Tăng dân số cơ học tại TPHCM. Bài 1: Bùng nổ từ nội thành ra ngoại thành

Vài năm gần đây, dân số tại TPHCM gia tăng đột biến, phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, gây áp lực lớn đối với chính quyền các cấp trong công tác quản lý địa bàn, xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết chỗ ăn, ở, học hành…
Tăng dân số cơ học tại TPHCM. Bài 1: Bùng nổ từ nội thành ra ngoại thành

Vài năm gần đây, dân số tại TPHCM gia tăng đột biến, phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, gây áp lực lớn đối với chính quyền các cấp trong công tác quản lý địa bàn, xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết chỗ ăn, ở, học hành… 

  • Đất chật người đông... 

Tại đường Hoàng Bật Đạt, phường 15, quận Tân Bình (Q.TB) có hẳn một “khu phố trọ” với gần 100 phòng trọ của ông N.L và một số chủ trọ khác liên kết mở để đáp ứng nhu cầu của dân nhập cư. Mỗi phòng trọ ở đây rộng chưa đầy 10m² nhưng chứa 5 - 6 người. Chỉ một dãy nhà trọ đơn sơ, chật hẹp, ẩm thấp ở khu vực này mà chứa tới gần 1.000 người.

Trên địa bàn phường 15 hiện có tới 3.000 phòng cho thuê với “sức chứa” gần 20.000 người! Những người thuê phòng trọ đa số là dân nhập cư từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung và miền Tây đổ về TP kiếm sống bằng các nghề buôn gánh bán bưng, thợ hồ, thợ may…

Anh Phạm Văn Hải, quê Quảng Ngãi, đang tạm trú tại nhà trọ số 46 đường Hoàng Bật Đạt P15 Q.TB, bộc bạch: “Tôi và gia đình vào đây thuê nhà trọ để mưu sinh bằng nghề bán hủ tiếu dạo đã gần 7 năm, từ lúc giá phòng trọ 400.000 đồng/phòng/tháng, nay tăng lên 700.000 đồng/phòng/tháng…”.

Dãy nhà trọ chật chội chứa hàng trăm dân nhập cư. Ảnh: M.N.

Dãy nhà trọ chật chội chứa hàng trăm dân nhập cư. Ảnh: M.N.

Tại khu phòng trọ của nhà bà Trần Thị Mười, ở số 116-118 đường Cống Lở P15 Q.TB, cũng có tới 38 phòng trọ với gần 150 người các tỉnh đến thuê trọ. Con dâu bà Mười mang cho chúng tôi xem mấy chục cuốn sổ đăng ký tạm trú tạm vắng, theo đó mỗi phòng trọ có một sổ đăng ký tạm trú tạm vắng có ghi tên từng người đang tạm trú. Chủ nhà trọ cho biết: “Do đông người nên sử dụng điện, nước quá định mức và người ở trọ phải chịu giá điện, nước cao gấp đôi giá quy định…”. 

Tương tự, tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú dân số tăng đến mức chóng mặt. Theo số liệu Tổng điều tra dân số ngày 1-4-2009, dân số của phường năm 2009 tăng 5.000 dân so với năm 2008.

Lúc mới tách, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú chỉ có gần 30.000 dân, vậy mà sau vài năm, dân số của phường tăng lên gần 47.000 dân. Đó là chưa tính hơn 30.000 công nhân lao động đang làm việc tại khu công nghiệp và 15.000 sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. 

Dân số tăng “kinh hoàng” nhất phải kể đến phường 12 (mới), quận Gò Vấp. Lúc mới tách phường chỉ có khoảng 40.000 dân, chỉ sau vài năm đã tăng lên… hơn 120.000 dân, trong đó có 2/3 dân nhập cư! Đây là phường ven của quận Gò Vấp nên còn khá nhiều đất ruộng, vì vậy dân nhập cư từ các tỉnh đổ về mua bán đất “giấy tay” tràn lan và “vô tư” xây dựng nhà không phép, trái phép khiến diện tích đất trồng rau, trồng hoa gần như… “biến mất”. 

Không chỉ các quận nội thành, tại các quận ven TP, đà tăng dân số cơ học vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Điển hình như phường Hiệp Thành quận 12, 3 năm trở lại đây, mỗi năm dân số của phường tăng thêm 10.000 người! Hiện nay dân số của phường tăng gần 70.000 dân, trong đó có hơn 60% dân nhập cư.

Dẫu vậy, tốc độ tăng dân số vẫn tiếp tục vì phường đang thực hiện 2 dự án nhà cao tầng có quy mô lớn với sức chứa hơn 18.000 người. Chưa hết, UBND quận 12 đang điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp rộng 250ha và khu đất dự trữ 50ha để chuyển sang xây dựng khu dân cư mới. Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm tới, dân số của phường Hiệp Thành sẽ không dừng ở mức 70.000 người mà chắc chắn “bùng nổ” lên gấp nhiều lần!

Anh Trần Đình Dũng, quê ở tỉnh Quảng Trị, hiện tạm trú tại khu phố 5 P.Hiệp Thành Q12, nhận xét: “Cách đây 3 năm, ở phường Hiệp Thành chỉ toàn là đất trồng rau, trồng lúa, nhà cửa còn thưa thớt lắm, vậy mà nay nhà cửa đã chen chúc như… “nấm sau mưa”. Không riêng phường Hiệp Thành mà các phường khác như: An Phú Đông, Thới An, Tân Thới Hiệp… trên địa bàn quận 12 đều trong tình trạng tăng dân số cơ học đến mức báo động. 

  • Quá tải nhiều mặt... 

Tại phường 12 quận Gò Vấp, do dân số cơ học tăng quá nhanh, nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng không theo kịp để đáp ứng nhu cầu người dân, dẫn đến chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn còn rất thấp…

Đầu năm học 2009, Trường Tiểu học An Hội, phường 12 quận Gò Vấp bị “quá tải” đến mức phải bố trí tới 60 - 70 em/lớp, trong khi quy định của ngành giáo dục chỉ có 30-40 học sinh/lớp. Đội ngũ giáo viên dù mức lương bằng các trường khác nhưng vẫn “gồng mình” làm việc gấp đôi vì phải quản lý một lớp học có sĩ số học sinh gấp đôi trường khác. Tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú do dân đông, trường lớp thiếu nên phường chỉ đáp ứng chỗ học cho 1/3 học sinh, còn hàng ngàn học sinh khác phải chạy sang các phường khác để tìm chỗ học. 

Phường 15 quận Tân Bình là phường đông dân nhất quận Tân Bình. Mặc dù được quận tập trung tiền của để phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng xuể. Anh Phạm Phú Dũng, Chủ tịch UBND P15 Q.TB, cho biết: “Hiện dân số toàn phường gần 52.000 dân, trong đó dân nhập cư chiếm hơn 20.000 dân. Trong khi đó, phường chỉ có 2 trường tiểu học và 1 trường mầm non, chưa có trường cấp 2 và 3 nên hàng ngàn học sinh không có chỗ học phải dạt đi các nơi khác để tìm chỗ học…”. 

Không chỉ thiếu trường lớp, công tác khám chữa bệnh cho dân cũng lâm cảnh “quá tải”. Tại Trạm Y tế P.Hiệp Thành Q12 hiện chỉ có 4 - 5 nhân viên y tế nhưng phải chăm sóc sức khỏe cho gần 70.000 người!

Ông Nguyễn Văn Năm, Bí thư Đảng ủy phường cho biết: “Vào những ngày tiêm chủng và khám sức khỏe ban đầu cho trẻ em, UBND phường phải huy động cả nhân viên phường sang hỗ trợ trạm y tế giải quyết công việc. Có ngày cao điểm, 4 - 5 nhân viên trạm y tế phường phải khám sức khỏe cho tới 1.000 lượt người! Do khối lượng công việc quá nặng nên việc khám, chữa bệnh khó đạt chất lượng như mong muốn…”. 

Công nhân làm việc ở các KCN - KCX tại TPHCM phần lớn từ các tỉnh về. Ảnh: VIỆT DŨNG

Công nhân làm việc ở các KCN - KCX tại TPHCM phần lớn từ các tỉnh về. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tình trạng tăng dân số cơ học còn làm cho hệ thống cơ sở hạ tầng ở các quận, huyện ngày càng quá tải, xuống cấp khiến tình trạng ngập nước, kẹt xe… diễn ra “như cơm bữa”. Ông Nguyễn Văn Minh, người sinh sống tại TPHCM từ trước ngày giải phóng, bức xúc: “Hệ thống cơ sở hạ tầng xây dựng trước giải phóng chỉ dành cho 3 triệu dân, vậy mà nay phải oằn mình gánh nặng gần 10 triệu dân, đó là chưa kể đến lượng xe máy, xe tải, ô tô các loại… đang tăng khủng khiếp, trong khi đó kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lại có hạn” 

MINH NGỌC - TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục