Tăng cường kết nối với các doanh nghiệp Nhật Bản

Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) sẽ phối hợp với Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM và các đơn vị liên quan của Việt Nam tổ chức Triển lãm công nghiệp hỗ trợ “Supporting Industry Show 2018” vào tháng 10-2018 tại TPHCM. 

Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Jetro tại TPHCM, cho biết sẽ có 18 công ty lớn đến từ Nhật Bản tham gia với tư cách người mua hàng (buyer), 30 công ty Việt Nam sẽ tham dự như nhà cung cấp (supplier).

Theo bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), tham gia vào “Supporting Industry Show 2018” là một trong những kế hoạch trong chiến lược thực hiện định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2015-2020 và 2021-2025 của ITPC. Định hướng này bao gồm 3 điểm. Thứ nhất, hình thành được mạng lưới sản xuất nội địa đáp ứng được yêu cầu sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nội địa và tham gia hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ hai, thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi công nghệ cao tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sản xuất cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo hướng thay thế nhập khẩu và nâng cao giá trị gia tăng.

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM (CSID) Lê Nguyễn Duy Oanh cho biết ngành công nghiệp cơ khí tại TPHCM đang có nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, với chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 7,9% giai đoạn 2016-2017. Năm nay, CSID sẽ phối hợp chặt chẽ với Jetro để hỗ trợ các nhà sản xuất tại TPHCM tham gia “Supporting Industry Show 2018”. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp mở rộng năng lực cung ứng, kết nối với các đối tác trong và ngoài nước, cũng như chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Theo báo cáo từ Sở Công thương TPHCM, trong 7 tháng đầu năm 2018, 4 ngành công nghiệp trọng yếu đều tiếp tục mở rộng thị trường; đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc để nâng cao chất lượng, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Riêng ngành cơ khí - điện, 7 tháng đầu năm ước tăng 12,25%. Tuy có chậm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại cho thấy sự chuyển dịch theo chiều sâu, khi các doanh nghiệp liên tục tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường, đầu tư nhiều trang thiết bị mới. Nhiều dây chuyền, hệ thống thiết bị, máy móc điều khiển tự động đã được các doanh nghiệp tại TPHCM sản xuất, có thể thay thế hàng nhập khẩu, có khả năng cạnh tranh cao với chất lượng ổn định và giá thành chỉ khoảng 50 - 70% so với hàng nhập cùng loại.

Tin cùng chuyên mục