Tăng kiểm tra để xử lý tài xế nghiện, say bia, rượu

Vấn đề tài xế sử dụng rượu, bia khi lái xe làm chết người, băn khoăn về dự án BOT còn thiếu công khai, minh bạch là những vấn đề được nhiều đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể sáng 5-6.

Tăng kiểm tra để xử lý tài xế nghiện, say bia, rượu

Tập trung vào kiểm tra việc đào tạo, sát hạch lái xe

ĐB Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) đặt vấn đề: Ý kiến của cử tri, nguyên nhân là do xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe; công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn lỏng lẻo, tiêu cực. Quan điểm của Bộ trưởng ra sao?

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đặt vấn đề, liệu có tiêu cực trong cấp, sát hạch giấy phép lái xe?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận, việc đào tạo, sát hạch lái xe là một trong những nguyên nhân khiến tại nạn giao thông (TNGT) diễn biến phức tạp. Nhận thức được vấn đề, Bộ GT-VT đã tập trung vào vấn đề này thông qua chỉ đạo Cục Đăng kiểm, Thanh tra Bộ GT-VT thanh, kiểm tả tất cả các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe.

Bộ cũng đã tham mưu Chính phủ cuối năm 2018 ban hành Nghị định 138 về điều kiện đào tạo lái xe ô tô và đang dự thảo sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó, sẽ tăng cường giám sát học các học viên, tăng độ khó đề thi, thậm chí đưa ra một số tình huống có thể đánh rớt ngay, ví dụ như vượt đèn đỏ có tín hiệu đường sắt nguy hiểm. Bộ sẽ cố gắng cải tiến đào tạo sát hạch lái xe để khi có bằng, lái xe hoạt động tốt nhất.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thể, trong các vụ TNGT nghiêm trọng đều có liên quan đến tài xế và đào tạo. Theo thống kê từ Bộ Công an, TNGT tập trung vào những tài xế có thâm niên 8-10 năm. Điều đó chứng tỏ, tai nạn không phải do tài xế mới nhận bằng mà đã có công ăn việc làm ổn định sau một thời gian mới vi phạm.

Để xử lý vấn đề này, bên cạnh tăng cường đào tạo, sát hạch thì sẽ tăng cường kiểm tra giám sát doanh nghiệp, tài xế. Bộ đang lồng ghép trong Nghị định 46, Nghị định 86 (điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô – PV) sửa đổi để tăng trách nhiệm tài xế, doanh nghiệp và tăng hình phạt khi lái xe sử dụng ma túy, bia, rượu quá nồng độ cồn cho phép.

Dù Bộ trưởng đã trả lời nhưng ĐB Nguyễn Văn Cầu (Nghệ An) vẫn đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng trước thực trạng tài xế nghiện ma túy, say rượu, bia.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, bộ đã yêu cầu các sở GT-VT tăng cường thanh, kiểm tra doanh nghiệp có sử dụng nhiều tài xế để quản lý lượng phương tiện và sử dụng lao động của doanh nghiệp, nhất là sức khỏe tài xế. Nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện hầu hết các trung tâm kiểm định xe ở địa phương đã kết nối với Cục Đăng kiểm. Cục có trách nhiệm giám sát toàn bộ quy trình kiểm định xe. Bộ GT-VT sẽ tăng cường giám sát, xử lý nghiêm và rút giấy phép trung tâm kiểm định sai phạm; thực tế vừa qua có trung tâm kiểm định ở Bắc Giang đã bị rút giấy phép.

Công khai, minh bạch việc đầu tư, thu phí dự án BOT

Vấn đề các dự án giao thông xây dựng theo hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) trở thành chủ đề được nhiều ĐB quan tâm.

Theo ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình), Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán 61 dự án BOT và kiến nghị giảm thời gian thu phí hơn 220 năm. Thế nhưng trước đó, Bộ GT-VT cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng không cần kiểm toán dự án giao thông BOT vì là dự án tư nhân.

“Vì sao 2 bộ không muốn kiểm toán? Nếu Kiểm toán Nhà nước không kiên quyết thì người dân trả tiền oan hơn 220 năm và liệu có lợi ích nhóm trong vấn đề này?”, ĐB Phương đặt một loạt câu hỏi.

Tăng kiểm tra để xử lý tài xế nghiện, say bia, rượu ảnh 1
Đại biểu Bùi Văn Phương chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT
Phản hồi lại vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, các dự án BOT mới triển khai, bộ đã mời Kiểm toán Nhà nước vào cuộc chứ không phải bộ không đồng ý. Số lượng dự án BOT đã được kiểm toán là 100%.

Cũng theo ông Thể, theo quy định của pháp luật, dự án BOT khi được phê duyệt thì Nhà nước sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư; khi nhà đầu tư hoàn thành xong thì quyết toán; sau đó điều chỉnh hợp đồng BOT và cuối cùng mới là hợp đồng cho thu phí. Còn nếu chỉ căn cứ vào dự toán là không đúng thực tế.

Tranh luận lại, ĐB Bùi Văn Phương cho rằng, Bộ trưởng nói không hề né tránh mà chủ động mời Kiểm toán Nhà nước là không thật chính xác. Cho biết đang ngồi cạnh Tổng Kiểm toán Nhà nước, theo ĐB Phương, bộ chỉ chủ động mời kiểm toán 3 dự án. Còn trước đó, Bộ GT-VT cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư không mời kiểm toán dự án.

Theo ông Nguyễn Văn Thể, trong quá trình làm, bộ đã chỉ đạo chủ đầu tư mời Kiểm toán Nhà nước tham gia vào dự án từ đầu mà không phải sự chủ động, ý thức  của chủ đầu tư. Còn sau này là chỉ hậu kiểm 3-4 dự án có vấn đề, có dư luận, cần làm rõ hơn nữa.

Cho biết Bộ trưởng đã có văn bản giải trình về việc thu phí BOT nhưng ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) vẫn cho biết, cử tri lo lắng về tính minh bạch, cách tính thu phí, lưu lượng xe qua các trạm BOT và đề nghị cần công khai để người dân giám sát, tránh việc nhà đầu tư đã hoàn vốn vẫn thu.

Phản hồi lại, ông Nguyễn Văn Thể khẳng định, việc quyết toán dự án phải đảm bảo công khai minh bạch. Hiện 62 trạm BOT đã được quyết toán. Những tồn tại còn lại là liên quan đến giải phóng mặt bằng của địa phương và đang làm rõ để tính toán chi phí. Còn đầu ra, để đảm bảo việc người dân nộp phí đúng với khoản đầu tư của doanh nghiệp, bộ đã giao Tổng cục Đường bộ phối hợp với kiểm toán rà soát việc thu phí. Đồng thời, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm nay, các dự án thu phí không dừng sẽ đi vào hoạt động. Trong đó, sẽ có phần mềm thu phí từng trạm, từ đó, doanh nghiệp có dự án, Tổng cục Đường bộ  và sau đó sẽ kết nối số liệu với các cơ quan chức năng nhà nước. Việc báo cáo các số liệu này là tự động. Đến cuối năm nay cũng sẽ triển khai xong hệ thống camera để theo dõi và có thể xem xét lại việc thu phí từng ngày, giờ để nếu cần sẽ đối chiếu.

Tin cùng chuyên mục