới cho phép nhà đầu tư hoặc cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích liên quan, được kiện Chính phủ trong các hoạt động đầu tư kinh doanh. Trong khi đó, các cơ quan Trung ương cũng như địa phương chưa có nhiều khóa đào tạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện các quy định này cho cơ quan quản lý của địa phương. 
Kịp thời giải quyết khi mới phát sinh
Là địa phương đi đầu trong thu hút vốn đầu tư FDI trong cả nước, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, cho biết qua một số kinh nghiệm thực tế trong quá trình giải quyết tranh chấp về đầu tư quốc tế trên địa bàn TPHCM, đó là phải luôn theo sát hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án, kịp thời can thiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của họ ngay từ khi mới phát sinh. Đây là giai đoạn quan trọng, vì nếu có thể đáp ứng, thỏa mãn được nguyện vọng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ không phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế.
Tham luận về vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quản lý xây dựng để giảm thiểu các tranh chấp liên quan đến việc thu hồi giấy phép đầu tư do không triển khai hoặc triển khai không đúng tiến độ cam kết. Đồng thời, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật về đầu tư nước ngoài cho các nhà đầu tư nước ngoài để phòng ngừa tranh chấp. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, khi tranh chấp có khả năng dẫn đến khiếu kiện quốc tế thì điều quan trọng là phải xác định chiến lược đàm phán và giải quyết tranh chấp để có kế hoạch thích hợp, thống nhất.
Trường hợp phát sinh vụ việc tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài, cần cân nhắc thuê đơn vị tư vấn luật giàu năng lực, kinh nghiệm trong giải quyết các vụ việc tranh chấp quốc tế và phải để đơn vị tư vấn luật vào cuộc ngay từ đầu nhằm hạn chế những rắc rối phát sinh do thiếu hiểu biết về quy trình xử lý tranh chấp của trọng tài quốc tế, cơ quan tài phán nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục