Tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu trong công tác PCCC

Cái chính của công tác PCCC là phòng ngừa không để xảy ra sự cố cháy, nổ. Nhiệm vụ PCCC không chỉ là trách nhiệm riêng của cơ quan PCCC mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân TP.

“Đi đôi với xu thế phát triển, các chung cư, nhà cao tầng được đầu tư, phát triển khắp TPHCM. Tại các chung cư, nhà cao tầng, nếu thiếu các giải pháp phòng ngừa, kịp thời xử lý thì chỉ một sự cố cháy nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vụ cháy ở chung cư Carina Plaza (quận 8) làm 13 người thiệt mạng, 50 người bị thương là bài học đắt giá. Vì vậy, TPHCM phải có giải pháp kịp thời, không để tồn tại bất cập trong công tác PCCC ở các chung cư, nhà cao tầng nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân”, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn PV Báo SGGP về việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TP.

Chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo

- Phóng viên: Trong thời gian qua, TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp PCCC nhưng vẫn xảy ra không ít vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, vụ cháy chung cư Carina khiến người dân ở chung cư cao tầng bất an. Từ vụ việc này, UBND TP có chỉ đạo cụ thể như thế nào nhằm chấn chỉnh công tác PCCC, nhất là ở chung cư cao tầng, thưa đồng chí?

* Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THÀNH PHONG: Từ đầu năm 2018 đến nay, tình trạng cháy, nổ nói chung và tình hình cháy tại các chung cư nói riêng, diễn biến rất phức tạp. Các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội. Trong đó, vụ cháy ở chung cư Carina Plaza là hết sức thương tâm, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Vụ cháy còn gây bất an đối với người dân đang sinh sống ở chung cư, nhà cao tầng.

Do đó, ngày 29-3-2018, UBND TP đã ban hành Chỉ thị 04 về tăng cường trách nhiệm đảm bảo an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn nhằm kịp thời chấn chỉnh những hạn chế yếu kém trong việc chấp hành các quy định về an toàn PCCC của chủ đầu tư, cơ quan, tổ chức, người dân và sự phối hợp của các cơ quan trong công tác PCCC. Chỉ thị đã nêu cụ thể và đầy đủ các giải pháp triển khai thực hiện.

Cũng cần nói thêm, UBND TP đã từng tổ chức hội nghị về an toàn PCCC đối với các chung cư vào năm 2016. Trên cơ sở đó, Văn phòng UBND TP có thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện các nội dung chỉ đạo chưa nghiêm, chưa quyết liệt, chưa đầy đủ. Có thể khẳng định, đối với công tác PCCC, hệ thống các văn bản chỉ đạo đã được UBND TP ban hành tương đối đầy đủ. Song, việc tổ chức thực hiện chưa nghiêm túc, dẫn đến cháy, nổ gây thiệt hại về tính mạng, tài sản và làm ảnh hưởng đến tinh thần của người dân. Do đó, cốt lõi của chỉ thị lần này là quán triệt tinh thần cảnh giác cao độ đối với công tác phòng chống cháy, nổ, nêu rõ yêu cầu của việc kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các biện pháp PCCC. Qua đó, cũng kịp thời chấn chỉnh những hạn chế yếu kém và xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về an toàn PCCC.

Tính mạng và tài sản của người dân là quan trọng nhất! Do đó, nhằm đảm bảo nâng cao trách nhiệm trong công tác PCCC, UBND TP cũng giao Văn phòng UBND TP theo dõi và đề xuất hình thức xử lý trách nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; chủ tịch UBND các địa phương nếu thiếu trách nhiệm, không triển khai thực hiện nghiêm chỉ thị, để xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.

- Để công tác PCCC đạt được hiệu quả thì đòi hỏi từ nhiều phía, trong đó cả người dân. Như vậy, lãnh đạo UBND TP có những yêu cầu cụ thể nhằm nâng cao ý thức, kỹ năng PCCC cho cư dân? Tương tự, biện pháp củng cố, đẩy mạnh phong trào toàn dân PCCC; nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng chữa cháy tại chỗ ra sao?

* Nguyên nhân dẫn đến cháy lớn gây hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng ở các chung cư, nhà cao tầng chủ yếu là chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ trách nhiệm PCCC. Việc phát hiện cháy không kịp thời, thông tin báo cháy chậm. Lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động kém hiệu quả. Mặt khác, cư dân cũng chưa tích cực tham gia các buổi hướng dẫn và thực hành về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ nên chưa nắm vững kiến thức cơ bản về PCCC và kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ.

Để hạn chế xảy ra cháy lớn, giảm thiểu tối đa thiệt hại khi có cháy, phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác PCCC. Đặc biệt, là các kỹ năng xử lý khi xảy ra cháy, nổ. Chủ hộ gia đình phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra công tác PCCC trong gia đình mình, không tự ý làm mất tác dụng của phương tiện PCCC và lối thoát nạn. Song song đó, các cơ quan, đơn vị phải thật sự quan tâm, thực hiện tốt công tác PCCC theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Vì vậy, trong thời gian tới TPHCM vẫn sẽ tiếp tục tập trung xây dựng có hiệu quả phong trào toàn dân tham gia PCCC theo cả chiều rộng và chiều sâu, lấy phòng ngừa làm trọng tâm để hạn chế xảy ra cháy, nhất là cháy lan, cháy lớn.

TPHCM cũng yêu cầu UBND các quận - huyện chỉ đạo UBND phường - xã - thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quyền và trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, sử dụng chung cư, nhà cao tầng theo quy định. Đồng thời, phổ biến sâu rộng Chỉ thị 04 đến toàn thể người dân, chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý các chung cư, tòa nhà cao tầng. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức chính trị - xã hội cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giám sát việc thực hiện quản lý nhà nước về PCCC tại các nhà chung cư, nhà cao tầng.

Bên cạnh đó, UBND TP chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục nâng cao hiệu quả của lực lượng PCCC tại chỗ. Lực lượng dân phòng cần được bố trí đều khắp trong khu dân cư, được trang bị phương tiện đủ sức xử lý ban đầu theo phương châm “mọi hoạt động PCCC trước tiên phải được giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ”. Các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp phải có đội PCCC cơ sở, nắm vững kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC và xử lý tình huống. Còn lực lượng PCCC chuyên ngành ở sân bay, bến cảng, khu chế xuất - khu công nghiệp... cần được xây dựng, hoạt động hiệu quả. Các lực lượng này hợp lực cùng lực lượng nòng cốt là cảnh sát PCCC và đặc biệt là sự tham gia của toàn dân thì sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp, đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ về PCCC trên địa bàn TP.

Tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu trong công tác PCCC ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thị sát hiện trường vụ cháy chung cư Carina Plaza, quận 8, TPHCM
Trách nhiệm của người dân

- Hiện nay, TPHCM đối diện với áp lực lớn trong công tác PCCC, trong khi đó năng lực PCCC, đặc biệt là trang thiết bị còn hạn chế (chưa có trực thăng, thang chữa cháy mới tới tầng 20, trong khi tòa cao nhất ở TP hiện nay là 68 tầng và sắp tới là 81 tầng). Như vậy, TPHCM sẽ có những giải pháp nhằm khắc phục các hạn chế vừa nêu?

* Toàn TPHCM hiện có gần 1.000 chung cư, nhà cao tầng với chiều cao từ 25 - 200m. Theo lý thuyết, xe chữa cháy hiện đại nhất của TPHCM cũng chỉ có thể tiếp cận đến tầng 20 (tương đương 60m). Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới, thang xe của lực lượng PCCC cũng phổ biến cao khoảng 60m. Ở đó, họ không sử dụng xe cao hơn và khi xảy ra cháy, họ sử dụng tổng hợp các giải pháp, phương tiện khác nữa như trực thăng, hệ thống cảm biến, đặc biệt là hệ thống PCCC, thoát nạn trong tòa nhà. Nói chung, nhiều phương tiện, khí tài được sử dụng trong công tác PCCC, chứ không phải chỉ duy nhất là xe thang. UBND TP cũng đã giao Cảnh sát PCCC TPHCM rà soát tổng thể hệ thống phương tiện, trang thiết bị tác nghiệp của lực lượng PCCC để đề xuất trang bị những trang thiết bị phù hợp với đặc thù đô thị của TPHCM.

Đối với các chung cư, tòa nhà cao tầng, vấn đề an toàn đã được đặt ra từ khâu thiết kế, thi công để mỗi chung cư, tòa nhà cao tầng phải có khả năng tự đảm bảo an toàn và PCCC. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được quy định rất rõ ràng, cụ thể. Nếu các chủ thể có liên quan quán triệt, chấp hành và thực hiện nghiêm túc thì đã không xảy ra nhiều vụ cháy như vừa qua. Mặt khác, hiện nay, các quy phạm pháp luật về PCCC về cơ bản là khá đầy đủ. Vấn đề đặt ra là cơ chế phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện và kiểm tra sao cho hiệu quả nhất. TPHCM sẽ chú trọng trong việc này, tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, công trình đối với công tác PCCC.

Thực tiễn những gì đã xảy ra cho thấy, cái chính của công tác PCCC là phòng ngừa không để xảy ra sự cố cháy, nổ. Mỗi cơ quan, tổ chức, địa phương và mỗi người dân phải nhận thức rõ điều đó để những thương tâm như vừa rồi không còn tái diễn nữa. Do đó, nhiệm vụ PCCC không chỉ là trách nhiệm riêng của cơ quan PCCC mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân TP.

- Bên cạnh chung cư, nhà cao tầng, những công trình công cộng như: quán bar, vũ trường, quán karaoke, hát với nhau, chợ, kho bãi, điểm kinh doanh phế liệu, thậm chí nhà dân vừa ở vừa kinh doanh... cũng tiềm ẩn nguy cơ lớn xảy ra cháy nổ. TPHCM có giải pháp gì tăng cường an toàn về cháy nổ ở những khu vực này?

* TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học, kỹ thuật lớn của cả nước, có tốc độ phát triển nhanh. Cùng với đó đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều các công trình đặc thù trên địa bàn TP. Quy mô kinh tế, quy mô dân số đều tăng rất nhanh đặt ra yêu cầu đối với công tác PCCC ngày một cao hơn. Vì vậy, UBND TP đã chỉ đạo Cảnh sát PCCC và các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành rà soát tổng thể đối với công tác PCCC trên toàn TPHCM một cách toàn diện. Hội nghị triển khai Chỉ thị 04 vừa rồi chủ yếu tập trung đối với chung cư, nhà cao tầng. Sắp tới, UBND TP cũng sẽ tổ chức hội nghị tương tự để triển khai các giải pháp nhằm nâng cao an toàn PCCC đối với các quán bar, vũ trường, quán karaoke, chợ, kho bãi, điểm kinh doanh phế liệu...

Để nâng cao năng lực PCCC đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển, TPHCM chú trọng các biện pháp như: phát triển mạng lưới cấp nước phục vụ công tác PCCC trên địa bàn; nâng cao kỹ năng tác nghiệp của lực lượng Cảnh sát PCCC về trình độ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; cũng như nâng cao năng lực của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và chuyên ngành. Về khoa học, công nghệ, cần áp dụng hệ thống bản đồ số, viễn thám và hệ thống thông tin địa lý trong công tác PCCC. Chú trọng các lớp dữ liệu về kiến trúc xây dựng, quy mô và công năng hoạt động của từng công trình, khu dân cư; lớp dữ liệu về giao thông; lớp dữ liệu về mạng lưới cấp nước; dữ liệu về các khu vực có nguy cơ cháy nổ cao... TPHCM cũng sẽ xem xét nghiên cứu ứng dụng các vật liệu không cháy, chất chữa cháy mới, hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường...

- Xin cảm ơn đồng chí!

Tin cùng chuyên mục