Tăng phối hợp, đảm bảo an toàn giao thông

Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, khâu tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức pháp luật về giao thông đường bộ sẽ được TPHCM tiếp tục triển khai để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trong những tháng cuối năm. Đó là ghi nhận nổi bật từ cuộc trao đổi của phóng viên Báo SGGP với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM về tình hình ATGT trên địa bàn TPHCM.

PHÓNG VIÊN: Ông có thể nói gì về tình hình trật tự ATGT trên địa bàn thành phố trong thời gian qua?

Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Theo số liệu của Công an TPHCM, trong 8 tháng đầu năm nay, các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố đã được kéo giảm trên cả 3 mặt. Cụ thể, toàn thành phố xảy ra tổng cộng 2.275 vụ tai nạn giao thông (bao gồm cả va chạm giao thông), làm 416 người chết, 1.589 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2018, tai nạn giao thông giảm 92 vụ, giảm 24 người chết và giảm 22 người bị thương. Tuy nhiên, tình hình ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, khu trung tâm thành phố, các cửa ngõ ra vào thành phố.

Tăng phối hợp, đảm bảo an toàn giao thông ảnh 1 Phương tiện giao thông cá nhân lưu thông trên đường Hoàng Minh Giám. Ảnh: CAO THĂNG
Có nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng này. Một trong những nguyên nhân đáng kể, đó là phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, trong khi chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả. Số lượng phương tiện tăng cao nhưng ý thức chấp hành pháp luật, ở đây là Luật Giao thông đường bộ, của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa cao, chủ yếu rơi vào người điều khiển xe 2 bánh, xe container và người bộ hành. Theo ghi nhận của Ban ATGT TPHCM, số vụ tai nạn giao thông gây thương vong nhiều nhất tập trung vào giới lái xe cơ giới, như lưu thông không đúng phần đường, không chú ý quan sát, xử lý tay lái kém, đổi hướng không đúng quy định, không giữ khoảng cách an toàn, vi phạm tốc độ… Có hơn 92% vụ tai nạn giao thông liên quan đến ý thức chưa cao của người điều khiển phương tiện giao thông.

Trong khi đó, công tác kiểm tra xử lý vi phạm trật tự lòng lề đường tại một số địa phương không được duy trì thường xuyên. Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, kinh doanh, đậu xe không đúng quy định còn diễn ra ở nhiều nơi, trên nhiều tuyến đường. Tình trạng mất trật tự lòng lề đường, họp chợ tự phát vẫn tái diễn.

PHÓNG VIÊNHơn 92% vụ tai nạn giao thông liên quan đến ý thức của người điều khiển phương tiện, vậy theo ông, cần làm gì để khắc phục điều này?

Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải luôn được lãnh đạo TPHCM xác định là nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi cho rằng, để chuyển biến ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải của người tham gia giao thông, cần có sự tham gia đồng loạt của nhiều đơn vị chức năng chứ không riêng gì Ban ATGT TPHCM. Lực lượng đó sẽ bao gồm Ban ATGT quận huyện, Thành đoàn TNCS TPHCM, Sở GTVT, Sở GD-ĐT, Sở TT-TT…

Về nguyên tắc, Ban ATGT TP và Ban ATGT các quận huyện sẽ đảm trách xây dựng kế hoạch chuyên đề tuyên truyền, vận động gắn với giám sát thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT; xây dựng chuyên đề ATGT cho người đi mô tô, xe đạp điện và các chuyên đề phù hợp với tình hình thực tế; tăng cường vận động cơ sở phát huy hiệu quả của hệ thống truyền thanh phường xã, thị trấn. Đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật và chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT vào sinh hoạt thường xuyên của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội. Đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT thành tiêu chí để đánh giá chất lượng của tổ chức đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tổ chức phi chính phủ… xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT.

Thành đoàn và Sở GD-ĐT TPHCM đảm trách triển khai tuyên truyền cụ thể, tập trung vào đối tượng thanh niên, học sinh nhằm tạo tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến nhận thức của các em trong việc tự giác chấp hành pháp luật về ATGT.

Ban ATGT thành phố đề nghị UBMTTQVN TPHCM và các đoàn thể phát huy chức năng tuyên truyền, vận động xã hội, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục trong hệ thống đoàn viên, hội viên và khu dân cư ở cơ sở, nhằm nâng cao hơn nữa ý thực tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Đồng thời, tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện ở các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố.

 PHÓNG VIÊN: Năm học mới đã bắt đầu, vậy việc đảm bảo ATGT khu vực trường học có gì đáng chú ý, thưa ông?

Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Nói chung, các giải pháp hướng tới mục tiêu đảm bảo ATGT cho trẻ em, đặc biệt tại khu vực trường học sẽ được ngành chức năng triển khai thực hiện một cách đa dạng và uyển chuyển, áp dụng tùy theo đặc thù, đặc điểm của từng vị trí điểm trường.

Một trong những biện pháp tiêu biểu là tiến hành rà soát, lắp đặt biển báo hiệu, biển chỉ dẫn, biển cảnh báo và tổ chức giao thông an toàn trên các tuyến đường đi qua khu vực có trường học. Đối với trường học nằm trên tuyến đường có tình hình giao thông phức tạp, giải pháp là tăng cường lắp đặt thanh chắn ngăn xe lưu thông qua lối đi bộ, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông, thiết lập dải phân cách di động, kẻ vạch dừng đôi, thêm vạch sơn giảm tốc qua các khu vực trường học… Những việc này được xác định sẽ duy trì thường xuyên, cũng như linh động điều chỉnh, bổ sung dựa trên sự phối hợp góp ý của các quận huyện trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục