Tăng cường giải pháp chống hàng gian, hàng giả

Hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường; từ quầy hàng tạp hóa, tại các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đang được xem là vấn đề cấp bách hiện nay.

Diễn biến khó lường

Theo Quỹ chống hàng giả (ACF), ngày nay biên giới thương mại sản phẩm, hàng hóa của mỗi quốc gia được mở rộng từ nước này qua nước khác, từ châu lục này qua châu lục khác, không còn phụ thuộc vào biên giới địa lý, hành chính. Sản phẩm, hàng hóa quốc gia được ghi nhận trên trường quốc tế bằng thương hiệu, chất lượng và mẫu mã.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của hàng nhái, hàng giả và hành vi gian lận thương mại đang bóp nghẹt sự phát triển của nền kinh tế mỗi quốc gia nói riêng, là vấn nạn toàn cầu, kìm hãm sự phát triển kinh tế thế giới nói chung. Sản phẩm hàng hóa bị làm giả, làm nhái còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, đến sự phát triển của cả thế hệ con người hiện tại và tương lai. Nhiều doanh nghiệp (DN) biết có sản phẩm bị vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng không muốn đấu tranh vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của mình. Văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nhiều, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) xử lý mỗi năm rất nhiều vụ, nhưng hàng giả vẫn tràn lan.

Bức xúc về tình trạng hàng gian, hàng giả hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty Thời trang Nón Sơn, cho rằng hàng giả, hàng nhái đem lại siêu lợi nhuận, trong khi việc xử lý sai phạm chỉ như “gãi ngứa”. Mức xử phạt vi phạm hành chính chỉ vài triệu đồng, trong khi lợi nhuận có thể lên tới hàng tỷ đồng nên họ vẫn cứ tái phạm.

Theo Cục QLTT TPHCM, năm 2018, cơ quan này đã tổ chức kiểm tra chuyên ngành 21.052 vụ, phát hiện 6.158 vụ vi phạm. Trong đó, hàng lậu chiếm 1.902 vụ, hàng giả 1.028 vụ, hàng cấm 554 vụ; 770 vụ vi phạm trong kinh doanh, 1.722 vụ vi phạm về nhãn mác, tiêu chuẩn, website bán hàng. Đã xử phạt 4.496 vụ, thu 99 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy hơn 65 tỷ đồng, hàng tịch thu chờ thanh lý trị giá 52 tỷ đồng và chuyển cơ quan công an khởi tố 14 vụ án. Cục QLTT TPHCM phối hợp kiểm tra liên ngành 15.983 vụ, phát hiện 1.392 vụ vi phạm.

Tăng cường giải pháp chống hàng gian, hàng giả ảnh 1 Người tiêu dùng nên đến hệ thống siêu thị để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng
Trong khi đó, một số DN cho biết thời gian qua, việc DN phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái, nhưng khi báo đến các cơ quan chức năng thì chỉ nghe … hứa, nếu có xử lý thì cũng rất nhẹ, thường là xử lý hành chính nên hàng giả vẫn ngang nhiên tung hoành.

Theo ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, nạn kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thời gian qua đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các bộ ngành và địa phương đặc biệt quan tâm chỉ đạo; các lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên, kết quả phát hiện, xử lý chưa tương xứng với thực tế đang hết sức phức tạp; gây nhiều bức xúc, lo ngại trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân cả nước. Tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc hiện rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá cả và diễn ra rất phức tạp ở nhiều phân khúc khác nhau trên thị trường, từ nông thôn đến thành thị trên cả nước.

Đồng bộ nhiều giải pháp 

Để chống nạn hàng gian hàng giả, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi gian dối trong việc sản xuất, sử dụng, lưu thông hàng hóa. Song song đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phương tiện truyền thông để thông tin rộng rãi các vụ việc vi phạm đến cho người tiêu dùng biết và tránh. DN cần theo dõi sát khâu tiêu thụ hàng hóa của mình, chủ động tố giác các vi phạm, coi quyền sở hữu trí tuệ là giá trị nhãn hiệu hàng hóa, là tài sản vô hình phải bảo vệ…

Để chống hàng giả, cần sự chung tay vào cuộc của cộng đồng DN, người tiêu dùng một cách mạnh mẽ. Bởi công cuộc chống hàng giả nếu không có doanh nghiệp đi cùng thì rất khó khăn. Vì khi sản phẩm của DN bị xâm phạm bản quyền thì người bị hại chính là DN, những chủ thương hiệu, chủ nhãn hiệu đã được bảo hộ.

Đại diện ACF cho biết, trong năm 2019, để giúp DN yên tâm hoạt động, giữ được thị trường, bảo vệ thương hiệu, có 2 định hướng lớn mà quỹ sẽ làm, đó là thực hiện cho được định hướng thương hiệu của DN. Sau đó, ACF sẽ làm chức năng cầu nối và bảo hộ thương hiệu của DN Việt Nam trên thị trường.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Hành chính - Văn phòng Chính phủ, để chống nạn hàng gian, hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp, trong thời gian tới Chính phủ sẽ đẩy mạnh các giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về pháp luật, kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chỉ rõ các vi phạm và tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là về trách nhiệm của người đứng đầu.

Đồng thời, các bộ ngành, địa phương, lực lượng chức năng phải tập trung phân tích tình hình và những vấn đề nổi lên trong thời gian qua; đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, thực chất và bài bản. Cần nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả; đối tượng chủ mưu, cầm đầu để có biện pháp đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục