Tăng niềm tin của dân vào y tế cơ sở

Sau gần 1 tháng đưa vào hoạt động Trạm Y tế xã hội hóa tại phường 11 (quận 3, TPHCM), người dân đã tích cực đến cơ sở y tế tuyến đầu này để khám và chữa bệnh. 
Bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Trạm Y tế phường 11, quận 3
Bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Trạm Y tế phường 11, quận 3
Đây là một trong những hướng đi mà ngành y tế TPHCM hướng tới nhằm giải quyết tình trạng quá tải cho các bệnh viện (BV) tuyến trên, đồng thời tạo niềm tin cho người dân đối với y tế cơ sở. 
Trạm y tế hiện đại
Nghe tin Trạm y tế phường 11 mới mở thêm phòng khám đa khoa, ngày 4-6, bà Lê Thị Vân (55 tuổi), một người dân sinh sống trên địa bàn phường 11, đã đến khám bệnh. Bà Vân hài lòng cho biết: “Không ngờ trạm y tế lại khang trang như vậy, thiết bị máy móc hiện đại, thái độ phục vụ niềm nở mà giá khám chỉ có 70.000 - 80.000 đồng/lượt, thật vô cùng tiện lợi”. Còn anh Nguyễn Thanh Vũ, ngụ tại hẻm 436 đường Cách Mạng Tháng Tám, cũng khá bất ngờ khi mới đây đưa con gái 2 tuổi đến trạm chích ngừa vaccine. “Cùng một địa điểm nhưng rõ ràng bộ mặt của trạm y tế đã thay đổi hẳn so với trước, ngay cả việc chích ngừa thôi cũng đã thấy chuyên nghiệp hơn nhiều”, anh Vũ cho hay. 
Bắt đầu từ ngày 19-5, thay cho mô hình trạm y tế với cơ sở vật chất nghèo nàn, thiết bị cũ kỹ, nhân sự thiếu thốn trước kia, là một phòng khám khang trang, với đầy đủ các dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, Trạm Y tế phường 11, quận 3 là mô hình đối tác công - tư được TPHCM thực hiện thí điểm. Theo đó, trạm y tế này sẽ có 2 chức năng song song là phòng chống dịch bệnh, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và khám, chữa bệnh theo mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Ngoài các nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên như tiêm chủng, phòng ngừa, kiểm soát dịch, khám chữa bệnh cho gia đình thuộc diện chính sách, phòng khám còn có thêm các dịch vụ chưa từng có tại các trạm y tế như xét nghiệm bậc cao tầm soát hầu hết các ung thư, bệnh di truyền, chẩn đoán trước sinh, chẩn đoán sau sinh…
Trước đó, Công ty cổ phần Y tế Việt Anh đã đầu tư 20 tỷ đồng chỉnh trang, cải tạo và mua sắm trang thiết bị hiện đại cho Trạm Y tế phường 11. Bên cạnh 2 bác sĩ cơ hữu của trạm trước đó, phòng khám được bổ sung thêm 2 bác sĩ và có sự tham gia khám chữa bệnh của một số bác sĩ BV Đại học Y Dược, BV Chợ Rẫy…, nhằm tăng chất lượng hoạt động tại tuyến y tế phường, xã, nâng cao niềm tin của người dân vào trạm y tế.  
Nỗ lực vì người bệnh
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, xã hội hóa trạm y tế là bước đột phá với mục tiêu hướng tới tất cả người dân được chăm sóc sức khỏe, thụ hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất. Tuy nhiên, mô hình phối hợp công - tư này phải làm tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu, khám bảo hiểm y tế, quản lý chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đặc biệt phát huy hoạt động mô hình bác sĩ gia đình; đồng thời vẫn phải giữ nguyên các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của một trạm y tế như tiêm chủng, phòng ngừa, kiểm soát dịch, khám chữa bệnh cho gia đình thuộc diện chính sách. “Nhà nước phải quản lý giá dịch vụ ở mức phù hợp với mức sống của người dân và phải đảm bảo các chức năng vốn có của trạm y tế”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu.
Còn trong lần thị sát mới đây tại TPHCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã hoan nghênh TPHCM đi tiên phong trong việc thí điểm mô hình xã hội hóa trạm y tế. Song, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý TP cần nghiên cứu kỹ, rút kinh nghiệm từ việc thí điểm mô hình này để định hình được mô hình đầu tư trong giai đoạn tiếp theo. “Bước đầu, TPHCM đã làm rất tốt việc kêu gọi xã hội hóa trạm y tế, nhưng phải tính toán làm sao để đảm bảo hoạt động lâu dài, tái đầu tư và không ngừng nâng chất lượng để đáp ứng nhu cầu, tạo niềm tin cho người dân”. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng kêu gọi nhà đầu tư hướng tới mô hình không vì lợi nhuận, tái đầu tư tiếp tục phát triển hệ thống.

Tin cùng chuyên mục