Tăng mức xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm: Có ngăn được thực phẩm bẩn?

Hôm nay 20-10, Nghị định 115/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực. Đáng chú ý là việc tăng mức phạt đối với vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố. 
Người bán hàng dùng tay trần chế biến thức ăn cho khách Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người bán hàng dùng tay trần chế biến thức ăn cho khách Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đây được xem là một chế tài mạnh nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát trước tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan hiện nay. Tuy nhiên để ngăn chặn được hiệu quả tình trạng mất ATTP đối với thức ăn đường phố thật không đơn giản...

Nhìn đâu cũng thấy... bẩn

Mới 5 giờ chiều nhưng khu vực phố Trúc Bạch, trước cổng chợ Châu Long (quận Ba Đình, Hà Nội) đã đông nghịt người và xe. Khói xe và bụi bặm khiến không khí rất ngột ngạt, mất vệ sinh nhưng ngay phía ngoài cổng chợ, một dãy hàng quán thực phẩm chín cùng 2 phản thịt heo sống được kéo ra sát lề đường để khách hàng chỉ cần tạt xe vào là dễ dàng chọn mua. Chẳng có tủ kính, dù che, tất cả thực phẩm được chế biến chín cho tới thịt heo sống đều được bày biện trong khói bụi, ruồi muỗi bu đầy. Vậy mà vẫn không ít người dừng xe mua đồ ăn. 

Còn tại Làng đại học Thủ Đức, dọc khu chợ đêm, ngay từ đầu giờ chiều đã rục rịch hàng quán với đầy đủ các quầy hàng từ ăn vặt đến ăn chơi. Chỉ một đoạn đường ngắn trước cổng Trường Đại học Quốc tế là la liệt những hàng quán từ chè, cháo, bánh mì, bánh canh, hủ tiếu... với chậu bát đũa, ly, chén vứt lỏng chỏng, cùng một xô nước rửa bát đục ngầu, dầu mỡ. Mỗi khi có khách tới ăn, chủ hàng lại vội lấy chiếc khăn cáu bẩn lau vội vài vòng, rồi dùng đôi tay trần thoăn thoát bốc hủ tíu vào tô để chan nước lèo...!

Thực tế, tình trạng không bảo đảm ATTP, cũng như quá trình chế biến đối với thực phẩm đường phố ở TPHCM, Hà Nội, cũng như các địa phương trong cả nước đã trở thành vấn đề bức xúc lâu nay nhưng nhiều người xem đó là chuyện bình thường và chấp nhận sử dụng thức ăn đường phố. Tại nhiều nơi, thức ăn dù sống hay chín được bày bán tràn lan trên vỉa hè, cổng chợ, bến xe, cổng trường học, khu công nghiệp, thậm chí ngay miệng cống… nhưng vẫn rất đông người mua vì rẻ và tiện. Tuy nhiên bên cạnh ưu thế trên lại là những mối nguy hại khôn lường cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng và cả cộng đồng mà thức ăn đường phố gây ra. Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, Cục ATTP (Bộ Y tế) thẳng thắn thừa nhận, thức ăn đường phố đa dạng, thuận tiện, giá hợp lý nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm thực phẩm, gây ngộ độc, hay các bệnh truyền nhiềm cho người sử dụng. Các nghiên cứu cho thấy, hầu hết bàn tay của người kinh doanh, chế biến thức ăn đường phố có nguy cơ nhiễm vi khuẩn E.coli gây ra các bệnh về đường ruột. Trong khi đó, nhiều loại thức ăn được chế biến sẵn lại không rõ ràng về nguồn gốc thực phẩm, cũng như có chứa các vi khuẩn và phụ gia phẩm màu nguy hại cho sức khỏe.

Tăng phạt, liệu có khả thi?

Trước tình trạng mất vệ sinh ATTP vẫn rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng, Nghị định số 115/2018 NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm được ban hành và có hiệu lực từ ngày 20-10 được xem là một trong những biện pháp quyết liệt đấu tranh với thực phẩm bẩn nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, cho biết lâu nay tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm về sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm là khá phổ biến. Do đó, Nghị định 115 ra đời có những quy định về các mức xử phạt cao hơn so với các quy định trước nhằm tăng cường quản lý và xử lý mạnh mẽ hơn đối với các hành vi vi phạm về ATTP. Trong đó đáng chú ý, hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không có hình thức cảnh cáo và mức phạt tiền tối đa lên đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Nghị định mới cũng quy định nhiều hành vi xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; đình chỉ hoạt động có thời hạn tịch thu, tiêu hủy tang vật vi phạm. Đặc biệt, theo Điều 16 của Nghị định 115 quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố sẽ phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu  đồng đối với một trong các hành vi: thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay... Phạt tiền từ 1 triệu tới 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi:  sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, chứa đựng trực tiếp thực phẩm không bảo đảm an toàn; người đang mắc bệnh mà theo quy định không được trực tiếp kinh doanh thức ăn; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống...

Phản ứng trước những quy định mới của Nghị định 115 về tăng mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm ATTP, phần lớn người dân cũng như đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều bày tỏ sự ủng hộ nhằm hạn chế tình trạng mất ATTP như hiện nay. Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về tính khả thi của các quy định nhất là khi cả nước có hàng trăm ngàn cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, nhất là với loại hình thức đường phố. Chị Trần Thị Hà, bán bánh mì trước cổng Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), nói: “Lâu nay tôi vẫn làm thế, có chết ai đâu? Giờ đeo găng tay sạch thì có sạch nhưng vướng víu, chậm khách lại la, mà đeo găng tay thì liệu có đảm bảo sạch?”.

Còn chị Lê Thu Hương - một hộ kinh doanh thực phẩm ở khu vực chợ Thành Công (Hà Nội) cho biết: “Lâu nay chúng tôi vẫn lấy vỉa hè làm nơi kinh doanh và việc không có găng tay khi lấy thức ăn cho khách, hay có tủ kính để bày biện thức ăn cũng chẳng mấy khi bị nhắc nhở, người mua hàng cũng không có phản ứng gì. Bây giờ, yêu cầu chúng tôi đeo găng tay để lấy thức ăn khi bán cho khách, chúng tôi sẽ thực hiện để an toàn và sạch sẽ hơn, nhưng cần phải làm đồng bộ tất cả hàng quán, chứ không chỉ nơi làm nơi không, người bị phạt, người không bị phạt vì việc nhỏ này”. 

Trong khi đó, nhiều ý kiến khác cũng bày tỏ khi cho rằng với số tiền phạt khá lớn nên các cửa hàng ăn uống, kinh doanh thực phẩm sẽ tìm mọi cách đối phó. Do đó nếu lực lượng chức năng không tăng cường, thường xuyên giám sát, kiểm tra chặt chẽ thì khi thực hiện khó khả thi và sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng như từng xảy ra với các quy định trước đây.

Trước những băn khoăn trên, lãnh đạo Cục ATTP lý giải, trước đây, lực lượng kiểm tra chuyên ngành về ATTP còn thiếu và yếu nên việc bảo đảm ATTP chủ yếu là vận động, tuyên truyền, nhắc nhở các cá nhân, cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm tự giác chấp hành. Tuy nhiên hiện nay, nhiều địa phương đã thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tới cấp xã, phường nên nếu làm quyết liệt sẽ thực hiện được hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục