Tăng cường giải pháp ngăn chặn đường nhập lậu

Trước tình trạng đường lậu thâm nhập vào thị trường qua các cửa sông, cảng biển và đường bộ, UBND TPHCM vừa có chỉ đạo, nếu địa bàn nào xảy ra điểm nóng về buôn lậu mặt hàng này, người đứng đầu chính quyền ở đó phải chịu trách nhiệm.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, từ năm 2016 đến giữa năm 2017, ước tính có khoảng 500.000 tấn đường thẩm lậu vào Việt Nam, ngành thuế nhà nước sẽ thất thu trên 2.000 tỷ đồng. Do nạn đường lậu và biến đổi khí hậu nên ngành mía đường tồn kho đến 750.000 tấn. Khi giá đường trong nước cao hơn so với giá đường ngoại, giới buôn lậu tăng cường vận chuyển hàng qua biên giới. Tình hình buôn lậu ngày càng diễn biến phức tạp và thủ đoạn tinh vi. Đường không chỉ thẩm lậu qua biên giới tỉnh An Giang vào Việt Nam mà còn mở rộng ra các tỉnh miền Tây. Ở các tỉnh miền Trung, đường lậu chủ yếu “vượt biên” qua con sông Sê Pôn (Quảng Trị) và các đường mòn để về TP Đông Hà. Ở phía Bắc, đường lậu Trung Quốc tuồn về qua các cảng biển. Dân buôn lậu sẵn sàng chi tiền thuê xe tải 40 tấn hay cả sà lan trên 100 tấn, sau đó ngụy trang các bao đường để âm thầm vận chuyển. Một số “đầu nậu” chẻ hàng đưa qua ghe nhỏ, xe vận tải nhỏ dưới 6-7 tấn để tăng cường chuyển hàng đi khắp các tỉnh thành. Hầu hết, đường lậu đưa về thị trường lớn TPHCM, Cần Thơ và các tỉnh miền Đông tiêu thụ. Giáp biên giới, các kho hàng ngoại biên được “đầu nậu” cử người canh phòng chặt chẽ, chờ khi cơ quan chức năng sơ hở thì nhanh chóng đánh hàng qua biên giới. Ông Dương Phước Thắng, chủ một công ty mía đường ở Quảng Ngãi cho biết: “Trước đây, dân buôn lậu đường sẽ xé bao bì mang nhãn Thái Lan để bỏ vào bao trắng không nhãn hiệu. Tuy nhiên, được sự tiếp tay đắc lực của các mắt xích khác, chúng làm nhái bao bì của các đơn vị chế biến có tiếng như Minh Long, Thuận Thảo, Quốc Đại để đóng gói. Khi đường lậu tràn ra thị trường, người tiêu dùng không biết cơ sở nào để phân biệt”.

Hiện tại, mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh đường cát nhập lậu tăng gấp đôi so với thời gian trước đây. Nếu giá trị đường lậu trên 100 triệu đồng thì sẽ xử phạt 90 triệu đồng đối với cá nhân, 180 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng xác định được có dấu hiệu buôn lậu thì hồ sơ sẽ chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra để khởi tố. Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74 Bộ Công an), việc chứng minh đối tượng đưa hàng qua biên giới vào Việt Nam để cáo buộc tội buôn lậu là rất khó. Thượng tá Nguyễn Văn Thanh, đại diện C74 cho hay, nhiều trường hợp trinh sát của cục đeo bám đối tượng từ bên kia biên giới, sau đó dùng máy quay phim quay lại cảnh chúng đưa hàng về nội địa. Lúc bắt được hàng và trưng bằng chứng là đoạn video, đối tượng mới chịu thừa nhận hành vi buôn lậu. Quản lý thị trường TPHCM cũng cho hay, các xe tải nhỏ lợi dụng trời tối để đi phân phối đường cho các đại lý tiêu thụ. Thường sau 12 giờ đêm, các xe tải vùng ngoại thành mới bắt đầu “đổ bộ” vào trung tâm để giao hàng. Hiện tại giá đường trong nước với đường Thái Lan chênh lệch nhau từ 2.000 đồng/kg trở lên. Với hàng ngàn tấn đường lậu, “đầu nậu” sẽ bỏ túi khoản tiền lớn.

Để đối phó với nạn đường lậu hoành hành, UBND TP vừa có văn bản chỉ đạo, yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để buôn lậu. UBND của 24 quận, huyện trên địa bàn cần sớm phát hiện các hành vi vận chuyển, tạm trữ, kinh doanh mặt hàng đường nhập lậu. Nếu nơi nào để xảy ra điểm nóng về buôn lậu đường thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Tin cùng chuyên mục